Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang nóng lên, đồng thời những tranh luận về chủ đề tổng thống Mỹ tương lai sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hùng mạnh của nước này như thế nào cũng dần trở nên gay gắt hơn. Việc những lời kêu gọi dùng lực lượng quân sự để làm gia tăng các giá trị Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều là điều không có gì đáng ngạc nhiên, theo National Interest. Sẵn sàng triển khai biện pháp quân sự là tuyên bố mà rất nhiều ứng viên tổng thống Mỹ từ cả hai đảng đưa ra trong các cuộc tranh luận.
Ngày càng nhiều lãnh đạo trên thế giới hiện nay lựa chọn cách huy động sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp. Nhưng theo Tom Z.Collina, giám đốc chính sách thuộc Quỹ Ploughshares, một quỹ về an ninh toàn cầu của Mỹ, các sự kiện xảy ra gần đây tại nhiều địa điểm trên toàn cầu lại cho thấy sử dụng ngoại giao thay cho vũ lực mới là phương pháp tốt nhất để cải thiện tình hình an ninh khu vực và quốc tế trong dài hạn.
Thỏa thuận hạt nhân Iran là minh chứng rõ nét hơn cả cho tính hiệu quả của các biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, những gì diễn ra ở Iraq và Libya đang dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hậu quả của những hành vi can thiệp quân sự.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell năm ngoái thừa nhận "kinh nghiệm rút ra cho Mỹ, đặc biệt tại Libya, đó là việc loại bỏ lãnh đạo của một quốc gia sẽ dẫn tới tình trạng chia năm xẻ bảy rất khó để kiểm soát và khiến đất nước ấy rơi vào bất ổn".
Theo Collina, đây là bài học đắt giá mà tổng thống Mỹ kế nhiệm cần hiểu. Dù vậy, không hẳn tất cả các ứng viên tổng thống hiện nay đều nhận thức đầy đủ về điều này.
Tỷ phú Donald Trump từng tranh luận rằng Mỹ không nên can thiệp vào Iraq và Libya. Tuy nhiên, kế hoạch của ông, dự kiến sử dụng vũ lực để đối phó với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), lại đang làm dấy lên những mối quan ngại về việc ông đang thiên về hướng sử dụng sức mạnh quân sự.
"Tôi sẽ đánh bom chúng", ông Trump hồi năm ngoái tuyên bố. Như một bức thư ngỏ của hơn 50 chuyên gia an ninh quốc gia trong đảng Cộng hòa từng chỉ ra, "ông Trump đang chuyển từ chủ nghĩa tự cô lập sang chủ nghĩa phiêu lưu quân sự qua từng câu nói".
Tương tự, ứng viên Hillary Clinton năm ngoái nhấn mạnh "giống Tổng thống Obama, tôi không tin rằng chúng ta nên triển khai 100.000 lính Mỹ đến tham chiến tại Trung Đông". Nhưng bà lại ủng hộ Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq và Libya khi còn là thượng nghị sĩ và giữ chức ngoại trưởng. Bà cũng đang kêu gọi Mỹ hành động quyết đoán hơn ở Syria.
Mỹ cần "lập ra các vùng cấm bay để ngăn tổng thống Syria thảm sát dân thường và phe nổi dậy từ trên không", bà Clinton hồi tháng 10 năm ngoái đề xuất.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thuộc đảng Dân chủ, người từng phủ quyết chống chiến tranh Iraq, thì thiên về giải pháp phi can thiệp quân sự hơn. Ông kêu gọi thực hiện một chính sách ngoại giao mới "giúp Mỹ không bị kéo vào cuộc chiến lâu dài ở khu vực bất ổn Trung Đông".
Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ứng viên khác của đảng Cộng hòa, từng mạnh miệng nói ông sẽ ném bom trải thảm cho đến khi những kẻ khủng bố "rơi vào quên lãng".
Việc các ứng viên tổng thống đưa ra những phát ngôn cứng rắn trong thời gian vận động tranh cử là chuyện bình thường. Nhưng khi xem xét tới lịch sử và lợi ích quốc gia, thứ dân chúng Mỹ cần nghe là những tuyên bố thẳng thắn hơn từ họ, Collina bình luận.
Thành công và thất bại
Chiến dịch can thiệp quân sự ở Trung Đông đã để lại nhiều hệ quả không mong muốn cho nước Mỹ trong hai đời tổng thống vừa qua.
Cựu tổng thống George W. Bush đã đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến tranh Iraq với những hậu quả nặng nề: hàng nghìn người bỏ mạng, một nhà nước Iraq mất kiểm soát, trở thành nơi trú ẩn của khủng bố, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy và hàng nghìn tỷ USD bị tiêu tốn.
Mỹ sau đó can thiệp Libya vào năm 2011, làm bùng lên một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Thoạt nhìn, chính quyền Tổng thống Barack Obama có vẻ đã rút ra được những bài học đắt giá ở Iraq khi tiến hành cuộc chiến một cách thận trọng hơn. Washington lúc này phối hợp hành động cùng lực lượng liên minh đa quốc gia và điều động quân sự với số lượng hạn chế để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, ông Obama lại quên mất một bài học then chốt: đừng bao giờ khơi mào một cuộc chiến khi không có kế hoạch bình ổn rõ ràng, Collina nhận xét.
Một bản đánh giá do New York Times đăng tải hôm 27/2 miêu tả Libya giờ đây bị biến thành một đất nước hỗn loạn và là thiên đường cho những kẻ khủng bố.
Theo Collina, trong vấn đề quan hệ với Iran, chính quyền Obama đã gặp may mắn. Thỏa thuận hạt nhân được thông qua năm ngoái khiến Iran phải giảm quy mô, đồng thời đóng băng chương trình hạt nhân. Nước đi này mở ra cơ hội ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử mà không tốn một viên đạn nào. Đến nay, Iran đã và đang thực hiện tốt tất cả các cam kết quan trọng của họ.
Chính quyền Obama hiện đau đầu trong việc tìm kiếm chiến lược can dự vào cuộc nội chiến Syria. Giới chuyên gia đánh giá ông Obama đã đúng khi lên tiếng phản đối tăng cường vũ trang cho phe đối lập và tạo dựng một vùng cấm bay ở đây bởi cách tiếp cận này buộc Mỹ phải can dự sâu hơn vào tình hình khu vực.
Từ sau cuộc chiến ở Libya, "tôi luôn cân nhắc câu hỏi 'Chúng ta có nên can thiệp quân sự hay không? Chúng ta đã có những biện pháp về lâu dài hay chưa?' khi áp dụng một chính sách nào đó", ông Obama cho biết.
Dù Mỹ hiện thiếu những giải pháp can thiệp quân sự nhưng nỗ lực ngoại giao nhằm lập lại hòa bình cho Syria dường như đang tiến triển. Minh chứng là thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ, bắt đầu áp dụng từ đêm 26/2, đến nay vẫn được duy trì.
Trong 4 ví dụ kể trên, duy nhất tiến trình ngoại giao ở Iran có thể được coi là một thành công của Mỹ. Động thái can thiệp quân sự đã khiến Washington chuốc lấy thất bại tại Iraq và Libya. Mặt khác, hiệu quả của chính sách can thiệp ở Syria hiện vẫn chưa rõ ràng. Vậy nên, dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng đi chăng nữa thì họ cũng cần nhớ tới những bài học này để sử dụng hợp lý sức mạnh quân sự to lớn của mình, Collina nhấn mạnh.
Duy Sơn