Diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á Đối thoại Shangri-la hôm nay khai mạc ở Singapore. Ít nhất 20 bộ trưởng từ các nước sẽ tham dự sự kiện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng có mặt, AFP dẫn lời ông Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở ở London, đơn vị tổ chức hội nghị, nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lần vào vùng biển nhiều nước ASEAN, bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam. Điều này vấp phải sự phản đối của các láng giềng Đông Nam Á, đồng thời cũng xung đột với những định hướng của Mỹ tại khu vực. Washington đã điều tàu tuần tra tiếp cận gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải tại tuyến giao thương nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới này.
Giới chuyên gia nhận định vấn đề Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục đốt nóng Đối thoại Shangri-la năm nay.
"Hiện tồn tại rất nhiều đồn đoán về các bước đi tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa trọng tài The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, thách thức quan điểm cũng như hoạt động mà Trung Quốc thực hiện tại đây", ông Huxley chia sẻ trước thềm hội nghị.
Căng thẳng ở Biển Đông được dự báo sẽ tăng chi tiêu quân sự của châu Á - Thái Bình Dương lên khoảng 25% từ năm 2015 - 2020, lên mức 533 tỷ USD, theo một nghiên cứu do tạp chí quốc phòng IHS Jane's đăng tải.
"Đến năm 2020, lực hấp dẫn chi tiêu quốc phòng dường như sẽ tiếp tục rời khỏi các nền kinh tế phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, chuyển sang các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á", ông Paul Burton, giám đốc IHS Jane's, đánh giá.
Ông Zhou Bu, giảng viên danh dự tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, trước khi Đối thoại Shangri-la diễn ra đã viết trên một tờ báo địa phương rằng những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nhiều người tin vào việc "một cuộc đối đầu giữa hai gã khổng lồ là không thể tránh khỏi".
Nhưng theo ông, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc "rất linh hoạt, phần vì mỗi bền đều không đủ khả năng để giải quyết những hậu quả của một cuộc xung đột hay đối đầu".
Bên cạnh đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng là một mối quan tâm khác sẽ được đưa ra bàn thảo sâu tại diễn đàn ở Singapore, theo AFP.
Bình Nhưỡng gần đây liên tục thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa gây lo ngại. Hồi tháng một, nước này tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Sau đó một tháng, Triều Tiên lại phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào quỹ đạo. Triều Tiên còn không ngừng đưa ra các tuyên bố mạnh miệng, đe dọa tấn công Mỹ hay Hàn Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 1/6 lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, kêu gọi chính quyền các nước trên thế giới tăng cường nỗ lực để áp đặt trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Ông Huxley còn thêm rằng các nước trong khu vực hiện cũng lo lắng về "chủ nghĩa khủng bố jihad", đặc biệt là những tổ chức hay cá nhân có mối liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS).
IS hồi tháng 4 cảnh báo Malaysia, Philippines và Indonesia nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. Người đứng đầu bộ phận đặc biệt chống khủng bố thuộc cơ quan cảnh sát liên bang Malaysia (SB-CTD), khi ấy cho biết thông tin trên có thể sẽ làm tăng các mối đe dọa khủng bố vào Malaysia nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ đóng vai trò là nơi để những quan chức quân sự từ các nước có các cuộc thảo luận riêng nơi hậu trường.
Xem thêm: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ dự diễn đàn an ninh châu Á
Vũ Hoàng