Từ năm ngoái, những cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc với Nhật và Mỹ liên tục diễn ra quanh việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không rộng lớn trên biển Hoa Đông. Điều này trở thành bối cảnh và động lực cho những mong muốn diễn giải lại hoặc thay đổi điều 9 trong hiến pháp Nhật Bản, mà Thủ tướng Shinzo Abe là một trong số những người chủ trương.
Điều 9 của hiến pháp Nhật viết: "Khao khát chân thành hoà bình thế giới dựa trên trật tự và công bằng, người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Để đạt được mục đích trên, Nhật Bản sẽ không duy trì lực lượng lục quân, hải quân, không quân cũng như sức mạnh chiến tranh khác. Quyền tham chiến của quốc gia không được thừa nhận".
Điều 9 được xem như một cam kết trước của Nhật Bản về việc nước này sẽ không tham gia chiến tranh.
Trong khi đó, quyền phòng vệ tập thể cho phép Lực lượng tự vệ Nhật Bản (SDF) tham chiến ở nước ngoài.
Theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, quân đội Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp Nhật bị tấn công. Tuy nhiên, nghĩa vụ này lại không có chiều ngược lại bởi chính Điều 9. Điều này đặt ra một kịch bản, chẳng hạn, liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nếu một tên lửa có đầu đạn hạt nhân nhắm vào Mỹ, thì dù các tàu chiến Nhật Bản, trang bị tên lửa đánh chặn, cũng phải để nó vượt qua.
Hai quốc gia đang sửa đổi những nguyên tắc trong hiệp ước song phương. Các lần sửa đổi trước đó đã tăng thêm vai trò của Nhật Bản trong việc hỗ trợ Mỹ ứng phó với một cuộc khủng hoảng trong khu vực. Tuy nhiên, chúng chỉ là những thỏa thuận mang tính tạm thời. Mỹ từ lâu đã kêu gọi Nhật Bản tiến tới chính sách phòng vệ tập thể để chấm dứt các khó khăn trên.
Thủ tướng Abe từng nói sẽ thực hiện theo các khuyến nghị của một ủy ban chính phủ trong báo cáo hồi tháng 4. Việc diễn giải lại Điều 9 cho phép Nhật Bản quyền phòng vệ tập thể và có thể là khởi đầu cho những thay đổi lớn trong chính sách an ninh và chính trị và quan hệ an ninh với các nước khác, trên hết là Mỹ, Australia và Philippines.
Phần lớn việc này sẽ phụ thuộc vào những nội dung thực tế trong nghị quyết của Nội các Nhật Bản, cũng như quyết định sửa đổi mới trong chính sách pháp luật và an ninh tiếp sau đó, đặc biệt là bản xem xét sửa đổi trong hiệp ước Mỹ - Nhật Bản sắp công bố.
Hai lý do thúc đẩy Nhật phòng vệ tập thể
Bản dự thảo sơ bộ đã được trình lên Nội các Nhật Bản hôm 16/6 và nhiều khả năng được thông qua ngày 1/7 với hai vấn đề đáng lưu ý là "những thay đổi cơ bản trong điều kiện quốc tế xung quanh Nhật Bản" và "không một quốc gia nào có thể tự bảo vệ hòa bình". Điều này cho thấy Tokyo sẽ coi phòng vệ tập thể là điều kiện cần của "mức độ cần thiết tối thiểu để tự vệ".
Chính phủ Nhật Bản hôm 27/6 nộp bản dự thảo cuối cùng của nghị quyết về việc thực thi quyền phòng vệ lên liên minh các đảng cầm quyền. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đang cầm quyền và đảng Công minh Mới (New Komeito) đang có sự đồng thuận rõ ràng và chính quyền của ông Abe có kế hoạch thông qua nghị quyết sớm nhất vào ngày 1/7.
Dự thảo cho biết hạn chế trong việc sử dụng vũ lực cần được sửa đổi phù hợp với "những thay đổi cơ bản trong môi trường an ninh" quanh Nhật Bản, trong đó "một cuộc tấn công quân sự nhằm vào quốc gia khác có thể đe dọa sự tồn tại của đất nước" tùy thuộc vào mục tiêu, quy mô và tình hình cuộc chiến.
Nhật Bản có thể tham gia bằng việc "sử dụng lực lượng cần thiết tối thiểu" khi một quốc gia có "quan hệ chặt chẽ" với Nhật Bản bị tấn công, "tạo ra mối đe dọa rõ ràng tới cuộc sống, tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật Bản". Việc sử dụng lực lượng được cho phép trong hiến pháp "có thể dựa trên quyền phòng vệ tập thể phù hợp luật pháp quốc tế".
Trong quá trình đàm phán, LDP trình bày với New Komeito rằng Nhật Bản có thể tham gia vào các thỏa thuận an ninh tập thể của Liên Hợp Quốc như lực lượng rà quét mìn đa quốc gia theo nghị quyết Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, bản dự thảo cuối cùng không đề cập đến cơ chế an ninh tập thể.
Những mối quan ngại
Những nỗ lực của ông Abe nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh có hiệp ước an ninh với Mỹ như Australia, Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc, Hàn Quốc đều bày tỏ lo ngại rằng việc điều chỉnh Điều 9 có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ "đề cao cảnh giác với các ý định thực sự của Nhật Bản". Trong tuần trước, Phó Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gọi hành động trên của Nhật Bản là nhằm "tái sinh chủ nghĩa quân phiệt", đẩy nhanh tốc độ "xây dựng quân đội" và "phá hoại trật tự thế giới sau chiến tranh".
Seoul thừa nhận phòng vệ tập thể là một quyền quốc gia của Tokyo nhưng không chấp nhận việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) can thiệp trong một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên mà không có đề nghị trực tiếp từ Hàn Quốc.
Các ý kiến bên trong Nhật Bản hiện còn nhiều chiều. Theo cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Tanaka Hitoshi, người ủng hộ sửa đổi có giới hạn, "những thay đổi trong chính sách an ninh mà không kết hợp với ngoại giao có thể làm xấu đi môi trường an ninh trong khu vực". Nhưng cũng có nhiều chính trị gia khác có quan điểm ủng hộ việc diễn giải lại, cho rằng đây là điều cần thiết để trao cho Nhật quyền phòng thủ như một quốc gia bình thường.
Hiện vẫn chưa rõ có những thay đổi nào sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự phản đối của một phần người dân Nhật Bản, các đảng đối lập và thậm chí là ngay cả trong trong đảng LDP.
Khảo sát gần đây nhất của Kyodo News cho thấy 55,4% người dân phản đối Nhật Bản tham gia vào phòng vệ tập thể, 57,7% phản đối việc Thủ tướng Abe muốn sửa đổi Hiến pháp. Tỷ lệ phản đối còn ở mức 70% trong số những người ủng hộ đảng New Komeito. Nhiều người dân Nhật vẫn còn hoài nghi trước những động thái mới của chính quyền ông Abe.
Sự sửa đổi hiến pháp mới sẽ không loại bỏ hoàn toàn các giới hạn đối với SDF. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh ngày càng muốn dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay trên Biển Đông, thì Thủ tướng Abe hoặc người kế nhiệm càng có thêm động lực để thay đổi Điều 9.
Như Tâm
(theo WSJ/The National Interest/Japan Times)