Với vai trò là một trong 7 thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lưu Vân Sơn là quan chức cấp cao nhất thăm Triều Tiên kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011.
Theo BBC, ông Lưu là quan chức nước ngoài duy nhất xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên lễ đài. Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn nắm tay ông Lưu, cùng nhau vẫy tay chào đón lực lượng duyệt binh. "Hành động này là nhằm cho thấy quan hệ hữu nghị giữa Triều Tiên và Trung Quốc", giáo sư Kim Yong-hyun thuộc Đại học Dongguk, Hàn Quốc, bình luận.
Trong cuộc hội kiến một ngày trước lễ duyệt binh, ông Lưu Vân Sơn còn chuyển đến tận tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un thư chúc mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong thư, ông Tập cho biết đây không chỉ là sự chúc mừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn là lời chúc tốt đẹp của cá nhân ông. Bắc Kinh còn bày tỏ mong muốn "trao đổi mật thiết và làm sâu sắc hợp tác với phía Triều Tiên".
Trung Quốc là đồng minh chủ yếu của Triều Tiên trong bối cảnh quốc gia này bị phương Tây cô lập. Tuy nhiên, từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền hồi cuối năm 2012, quan hệ hai nước không ngừng trắc trở. Ông Tập từng công khai tuyên bố, không một quốc gia nào được phép vì lợi ích riêng mà làm rối loạn khu vực châu Á, với hàm ý phê phán kế hoạch vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thậm chí, Trung Quốc còn chấp thuận chế tài của Liên Hợp Quốc nhằm vào kế hoạch vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ khi lên cầm quyền đến nay, cũng chưa từng đến thăm Trung Quốc như thông lệ trong lịch sử quan hệ song phương. Tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến thứ hai tại châu Á do Trung Quốc tổ chức hôm 3/9, Bình Nhưỡng chỉ cử Ủy viên Bộ Chính trị Choe Ryong-hae, mặc dù trước đó từng có suy đoán ông Kim sẽ tới Bắc Kinh.
Trong khi đó, quan hệ Trung - Hàn ngày càng nống ấm, với biểu hiện mới nhất là việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đến dự lễ duyệt binh tại Bắc Kinh vừa qua, bất chấp việc trước đó có thông tin cho hay Mỹ đã gây sức ép lên đồng minh. Về mặt chiến lược, Hàn Quốc muốn có được sự hợp tác của Trung Quốc, nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên, bởi Bắc Kinh là đối tác cung cấp lương thực chính cho Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia ước tính, Trung Quốc chiếm 90% xuất khẩu của Triều Tiên.
"Bà Park đang cố ly gián Trung Quốc và Triều Tiên", New York Times dẫn lời Giáo sư Robert Kelly thuộc Đại học Pusan nhận định. "Nhưng điều này sẽ không xảy ra chóng vánh được".
Trên thực tế, Trung Quốc tuy lo ngại về tác động tiêu cực của kế hoạch hạt nhân của Triều Tiên với cục diện an ninh khu vực, song vẫn không muốn lạm dụng công cụ kinh tế để gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ. Theo Giáo sư Trịnh Kế Vĩnh, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Hàn - Triều thuộc Đại học Phúc Đán, Bắc Kinh, lo ngại nếu gây sức ép kinh tế quá lớn có thể sẽ dẫn đến sự bất ổn khó kiểm soát trong nội bộ xã hội Triều Tiên, từ đó tác động ngược lại đến lợi ích của Trung Quốc.
Trong hơn một năm qua, giới học giả và tư vấn chính sách đối ngoại Trung Quốc không ngừng tranh luận về giá trị hiện nay của quan hệ đồng minh truyền thống Trung - Triều, Bình Nhưỡng liệu có phải là một gánh nặng chiến lược của Bắc Kinh hay không.
Chuyên gia Dương Hy Vũ thuộc Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ mang tính hình thức, bởi "ngôn ngữ quan phương lúc nào cũng vậy, bất kể là khi quan hệ song phương tốt hay xấu".
Không đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tận dụng lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng như một cơ hội để khôi phục lại quan hệ với Triều Tiên. "Bức thư của Tập Cận Bình đánh dấu nỗ lực thực sự đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc muốn làm bạn với Kim Jong-un", chuyên gia này nói. "Sử dụng ngôn từ ca ngợi với chính quyền Triền Tiên là việc làm mới với Tập Cận Bình".
Trong buổi hội kiến, ông Lưu Vân Sơn tán thưởng những tiến triển tích cực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên phương diện phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Điều này trái ngược với các phát biểu mang tính cảnh cáo trước đó của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Delury cũng cho biết, bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình không hề nhắc đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. "Điều này có thể khiến một số người ở Washington thất vọng, bởi họ cho rằng Bắc Kinh nên có lập trường cứng rắn với nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên".
Bài phát biểu kéo dài 25 phút của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước lễ duyệt binh, cũng không hề nhắc gì đến kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo, cũng không đề cập đến quan hệ Hàn - Triều.
"Ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un đều từng bất hòa về vấn đề vũ khí hạt nhân, nhưng có thể thấy quá trình hòa hoãn trong quan hệ song phương đã bắt đầu", Giáo sư Kim Yong-hyun bình luận. "Lưu Vân Sơn thăm Triều Tiên và kết quả là phía Triều Tiên cũng không phóng tên lửa, cả hai bên đều có ý nể mặt nhau".
Đức Long