Trong khi cảnh sát Pháp mở một chiến dịch truy lùng quy mô lớn để tìm kiếm một nghi phạm "nguy hiểm", những bằng chứng do các điều tra viên thu thập được sau vụ khủng bố đẫm máu khiến ít nhất 129 người chết ở Paris đã cho thấy những mối liên hệ giữa vụ thảm sát với vùng đất đang chìm trong chiến sự Syria và một xóm liều ở Bỉ, theo NYTimes.
Các điều tra viên cho hay ít nhất một trong 8 tên khủng bố tham gia vào cuộc tấn công đã từng tới Syria, và những tên khác đã bí mật liên lạc với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nước này. Các quan chức Pháp cũng đang tìm hiểu khả năng một công dân Syria đã được IS "biệt phái" đến châu Âu, trà trộn vào dòng người nhập cư, để tham gia chiến dịch khủng bố quy mô lớn này.
Giới chức an ninh Pháp cho hay các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ đã cảnh báo họ từ hồi tháng 9 về những thông tin còn mơ hồ nhưng đáng tin cậy rằng các phần tử jihad người Pháp ở Syria đang lên kế hoạch thực hiện một số hình thức tấn công nào đó.
Cảnh báo này đã khiến Pháp quyết định thực hiện các đợt không kích dữ dội ngày 8/10 vào sào huyệt Raqqa của IS ở Syria, với hy vọng sẽ đánh đòn phủ đầu và ngăn chặn âm mưu tấn công của phiến quân ngay từ trong trứng nước.
Các quan chức tình báo châu Âu cho biết một nghi phạm tham gia vụ khủng bố, Ismael Omar Mostefai, sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng đã trở nên cực đoan hóa và tìm đường tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2012. Anh ta được cho là đã vượt biên sang Syria vào trong quãng thời gian đó.
Là một thanh niên Pháp được hàng xóm đánh giá là thân thiện, "cười nhiều và hay chơi đùa với trẻ con", không ai hiểu vì sao Mostefai thay đổi. "Năm 2010 là thời gian cậu ta bắt đầu trở nên cực đoan. Chúng tôi không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra", một người hàng xóm cho biết.
Giới tình báo không rõ Mostefai đã vượt biên sang Syria bằng cách nào, ở lại đó bao lâu và gặp gỡ những ai, nhưng họ chắc chắn rằng anh ta đã có mặt ở vùng chiến sự, nơi phiến quân IS đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn. "Nhiều khả năng anh ta đã sang Syria sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó quay trở về Pháp", một quan chức chống khủng bố cấp cao của châu Âu xác nhận.
Liên lạc bí mật và mạng lưới ngầm
Các quan chức châu Âu cho rằng Mostefai và các phần tử khủng bố khác đã sử dụng một hình thức liên lạc mã hóa để lên kế hoạch tấn công. Điều đó lý giải vì sao nghi phạm này dù lọt vào sổ đen theo dõi của cảnh sát vì có các hành vi cực đoan hóa vẫn có thể tham gia vào vụ khủng bố.
"Chúng tôi tin rằng những đối tượng này có hiểu biết rất nhiều về các biện pháp an ninh, và chúng biết rõ rằng đang bị cơ quan tình báo theo dõi, nên đã có những biện pháp đối phó", một quan chức chống khủng bố cấp cao giấu tên nói.
Một quan chức khác cho hay một số kẻ tấn công hành động rất kỷ luật, giống như đã được huấn luyện kiểu quân sự, và toàn bộ vụ khủng bố được tiến hành bài bản, do một nhóm có tổ chức lên kế hoạch và chuẩn bị.
Tuy nhiên các chuyên gia chỉ ra rằng một số kẻ tham gia vụ khủng bố còn "non tay" và không thể thực hiện được theo kế hoạch. Ba kẻ đánh bom tự sát được cử đến sân Stade de France đã không lọt được vào bên trong sân, thậm chí có kẻ kích nổ ở khoảng cách 400 mét so với mục tiêu và không làm hại được bất kỳ ai ngoài bản thân hắn ta. IS còn tuyên bố rằng một vụ đánh bom sẽ xảy ra tại quận 18, nhưng có vẻ như tên khủng bố ở vị trí này đã không thực hiện theo kế hoạch.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những thiết bị nổ mà bọn khủng bố mang theo cũng không phức tạp. Tại một quá cà phê ở Paris, quả bom gắn trên người một tên khủng bố chỉ khiến hắn nổ tung mà không gây ra thương vong nào khác, khi nó phát nổ sớm hơn dự kiến khi đối tượng đang tìm cách tiếp cận mục tiêu ở quận 18.
Giới chức an ninh và phân tích cho rằng mức độ và quy mô các cuộc tấn công thể hiện IS đã có sự chuẩn bị công phu, với một mạng lưới hỗ trợ trên nhiều quốc gia, để thực hiện chiến dịch khủng bố đẫm máu ở Pháp.
"Những kẻ tấn công đã có sự chuẩn bị từ trước, huy động một nhóm phần tử cực đoan ở Bỉ để tham gia tấn công tại Pháp", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho hay.
Nhà chức trách Pháp đang tìm hiểu về mạng lưới hỗ trợ này, sau khi có thông tin một kẻ tham gia tấn công là công dân mang hộ chiếu Syria, trà trộn vào dòng người nhập cư tới Hy Lạp hồi đầu tháng 10, và đến Pháp để thực hiện chiến dịch khủng bố.
Các quan chức Hy Lạp xác nhận cuốn hộ chiếu mà cảnh sát Pháp tìm thấy gần hiện trường một vụ tấn công là của Ahmad al-Mohammad, công dân Syria đến đăng ký tị nạn ở đảo Leros vào ngày 3/10, sau đó đi tới Croatia và Serbia.
Tuy nhiên các quan chức chống khủng bố Pháp cho rằng cuốn hộ chiếu này chưa chắc đã là của kẻ tấn công. Họ cho biết các chiến binh nước ngoài khi tới tham chiến Syria đều bị IS bắt nộp lại hộ chiếu, và khi trở về nước, chúng thường được cấp hộ chiếu của người khác để tránh bị phát hiện.
'Xóm liều' ở Bỉ
Các điều tra viên Pháp đã mở rộng cuộc điều tra sang nước láng giềng Bỉ. Tại đây, nhà chức trách đã bắt giữ một số nghi phạm ở khu vực Molenbeek, một "xóm liều" ở ngoại ô thủ đô Brussels, nơi sinh sống của phần lớn người Arab nhập cư.
Amedy Coulibaly, kẻ tấn công vào một siêu thị ở Paris sau vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một, được cho là đã mua súng đạn tại khu Molenbeek. Mehdi Nemmouche, công dân Pháp từng tấn công Bảo tàng Do Thái ở Brussels năm 2014 khiến 4 người thiệt mạng, cũng được cho là mua vũ khí tại "xóm liều" này.
Gần đây nhất, tên Ayoub El Khazzani, công dân Morroco bị phát hiện có âm mưu tấn công hành khách trên tàu cao tốc từ Paris đến Amsterdam, được cho là đã sống tại khu Molenbeek trong một thời gian.
"Tôi để ý rằng hầu như các vụ tấn công đều có liên quan tới Molenbeek. Đây quả là một vấn đề cực lớn",Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu hôm 14/11.
Các điều tra viên xác định ba anh em ruột sống ở khu Molenbeek có vai trò quan trọng trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris. Các công tố viên Bỉ cho hay một trong ba người này, Ibrahim Abdeslam, là kẻ đã đánh bom tự sát tại quán cà phê Comptoir Voltaire. Anh em của hắn là Mohamed đã bị bắt tại Molenbeek hôm thứ bảy.
Tên thứ ba, Abdeslam Salah, 26 tuổi, là kẻ đang chạy trốn và bị nhà chức trách Pháp truy nã gắt gao. Tên này được cho là đã thoát khỏi vòng vây của cơ quan an ninh Pháp ngay sau khi các vụ xả súng và đánh bom xảy ra.
"Cảnh sát đã chặn xe hắn ta lại để kiểm tra giấy tờ. Đó chỉ là một cuộc kiểm tra giao thông bình thường, và hắn đã trình giấy tờ ra rồi đi tiếp. Cảnh sát không phát hiện bất cứ nghi vấn nào trong số giấy tờ này để bắt giữ hắn", Agnes Thibault Lecuivre, phát ngôn viên phòng công tố Paris cho hay.
Hai trong số những chiếc xe được dùng trong các vụ tấn công là xe cho thuê ở Bỉ, các công tố viên nước này cho biết. Cả hai xe đều bị bỏ lại sau vụ khủng bố, trong đó chiếc Seat Leon màu đen đậu ở ngoại ô Paris vẫn còn ba khẩu AK-47 bên trong, khiến các điều tra viên tin rằng đây là chiếc xe mà các phần tử khủng bố sử dụng để chạy trốn.
Trí Dũng