Snowden cuối cùng đã được rời khỏi sân bay Sheremetyevo ở Moscow sau hơn 5 tuần mắc kẹt ở đây trong cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và Mỹ để phán định tương lai cho anh.
Snowden bị Washington săn đuổi với tội danh gián điệp khi làm rò rỉ các chi tiết của chương trình theo dõi điện thoại và Internet của chính phủ Mỹ. Cựu nhân viên tình báo Mỹ nay có cuộc sống mới với giấy tờ tị nạn có hiệu lực 12 tháng và có thể gia hạn hàng năm.
Những cựu nhân viên tình báo Nga nói rằng nếu chiếu theo lịch sử thì mọi việc sẽ không dễ dàng cho Snowden.
"Tiền lệ cho chúng ta thấy rằng cuộc sống của những người lưu vong sẽ rất khó khăn", Lev Korolkov, cựu nhân viên an ninh KGB thời Xô Viết nói với Reuters.
"Họ thường phải trải qua cuộc khủng hoảng tinh thần nặng nề và kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là toàn bộ cuộc đời, kể cả với những người ở nước ngoài đến cuối đời, ví dụ như Kim Philby", ông nói. Philby là điệp viên trong "mạng lưới Cambridge" của Liên Xô thời Thế chiến II.
"Snowden sẽ chỉ được tự do khi còn ở trong khu quá cảnh mà thôi", Korolkov nói.
Snowden không phải là nhân viên đầu tiên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trốn sang Moscow. Trước đó, chuyên gia về mật mã của NSA William Martin và Bernon Mitchell đào thoát sang Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh năm 1960, vì "vỡ mộng" với những phương pháp thu thập thông tin tình báo của Mỹ. Hai người lên án việc Washington theo dõi các đồng minh, điều mà Snowden lặp lại một nửa thế kỷ sau đó.
Tuy nhiên, sau đó Martin gọi sự lựa chọn của mình là liều lĩnh khi trở nên thất vọng với cuộc sống tại Liên Xô và sự tiết lộ bí mật động trời của họ nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Những "bậc tiền bối" khác cũng không khá khẩm hơn là bao nhiêu. Philby, người được Liên Xô thuê ở Cambridge những năm 1930, bị giam lỏng tại gia, nghiện rượu và phải chịu sự cô đơn, trầm cảm.
Đồng đội của hai điệp viên nói trên là Guy Burgess cũng trở thành kẻ nghiện rượu và thuốc lá, mặc dù trốn chạy khỏi Anh nhưng vẫn phải đặt mua đồ đạc từ London.
Trong số những quan chức cấp cao của Anh đào thoát, chỉ có George Blake, không thuộc mạng lưới Cambridge, là dường như có cuộc sống tốt đẹp khi lưu vong. Ông cưới một phụ nữ Nga, vẫn sống đến nay và đã ngoài 90 tuổi. Ông được Tổng thống Vladimir Putin tặng huân chương hồi năm ngoái.
Chiến tranh Lạnh đã qua lâu nhưng nhiều thứ vẫn không thay đổi. Snowden sẽ vẫn được Moscow dùng để dẫn chứng cho Washington về vấn đề nhân quyền.
"Anh ấy sẽ không được quyết định số phận của mình nữa", Anna Kachkayeva, chuyên gia truyền thông nổi tiếng, nói. "Anh ấy như một quả bom hẹn giờ. Có thể họ sẽ sắp đặt một số thứ cho anh ấy và cho anh ấy lên truyền hình, cũng có thể là không".
Quyết định của điện Kremlin về việc cho Snowden trú ẩn được người dân Nga ủng hộ. "Tôi không nghĩ anh ấy là kẻ phản bội. Tôi nghĩ rằng anh ấy đã làm đúng", Ivan, một người dân Moscow nói.
Một người khác ở St Petersburg đồng tình. "Nước Mỹ đã đi quá xa và ai đó cần chặn họ lại. Người đàn ông này đứng lên vì công lý, anh ấy nói cho thế giới biết và chúng ta cần bảo vệ anh ấy".
43% dân số Nga ủng hộ kế hoạch cho Snowden tị nạn, trong khi chỉ có 29% phản đối, theo cuộc thăm dò ý kiến của Levada công bố hôm 31/7.
Snowden từng nhận được lời cầu hôn của cựu điệp viên Nga Anna Chapman qua Twitter và nhận được lời mời làm việc cho một trang mạng xã hội ở Nga.
Ngôi sao truyền hình?
Luật sư người Nga đang giúp Snowden, Anatoly Kucherena, nói rằng ông nhận được rất nhiều lời mời Snowden làm việc, tuy nhiên chưa rõ Snowden sẽ quyết định như thế nào.
"Không loại trừ khả năng anh ấy sẽ có chương trình truyền hình riêng", ông Kucherena nói.
Điện Kremlin không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ biến Snowden thành ngôi sao truyền hình, tuy nhiên đài truyền hình nhà nước của Nga từng tạo điều kiện việc làm cho Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, để có "diễn đàn" chống lại Mỹ.
Snowden sẽ ở cùng với những người Mỹ ở nước ngoài, những người ủng hộ việc tiết lộ chương trình theo dõi, ông Kucherena nói. Ông cũng cho biết thêm rằng cha của Snowden, Lonnie, cùng với các luật sư Mỹ và những người bạn sẽ đến Nga để "hỗ trợ tinh thần" cho Snowden.
Nhưng Snowden vẫn rất dễ bị tổn thương khi bầu không khí chính trị bớt căng thẳng và sự việc rơi vào quên lãng.
"Hành trang của những người trốn chạy là thông tin, khả năng và kỹ năng của họ, những gì trong đầu họ. Nhưng chúng ta đều biết, các thông tin mau chóng cũ đi và không còn giá trị", cựu nhân viên KGB Korolkov nói.
Snowden có thể gặp phải chuyện đó ở Nga, anh ấy đánh đổi một phần tự do để được an toàn, một số chuyên gia cho hay.
"Tôi nghĩ anh ấy có thể sẽ thấy Nga không hấp dẫn như anh ấy vẫn nghĩ. Snowden sẽ thấy rất khó để được tham gia vào những hoạt động mà anh ấy mong muốn", Misha Glenny, tác giả người Anh về vấn đề an ninh mạng, nói.
Vũ Hà