Sau nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về những nguy cơ của việc cải tạo trên các bãi đá và đảo trong vùng tranh chấp thuộc Biển Đông nhưng chỉ nhận được thái độ phớt lờ, Mỹ cân nhắc một lựa chọn nhiều rủi ro: đưa tàu quân sự đến can dự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 12/5 đề xuất nhiều lựa chọn, trong đó có điều chiến đấu cơ và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16/5 trong chuyến công du tới Trung Quốc tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn và kiên định về vấn đề Biển Đông. Ông cho biết Mỹ rất lo ngại trước quy mô cũng như tốc độ của hoạt động cải tạo mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện. Ông nhấn mạnh luật pháp quốc tế không cho phép việc "tạo ra" chủ quyền bằng cách xây dựng trên những rạn san hô dưới đáy biển. Theo ông, khu vực không cần "những tiền đồn và các đường băng quân sự".
Một loạt động thái gần đây cho thấy Mỹ cuối cùng cũng tham gia sâu hơn trong những tranh chấp về chủ quyền đang ngày càng nóng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, giới chuyên gia an ninh nhận định.
Thách thức cần thiết
Để điều tàu chiến, máy bay quân sự tới Trường Sa nhằm kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc cũng như đem lại thế cân bằng cho khu vực châu Á, Mỹ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, theo Wall Street Journal.
Nếu những bước đi này vẫn không thể kìm hãm Bắc Kinh, Washington sẽ phải đối mặt với một quyết định không dễ dàng: thoái lui và chấp nhận mất đi uy tín mà bạn bè và đồng minh trong khu vực dành cho mình, hoặc thậm chí lâm vào thế xung đột trực diện với Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ không chấm dứt hành động tại những khu vực mà họ đơn phương tuyên bố là lãnh thổ của mình, trong phạm vi chủ quyền của mình", ông M. Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts, bình luận. Đây chính là vấn đề, để gia tăng sức ép lên Trung Quốc, "Mỹ buộc phải làm nhiều hơn và tham gia sâu rộng hơn".
Đáp lại bình luận của ông Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không thể hiện bất kỳ dấu hiệu thỏa hiệp nào và vẫn giữ giọng điệu cho rằng Bắc Kinh "có quyền xây dựng" những công trình ở Trường Sa.
Phản ứng của Trung Quốc một lần nữa củng cố quan điểm cho rằng Washington và Bắc Kinh có khả năng sẽ xảy ra giao tranh nếu kế hoạch của Mỹ được thực hiện. Nếu xung đột bùng phát, Mỹ có thể phải đối diện với một làn sóng phản đối rộng khắp ở trong nước, Peter Symonds từ Glolbal Research nhận định.
Vị thế nhạy cảm của một số đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương cũng là khía cạnh mà Mỹ phải cân nhắc khi triển khai hành động. Những quốc gia này không mong muốn bị buộc phải lựa chọn giữa cường quốc số một và số hai thế giới, theo quan sát viên Andrew Browne.
Theo Diplomat, thái độ rõ ràng của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông được thể hiện qua đề xuất điều tàu chiến, máy bay tới Trường Sa còn tiềm ẩn nguy cơ kích động Bắc Kinh thực hiện những hành động quyết liệt hơn nhằm củng cố sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong khu vực. Mỗi toan tính của Trung Quốc đều có thể tạo ra những thách thức mới đối với Mỹ vì thế Washington cần lường trước mọi hệ quả để xây dựng chiến lược đối phó phù hợp và kịp thời.
Trong bài phân tích mới nhất về phương pháp tiếp cận Trung Quốc của Mỹ, hai tác giả Robert D. Blackwill và Ashley J. Tellis vạch ra một số động thái mà Bắc Kinh có thể thực hiện trong tương lại khi kế hoạch của Washington trở thành hiện thực. Hai ông cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa chi tiêu cho quân sự, đẩy mạnh chế tạo các loại tàu ngầm thế hệ mới hoặc bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Mỹ. Tình thế này là điểm khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đến nay, việc điều tàu chiến và máy bay tới Trường Sa vẫn chỉ nằm trong danh sách những lựa chọn của Mỹ. Nếu được Lầu Năm Góc thông qua kế hoạch này vẫn cần được tổng thống phê duyệt. Theo Ian Storey, chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, nếu trở thành hiện thực, nguy cơ xung đột bùng phát từ những tính toán sai lầm là rất lớn. Khi đó, thế đối đầu giữa các chiến hạm với hỏa lực mạnh mẽ của Washington và Bắc Kinh sẽ "nhanh chóng dẫn tới xung đột ở quy mô nhỏ rồi leo thang trở thành cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự Mỹ-Trung", ông Storey dự đoán.
Tuy nhiên, Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng những thực thể đang cải tạo để đe dọa các nước khác và cản trở giao thông tại Biển Đông, vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Bên canh đó, Mỹ cũng muốn cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để biến lời nói thành hiện thực.
Đến nay, phản ứng của Mỹ chủ yếu là ở lời nói. Giới chức nước này liên tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. Mỹ cũng tăng cường tập trận quân sự với các đối tác, trong đó có Philippines, và cung cấp công nghệ để cải thiện khả năng theo dấu tàu, máy bay Trung Quốc. Nhật cũng tham gia vào nỗ lực này. Nhưng có vẻ như, những điều đó vẫn không thay đổi được gì.
Nếu không có những hành động như điều tàu, máy bay đến các đá Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa, Bắc Kinh "sẽ không thực sự coi trọng" vai trò của Mỹ, bà Glaser quả quyết.
Vũ Hoàng