Khi hải quân Mỹ quyết định đưa tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên những bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa trong thời gian tới, các sĩ quan trên tàu sẽ phải đối diện với quyết định khó khăn về cách thức đối phó với hai ngọn hải đăng khổng lồ mà Trung Quốc xây dựng trái phép và đưa vào sử dụng từ đầu tháng này, theo Reuters.
Động thái thâm sâu
Khi đưa hai ngọn hải đăng phi pháp trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma vào hoạt động, các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng chúng sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải và giảm nhẹ thiên tai.
Thế nhưng nhiều chuyên gia phân tích, nhà ngoại giao và quan chức hải quân nước ngoài cho rằng hai ngọn hải đăng này là một động thái thâm sâu của Trung Quốc nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
Hiện nay hải quân Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng các thiết bị điện tử để xác nhận vị trí tàu chiến của mình trên biển, nhưng trong một số trường hợp nhất định, họ phải dựa vào những ngọn hải đăng để xác định địa điểm và qua lại an toàn trên biển, các quan chức hải quân phương Tây cho biết.
Theo những quan chức này, việc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS giúp tàu chiến và các tàu thương mại dễ dàng xác định vị trí của mình trên biển và giảm bớt sự phụ thuộc vào hải đăng, bởi vậy hải đăng ngày càng xuất hiện ít hơn trên thế giới. Nhưng khi tiến sát đến các hòn đảo, bãi đá ngầm, thiết bị GPS có thể không hoạt động, và tàu bè vẫn phải dựa vào các hải đăng để xác định vị trí và dĩ nhiên những hải đăng đó sẽ xuất hiện trong nhật ký hành trình của họ.
Ông Trevor Hollingsbee, cựu chuyên gia phân tích tình báo hải quân Anh, cho rằng việc xây dựng hải đăng trên hai bãi đá bồi đắp này của Trung Quốc là một động thái "khá gian xảo".
"Thế giới ngày càng ít sử dụng hải đăng, nhưng luôn có những nơi vai trò của chúng là không thể thiếu được đối với những người đi biển, và trong trường hợp này là ở Biển Đông", Hollingsbee nói.
Những động thái dù nhỏ này đóng một vai trò rất lớn trong chiến lược "củng cố chủ quyền bằng cách ép buộc các nước khác phải thừa nhận chủ quyền Trung Quốc với hành động ghi nhật ký hành trình của họ", ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhận định.
"Nếu tàu chiến và tàu buôn các nước khác, trong đó có Mỹ, buộc phải sử dụng và ghi những hải đăng này vào nhật ký hành trình, nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc", ông Storey nói.
Các chuyên gia phân tích cho rằng với việc xuất hiện ngày càng nhiều trong nhật ký hành trình của tàu bè các nước, những ngọn hải đăng này nhiều khả năng sẽ được ghi nhận trong các hải đồ, hải trình quốc tế. Điều này có thể sẽ giúp Trung Quốc xây dựng một bức tranh pháp lý dài hạn về "sự chiếm giữ hiệu quả", một yếu tố quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền theo luật pháp quốc tế, bất chấp những phản đối ngoại giao chính thức của các nước khác.
Những ngọn hải đăng này củng cố chiến lược "dần dần thay đổi hiện trạng trên biển" của Bắc Kinh, ông Storey nhấn mạnh.
Không ảnh hưởng tới Mỹ
Từ lâu, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không thừa nhật bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp mà họ bồi đắp ở Biển Đông. Mới đây, một loạt báo lớn của Mỹ đưa tin hải quân nước này sẽ sớm điều tàu chiến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện các quan chức Mỹ vẫn chưa xác nhận hay bác bỏ thông tin trên. Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố tàu chiến hay máy bay Mỹ có thể hoạt động ở bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép.
Ông Bill Clinton, người phát ngôn Hạm đội 7 hải quân Mỹ, không nói rõ trong trường hợp nào tàu chiến Mỹ sẽ phải sử dụng đến hai ngọn hải đăng của Trung Quốc để xác định vị trí. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định hai hải đăng trên "không ảnh hưởng gì đến khả năng hoạt động của Hạm đội 7 trên các vùng biển quốc tế ở Biển Đông".
Năm 2014, Cục Tình báo-Không gian địa lý Quốc gia Mỹ (NGA) đã công bố cuốn "Chỉ dẫn Hành trình" trên Biển Đông, trong đó thể hiện những thông tin chi tiết về quần đảo Trường Sa, xác định một khu vực rộng 135.000 km vuông là "vùng nguy hiểm" chưa được khảo sát hoàn chỉnh và hay gặp thời tiết xấu.
Trong một diễn đàn an ninh mới được tổ chức ở Bắc Kinh, tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tuyên bố hai ngọn hải đăng mà nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa "đã bắt đầu cung cấp dịch vụ dẫn đường trên biển cho tất cả các nước" và bao biện rằng các đảo nhân tạo Trung Quốc "sẽ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở Biển Đông".
Tuy nhiên, phát biểu trước đại diện các nước tham dự diễn đàn, ông Gary Roughead, cựu tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nói rằng quy mô các sân bay và cầu cảng mà Trung Quốc xây dựng trái phép "để phục vụ du lịch" trên các đảo nhân tạo này làm dấy lên quan ngại về mục đích của chúng. "Tôi không thấy đoàn du khách Trung Quốc nào hô hào tới thăm những nơi xa xôi đó cả", ông nhấn mạnh.
Trí Dũng