Donald Trump hôm 15/3 tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ tại 4 bang Missouri, North Carolina, Illinois và Florida. Đà tiến công mạnh mẽ của ông khiến nhiều người dù không muốn cũng vẫn phải tin vào một tương lai mà ở đó ứng viên đảng Cộng hòa này trở thành tổng thống Mỹ.
Những chiến thắng liên tục của Trump cho thấy một thực tế là dù giới chuyên gia không đánh giá cao ông nhưng "tỷ phú bạo miệng" vẫn giành được tình cảm cũng như sự ủng hộ của rất nhiều người dân Mỹ. Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt cũng như sức mê hoặc của Donald Trump trong lòng công chúng.
Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết những người ủng hộ ông Trump đều là các thành phần ít học, không khá giả và da trắng. Dường như cũng ý thức rõ điều này nên ông chỉ tập trung đưa ra những tuyên bố, chính sách có lợi cho nhóm người trên. Ông nhấn mạnh vào việc giải quyết các lợi ích kinh tế và văn hóa của họ, điều mà không ứng viên tổng thống Mỹ nào làm trong quãng thời gian khá dài, theo IBTimes.
Chiến lược ấy bước đầu phát huy tác dụng. Song nó cũng đem đến cho Trump một thách thức lớn khi mà số lượng người ủng hộ trong nhóm này chưa đủ lớn để đưa ông tới chiếc ghế tổng thống. Các nhà phân tích vì thế lại phải đặt câu hỏi liệu ông Trump có kế hoạch theo đuổi chiến lược trên ngay từ đầu hay nó chỉ xảy ra một cách tự nhiên.
Quan tâm tới tầng lớp dưới trung lưu
Thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Mỹ rơi vào khoảng 51.000 USD/năm. Tại California, bang có mức thuế tương đối cao, mức thu nhập sau khi đã khấu trừ các khoản thuế sẽ còn khoảng 39.000 USD. Nếu giả định rằng việc sở hữu một căn nhà không quá cao cấp ở ngoại ô, một chiếc xe hơi và có thể đi du lịch ít nhất một lần trong năm là những tiêu chuẩn cần có đối với tầng lớp trung lưu thì với mức chi tiêu 3.250 USD mỗi tháng, họ khó lòng trang trải nổi cuộc sống ngày nay ở Mỹ, ông George Friedman, cựu chủ tịch công ty tình báo toàn cầu Stratfor, nhận xét.
Những người thuộc tầng lớp dưới trung lưu Mỹ hiện có mức thu nhập khoảng 2.000 USD/tháng. Họ không sở hữu nhà riêng nhưng thay vào đó lại phải trả khoảng 1.200 USD để thuê căn hộ. Số tiền còn lại dành để chi trả các loại phí sinh hoạt khác như đồ ăn, thức uống, điện, nước... Với điều kiện như thế, tầng lớp dưới trung lưu hiện tại thậm chí còn không thể đáp ứng nổi cuộc sống từng được xem là thuộc về tầng lớp dưới trung lưu.
Phe Dân chủ nhiều lần đề cập tới tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ với giả định rằng vấn đề xuất phát từ việc người giàu đang sở hữu quá nhiều. Văn hóa chính trị Mỹ hiếm khi bị kích động bởi sự bất bình đẳng nhưng việc người dân không có khả năng đạt được những điều kiện tối thiếu của cuộc sống chính là nguồn cơn dẫn đến khủng hoảng.
Thách thức mà đảng Cộng hòa gặp phải nằm ở chỗ họ không nhận ra rằng vấn đề cốt lõi của thế hệ hiện tại là sự sụp đổ tiêu chuẩn sống trong tầng lớp trung và dưới trung lưu. Không giống với những ứng viên tổng thống khác, ông Trump hướng sự quan tâm của mình tới tầng lớp này. Và đây là lý do đưa ông tới thành công, Friedman nhấn mạnh.
Những tiếng nói không được lắng nghe
Theo ông Friedman, vấn đề gốc rễ thuộc về nhận thức của những người da trắng tầng lớp dưới trung lưu khi cho rằng họ không được nhìn nhận.
Họ hàng ngày nghe những câu chuyện về người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha hay sự cần thiết của việc hòa nhập nhóm người này vào xã hội. Nhưng từ quan điểm của người da trắng tầng lớp dưới trung lưu, họ không mấy quan tâm tới những thách thức về nhân khẩu học. Thực tế, họ đang dần hình thành một nhận thức rằng những người ở tầng lớp trên hay phương tiện truyền thông chẳng những không quan tâm đến họ mà còn xúc phạm đến niềm tin của họ, Friedman đánh giá.
Tầng lớp dưới trung lưu da trắng được chia làm hai bộ phận. Một phần là những người buộc phải điều chỉnh các giá trị bản thân bởi áp lực kinh tế, rắc rối gia đình, ma túy... Bộ phận còn lại là những người cũng chịu sức ép kinh tế tương tự nhưng chưa bị tha hóa. Họ vẫn coi trọng các giá trị như tôn giáo, lối yêu đương truyền thống và đề cao đạo đức lao động.
Nhìn chung, đây là những người bị truyền thông Mỹ cũng như tầng lớp thượng lưu "cách ly". Quan điểm phản đối đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng giới, tình trạng nạo phá thai hay lối sống buông thả của họ nay lại bị coi như một vấn đề mà xã hội cần vượt qua hơn là những giá trị cốt lõi của một xã hội khuôn phép.
Tốc độ thay đổi các giá trị quá nhanh của tầng lớp thống trị đẩy họ vào thế mà ở đó những gì họ được dạy ở nhà hay nhà thờ lại bị xã hội coi là những hành vi không chân chính, Friedman nhận định. Các thảm họa kinh tế cũng như việc những giá trị không được thừa nhận đang khiến tầng lớp này chịu nhiều thiệt thòi.
Theo Friedman, khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ, nhóm người này khi đó cho rằng sự tập trung đang chuyển sang cộng đồng người da đen và tự thấy mình trở nên vô hình trong xã hội. Nhận thức của họ về hệ thống chính trị từ đây bao phủ một sự hoài nghi mãnh liệt. Trong mắt họ, những chính trị gia, nhân viên ngân hàng, luật sư hay người vận động hành lang ưu tú đều gần giống như tội phạm và là một tầng lớp hoàn toàn thiếu năng lực.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng phát khiến hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp. Những người thuộc tầng lớp dưới trung lưu chưa bị tha hóa này lại cảm thấy những người được cho là tinh hoa kia đang nắm giữ các đặc quyền vô lý. Họ nhìn nhận sự giàu sang có được bằng cách tự thân vận động nhưng lại không thể chấp nhận sự giàu sang có được nhờ quyền lực và những hành vi thao túng, Friedman cho hay. Mặt khác, đối với họ, các chính trị gia đa phần là những người thiếu trung thực khi có thể phát ngôn bất cứ điều gì miễn là chúng mang về cho họ sự ủng hộ từ cử tri.
Người hùng của tầng lớp "vô hình"
Ông Trump là một tỷ phú và sự giàu có của ông được xã hội nhìn nhận và tôn trọng. Giới chuyên gia nhận định, đây là một trong những đặc điểm đầu tiên khiến ông được tầng lớp tự coi mình là "vô hình" ủng hộ
Danh xưng "tỷ phú" đang mang đến cho Trump nhiều lợi thế. Suy đoán của đảng Dân chủ về tình trạng xung đột tầng lớp không diễn ra ở khu vực mà ông hướng tới. Những người dưới trung lưu trái lại tỏ ra ngưỡng mộ khối tài sản khổng lồ của ông, theo Friedman.
Những phát ngôn ông đưa ra không trau chuốt, mang tính ngoại giao mà thẳng thừng, bộc trực, đôi khi thô lỗ. Ông nói chuyện đúng như cách mà những người ủng hộ ông nói chuyện. Điều này mang tới một cảm giác gần gũi cho các cư tri, Friedman đánh giá.
Trump cũng thể hiện rõ rằng những mối lo lắng về văn hóa của mọi người đang được ông lắng nghe một cách thấu đáo. Ngay cả phong cách tranh luận hung hăng và thường xuyên xúc phạm người khác của ông cũng có nhiều nét tương đồng với cách mà những người thuộc tầng lớp dưới trung lưu bàn luận vể một vấn đề nào đó. Chính hành động thiếu lịch sự của ông lại là nhân tố thu hút người ủng hộ.
Thành công mà Trump có được một phần cũng nhờ vào cả những câu nói thô tục hay lời lẽ hăm dọa mà ông thường xuyên đưa ra. Trump tự xây dựng cho mình hình ảnh một con người dù giàu sang nhưng có suy nghĩ và hành động như tầng lớp dưới trung lưu. Quan trọng hơn, Trump đã cho những người ủng hộ mình thấy rằng họ không hề vô hình trong mắt ông.
Việc Trump chưa từng chạy đua vào một vị trí nào trong bộ máy chính quyền cũng là yếu tố mang lại sức mạnh cho ông bởi đối với tầng lớp dưới trung lưu ở Mỹ, giới chính trị gia lúc nào cũng có vấn đề.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất làm nên thành công của Donald Trump nằm ở việc ông đề cập đến hững thứ mà ai cũng nghĩ tới nhưng bị cấm nói ra. Khi ông ngầm ám chỉ Megyn Kelly, người dẫn chương trình của Fox News, tỏ ra khó chịu khi nói chuyện với ông vì đang đến kỳ, giới quan sát cho rằng mọi thứ tới đây là chấm hết với Trump. Song, đối với tầng lớp dưới trung lưu, đó là một lời nhận định chung hoàn toàn bình thường.
Dù vậy, giành được sự ủng hộ của tầng lớp dưới trung lưu và trở thành tổng thống Mỹ là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Số lượng nhóm người này có lẽ không đủ lớn để đảm bảo một chiến thắng toàn diện cho ông Trump. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vì thế vẫn còn ẩn chứa rất nhiều điều bất ngờ ở phía trước, theo Friedman.
Vũ Hoàng