Ngày 10/3, cảnh sát hình sự liên bang Đức cho hay họ đang có trong tay bản danh sách 22.000 tay súng đang chiến đấu cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) do báo chí rò rỉ, và họ tin rằng những hồ sơ này là thật, theo Washington Post.
Trước đó, hãng tin Sky News của Anh tuyên bố họ đã thu được bản danh sách đồ sộ này, trong đó liệt kê cụ thể tên thật, gốc gác, số điện thoại và thậm chí cả tên của người bảo trợ hay tuyển mộ những phiến quân này. Một số tờ báo và hãng tin Đức cũng khẳng định đã thu được "hàng chục" trang tài liệu kiểu đó.
"Đây là kho dữ liệu cực lớn, với hơn 22.000 cái tên, thế nên nó rất rất quan trọng", Dalia Ghanem-Yazbeck, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie Trung Đông, nói.
Elijah Magnier, chuyên gia chống khủng bố giàu kinh nghiệm với hơn 32 năm theo dõi tình hình Trung Đông, cho rằng IS đã cố tình để rò rỉ khối lượng lớn thông tin về các tay súng như vậy nhằm ngăn cản họ đào ngũ, trong bối cảnh phiến quân đang ngày càng gặp khó khăn và bị vây đánh liên tục cả ở Iraq lẫn Syria.
Theo chuyên gia này, khi đăng ký gia nhập IS, các tân binh đến từ ít nhất 51 quốc gia trên thế giới bị những kẻ tuyển mộ yêu cầu khai báo những thông tin cá nhân nhạy cảm nhất, trong đó có tên tuổi bố mẹ và địa chỉ thật ở quê nhà. Magnier cho rằng đây là một thủ đoạn của IS nhằm buộc các tay súng phải chiến đấu cho tổ chức "đến hơi thở cuối cùng" một khi danh tính của họ đã bị lộ.
"22.000 tay súng đó giờ đây đã không còn lối thoát. Tôi cho rằng tình báo của IS đã cố tình để lộ những thông tin về người thân của họ, nhằm buộc họ phải bảo vệ lãnh thổ của chúng cho đến chết", ông nói.
Mohamed Hamdan, phụ trách tờ Zaman al-Wasl của Syria, cho hay các tay súng khi tham gia IS phải khai báo 23 danh mục thông tin. Những bản khai này còn cho phép phiến quân lựa chọn công việc mà họ sẽ làm cho IS, chẳng hạn như đánh bom tự sát, chiến binh, hay nhân viên hành chính. Nhiều người đăng ký làm nhân viên hành chính cho IS đã có bằng kỹ sư, công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác, Hamdan nói.
Tất cả các tài liệu này đều được đóng dấu "mật" ở bên dưới, còn phía trên là dòng chữ "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant", góc phía trên là dòng "Tổng cục Biên giới". Những tài liệu đó cho thấy hầu hết các tay súng gia nhập IS từ năm 2013, đồng thời tiết lộ các cửa khẩu mà họ xâm nhập vào Iraq để đầu quân cho nhóm này. Trong số đó, có ít nhất 122 người mong muốn được thực hiện các vụ đánh bom tự sát cho IS.
Magnier nhận định rằng khi IS áp dụng thủ đoạn này, chứng tỏ nhóm phiến quân đã không còn có khả năng giữ chân các tay súng nước ngoài bằng những lời hứa hẹn về thu nhập hậu hĩnh và các đặc quyền khác. Trong những tháng gần đây, nguồn thu từ dầu mỏ của IS đã bị thiệt hại nghiêm trọng vì giá dầu giảm và các cuộc không kích của liên quân, trong khi lãnh thổ liên tục bị thu hẹp, khiến tiền thu thuế cũng giảm đi.
"Điều trớ trêu là giờ đây IS không còn phải trả lương cao cho các tay súng nữa, bởi họ không còn chỗ nào khác để đi".
Tháng trước, chính phủ Mỹ ước tính IS chỉ còn 19.000-25.000 chiến binh ở Iraq và Syria, giảm đáng kể so với 31.500 tay súng hồi cuối năm 2014. Thực tế này chứng tỏ phiến quân đã phải hứng chịu tổn thất lớn về sinh lực sau những trận không kích của Nga và Mỹ, cũng như tình trạng đào ngũ, vô kỷ luật, nổi loạn trong nội bộ, và sự khó khăn trong việc vượt biên tới Iraq của các tay súng nước ngoài.
Mỏ vàng
Các cựu quan chức tình báo Anh cho rằng những tài liệu trên là một "mỏ vàng" thực sự mà nếu biết cách khai thác, Mỹ và phương Tây sẽ tìm ra giải pháp hiệu quả để tiêu diệt phiến quân IS.
Các chuyên gia chống khủng bố tin rằng những thông tin này sẽ trở nên vô giá khi đối phó với những phiến quân đã tìm đường trở về ẩn mình trong lòng xã hội châu Âu với âm mưu gây đổ máu trên đường phố bằng các cuộc tấn công kinh hoàng.
Theo Ghanem-Yazbeck, những dữ liệu đó sẽ giúp các cơ quan chống khủng bố trên toàn cầu, kể cả các nước Arab, có thể xác định danh tính những người đã đến và rời khỏi IS, vạch mặt những chiến binh mới.
"Nó sẽ cho phép các cơ quan hành pháp trên thế giới hiểu rõ hơn tình hình và có những biện pháp để ngăn chặn dòng chảy chiến binh nước ngoài đến với IS. Tôi hy vọng bản danh sách này là thật, và nếu đúng như thế, liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ làm mọi thứ để có thể giúp đỡ các cơ quan chống khủng bố", đại tá Steve Warren, người phát ngôn liên quân chống IS ở Iraq, tuyên bố.
Ghanem-Yazbeck chỉ ra rằng các tài liệu này nhiều khả năng được tổng hợp từ cuối năm 2013, thời kỳ IS "đang trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng nhà nước", có thể không phản ánh hết tình hình nội bộ hiện nay của phiến quân.
Dù việc để rò rỉ thông tin này là vô tình hay cố ý, nó cũng phản ánh một thực tế rằng IS đang trong giai đoạn rất khó khăn về mọi mặt, Haras Rafiq, chuyên gia tại Quỹ Quilliam ở London, nhận định.
"Rõ ràng, trong tổ chức này đã có những rạn nứt, các chiến binh ngày càng bị vỡ mộng, trong khi giá dầu liên tục giảm sút. Các yếu tố đó sẽ có tác động lớn đến khả năng tác chiến và chi trả tiền lương của IS", ông nói.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere tin rằng các tài liệu mà cảnh sát nước này đang có trong tay "nhiều khả năng là thật", và nhà chức trách Đức có thể sử dụng chúng để đấu tranh hiệu quả hơn với những người từng gia nhập IS và sau đó trở về Đức.
"Nếu nó là bằng chứng cho thấy họ đã có mặt ở đó, nó sẽ là manh mối rất quan trọng để chúng tôi có thể đưa ra những phán quyết cứng rắn hơn, chính xác hơn với các nghi phạm khủng bố đang ẩn mình", ông Maiziere nhấn mạnh.
Trí Dũng