Chỉ hai ngày sau khi hùng hồn tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có quyền bắn hạ máy bay Su-24 của Nga để "bảo vệ không phận" và Nga đang "đùa với lửa", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bỗng bày tỏ "đau buồn sâu sắc" và mong ước rằng sự việc trên đã không xảy ra.
Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng máy bay quân sự chở thi thể của phi công bị phiến quân người Turk sát hại khi đang nhảy dù về trao trả cho Nga. Các chuyên gia phân tích cho rằng những lời nói và hành động này của ông Erdogan là sự "xuống thang" đáng kể, thể hiện vị thế bị cô lập của Thổ Nhĩ Kỳ sau hành động nhấn nút phóng tên lửa bắn Su-24 Nga.
Trong bài phân tích đăng ngày 30/11, tờ Daily Times của Pakistan cho rằng có vẻ như những hành động đầy quyết đoán của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau thảm kịch đã có những tác động tức thời lên thái độ của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và cả các đồng minh NATO.
Theo đó, những phản ứng ngoại giao rất quyết liệt nhưng được đánh giá là "có chừng mực" của Nga đã khiến dư luận thế giới nhìn nhận Nga như một nạn nhân, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang hành xử như một "kẻ bắt nạt hàng xóm". Với tuyên bố có thể rút khỏi liên minh chống IS, Nga đã cho cộng đồng quốc tế thấy rằng hành động "khiêu khích có chủ ý" của Ankara đang có nguy cơ phá hoại nỗ lực đoàn kết quốc tế để chống lại tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay.
Không cần dùng đến các biện pháp trả đũa quân sự đầy mạo hiểm, Nga đã có những đòn giáng trả vào đúng điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ, đó chính là nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này.
Sau khi chiếc Su-24 bị bắn hạ, Nga đã yêu cầu hàng triệu du khách nước này không tới Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ngành công nghiệp không khói của Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức thiệt hại hàng triệu USD. Nga cũng ngừng chính sách miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, hạn chế các hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ nước này.
Giới phân tích cho rằng "đòn hiểm đánh đúng chỗ đau" của Nga đã khiến ông Erdogan cảm thấy thất thế, và chỉ còn biết dựa vào đồng minh NATO để chống đỡ. Nhưng chính các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ ra hờ hững, thậm chí còn quay sang bắt tay chặt hơn với Nga để chiến đấu chống IS, đẩy Ankara vào thế bị cô lập.
Thân cô thế cô
Theo bình luận viên Patrick J. Buchanan, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng, hành động của ông Erdogan đã đẩy NATO vào một tình thế vô cùng khó xử khi phải lựa chọn giữa một bên là bảo vệ đồng minh, một bên là nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga. Sau những lời kêu gọi phần nào thể hiện tính trung lập ban đầu, NATO đã gần như quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ để hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hôm 26/11, hai ngày sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, Tổng thống Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã nhất trí chia sẻ thông tin về các mục tiêu ở Syria và khẳng định "chỉ không kích những kẻ khủng bố". Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga "đã sẵn sàng hợp tác" với liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu.
Một trong những người có công lớn biến nguy cơ đối đầu với Nga thành cơ hội lớn hơn bao giờ hết để diệt IS chính là ông Hollande, người cho rằng mục tiêu chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria không thể bị cản trở bởi hành động bắn hạ Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 28/11, tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng Mỹ đã tìm cách gây sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy chiến binh nước ngoài đến gia nhập IS. Một quan chức cấp cao Mỹ tuyên bố: "Quá đủ rồi. Đây là một mối đe dọa quốc tế, và nó đang đi vào từ Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đi ra từ Syria".
Chuyên gia phân tích Semih Idiz của tờ al-Monitor cho rằng hành động bắn hạ Su-24 Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong nỗ lực bảo vệ phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn đang hoạt động ở biên giới phía bắc Syria. Thế nhưng, nỗ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đã phản tác dụng, và giờ đây họ phải khoanh tay đứng nhìn phiến quân người Turk hứng chịu những cuộc không kích dữ dội của Nga.
"Khi hào hứng về quyết tâm và khả năng quân sự bảo vệ phiến quân người Turk của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn Su-24 qua đi, họ tập trung vào những động thái ngoại giao của NATO. Trái với kỳ vọng của họ, NATO lại kêu gọi các bên xuống thang", ông Idiz viết.
Theo chuyên gia này, các thành viên chủ chốt của NATO, đặc biệt là những nước đã và đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố cao như Pháp, Đức, đã tỏ ra mệt mỏi với "hành động ủng hộ phiến quân" của Thổ Nhĩ Kỳ, và mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria càng sớm càng tốt.
"Không nhận được sự ủng hộ như kỳ vọng của các đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây gần như không thể bảo vệ được phiến quân người Turk trước chiến dịch quân sự của Nga và quân đội Syria, khiến giấc mơ xây dựng một lực lượng chính trị người Sunni mạnh trong khu vực này của Ankara coi như đã tiêu tan", chuyên gia Idiz nhận định.
Chuyên gia phân tích Trung Đông Cengiz Candar thì coi Thổ Nhĩ Kỳ là "đứa trẻ mới lớn ngỗ ngược" trong khối NATO. Với việc Tổng thống Obama đang ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, Mỹ sẽ không muốn có bất cứ can dự quân sự trực tiếp nào ở Syria. Bởi vậy khả năng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO ủng hộ mình bằng hành động quân sự là không thể xảy ra.
"Với những hành động của nhà lãnh đạo cao nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đang tự dồn mình vào chân tường, khi bị Nga dồn ép quyết liệt về ngoại giao và kinh tế, trong khi đồng minh NATO không thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ", bình luận viên Pinar Trembley của al-Monitor nhấn mạnh.
Trí Dũng