Với việc giành chiến thắng tại các bang Michigan, Mississippi và Hawaii, ông Trump đã giành được số lượng đại biểu lớn nhất trong tổng số 150 đại biểu được phân bổ tại 4 bang tổ chức bầu cử sơ bộ hôm 8/3. Đối thủ theo sát nhất của ông, Thượng nghị sĩ Ted Cruz chỉ có chiến thắng duy nhất tại bang Idaho.
Theo tờ New York Times, cuộc đua giành tổng số 1.237 đại biểu cần thiết để trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống đang ngày một tươi sáng với tỷ phú bất động sản này. Cụ thể, ông Trump còn cần khoảng 54% trong tổng số đại biểu phân bổ cho các bang còn lại, trong khi đối thủ Ted Cruz đến từ Texas cần tới 62%.
Xem thêm: Quy trình lựa chọn đại biểu trong bầu cử tổng thống Mỹ
Nhưng ngoài số lượng đại biểu gia tăng, các chiến thắng ngày 8/3 còn giúp ông Trump có được một điều quý giá hơn, đó là đà tâm lý, trong bối cảnh cuộc đua đã bước vào giai đoạn gay cấn. Ngày 15/3 tới, bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra tại một số bang áp dụng thể thức "thắng ăn cả, ngã về không", tức ứng viên nào có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất sẽ giành toàn bộ số đại biểu tại bang đó, thay vì phân chia theo tỷ lệ với các đối thủ như trước.
Loạt chiến thắng vừa qua của Donald Trump cũng đã dồn hai đối thủ còn lại là Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thống đốc bang Ohio John Kasich vào chân tường. Ông Rubio đã không giành nổi một đại biểu nào trong ngày 8/3, còn ông Kasich chỉ được 17 đại biểu. Trong khi đó ông Trump giành thêm 71 đại biểu, nhiều hơn 14 người so với đối thủ Cruz.
"Sau những gì diễn ra tối qua, người duy nhất có thể giành 1.237 đại biểu là chúng tôi", Barry Bennett, cố vấn cấp cao của Donald Trump tuyên bố. "Đồng hồ đang đếm ngược với các ứng viên khác nhưng không phải chúng tôi".
"Nếu chúng tôi thắng cả hai bang Florida và Ohio tiếp theo, Cruz sẽ có ít hơn chúng tôi 300 đại biểu. Các bang "thắng ăn cả" sẽ giống như nhiên liệu cho tên lửa", ông Bennett tự tin nhận định.
Ông Ted Cruz, dù thắng áp đảo tại bang Idaho, với tỷ lệ 45% so với 28% của Donald Trump, đang đối diện với cuộc đấu tại nhiều bang lớn ở phía bắc và phía tây, được cho là có lợi hơn cho tỷ phú bất động sản, theo khảo sát nhân khẩu học đối với cử tri của New York Times.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News sáng 9/3, ông Cruz dường như thừa nhận khó khăn phía trước nhưng vẫn bày tỏ quyết tâm rất cao. "Reagan và Ford từng ganh đua tới tận đại hội đảng", Thượng nghị sĩ bang Texas nói. "Đó chính là lý do vì sao phải tổ chức đại hội", ông nói.
"Đè bẹp" công kích
Phát biểu trong cuộc họp báo sau chiến thắng hôm 8/3, Donald Trump tỏ rõ sự phấn chấn khi chiến thắng, bất chấp chiến dịch công kích rầm rộ từ các đối thủ và lãnh đạo đảng Cộng hòa.
"Tôi chưa bao giờ nghe những điều kinh khủng về bản thân nhiều như trong tuần qua", ông Trump nói. Ông gọi chi phí cho những quảng cáo công kích tốn kém đó là "38 triệu USD những lời nói dối kinh hoàng. Nó cho thấy công chúng giờ thông minh ra sao, bởi họ biết đâu là những lời dối trá".
Theo trang Yahoo News, tỷ phú này chiến thắng tại Mississippi không chỉ nhờ những cử tri ủng hộ ngay từ đầu, mà còn cả những người đợi đến phút chót mới quyết định. Trước đó, đối thủ Cruz đã nhận được sự ủng hộ của thống đốc Mississippi Phil Bryant ngay sát giờ bỏ phiếu.
Tại Michigan, ông Trump dễ dàng chiến thắng nhờ lá phiếu của những người lao động, vốn giận dữ với chính phủ liên bang và các chính trị gia tại Washington. Khảo sát cho thấy, hơn một nửa người Cộng hòa tại bang này muốn tổng thống tiếp theo là "ai đó không thuộc về giới chính trị vốn có".
Thắng lợi của ông Trump đến đúng vào thời điểm kết quả bầu cử và khảo sát trước đó cho thấy sức hút của tỷ phú này có phần giảm sút, nhất là sau chiến thắng của ông Cruz cuối tuần trước. Thắng lợi của ông Cruz khiến nhiều người trong đảng Cộng hòa le lói hy vọng cản đường ông trùm bất động sản bằng cách đổ hàng triệu USD cho các quảng cáo công kích. Họ tin rằng những quảng cáo đó đang dần phát huy tác dụng.
Nhưng những kết quả mới nhất cho thấy ông Trump dường như vẫn đứng vững, thậm chí càng thêm hút cử tri, sau những công kích từ phe Cộng hòa. Mitt Romney, người từng là đại diện đảng Cộng hòa năm 2012 để ganh đua với ông Obama, đã nhiều lần gọi ông Trump là "kẻ giả dối", và vận động cử tri Cộng hòa quay lưng lại với tỷ phú.
Ngày 7/8, cử tri Cộng hòa tại Florida và Michigan bắt đầu nhận được những cuộc gọi được thu âm sẵn, kêu gọi không bỏ phiếu cho Donald Trump. Dù ông Romney chưa chính thức hậu thuẫn ứng viên nào, các cuộc gọi tự động của Romney tại Florida hối thúc cử tri ủng hộ Rubio. Những cuộc gọi tương tự tại bang Michigan lại đề nghị cử tri bỏ phiếu cho Thống đốc Kasich.
Dù vậy, những đòn công kích nhắm vào Trump kiểu này không phát huy hiệu quả tại Michigan, bang quê nhà của ông Romney. Chúng cũng không đủ hiệu quả để giúp ông Kasich có đà tiến cần thiết, trước cuộc bầu cử sơ bộ tuần tới tại Ohio.
Tâm điểm cuộc đua vào Nhà Trắng giờ dịch chuyển về Florida, nơi ứng viên Rubio sẽ phải chiến đấu để trụ lại cuộc đua vào ngày 15/3 khi ông này ngày càng tụt lại phía sau. Một số khảo sát cử tri ngày 7/3 cho thấy ông Trump đang dẫn đầu ở bang này. Tỷ phú cũng tiết lộ sẽ tung ra một quảng cáo trên truyền hình công kích Rubio trước ngày bầu cử.
Tương tự, ứng viên Cruz cũng úp mở về việc sẽ tấn công ông Rubio, với hy vọng khiến đối thủ bỏ cuộc. Tuần trước, thượng nghị sĩ bang Texas đã mở tới 10 văn phòng vận động tại bang Florida và sẽ tổ chức chiến dịch vận động trong những ngày tới, dù hầu như không có cơ hội chiến thắng tại bang này.
Hôm 8/3, ông Trump đã không kêu gọi đối thủ Rubio bỏ cuộc, như việc ông từng làm cuối tuần trước. Tuy nhiên, ông đề nghị những người Cộng hòa ngừng cản đường chiến dịch tranh cử của mình, mà thay vào đó là hậu thuẫn ông để có thể hướng tới mục tiêu chung là đánh bại phe Dân chủ.
"Tôi nói, hãy sát cánh cùng nhau", ông Trump tuyên bố. "Dù mọi người có tin hay không, tôi là người cổ vũ tinh thần đoàn kết".
Xem thêm: Donald Trump và bóng ma thảm bại của đảng Cộng hòa 50 năm trước
Hoàng Nguyên