Quyết định trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ của Nga đánh dấu "loạt đạn" đầu tiên để trả đũa dự luật trừng phạt mà lưỡng viện Mỹ đã thông qua, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng. Putin cảnh báo rằng Nga có thể bổ sung thêm các biện pháp đáp trả nếu Trump ký dự luật.
Biện pháp trả đũa của Nga có thể khó đoán vì chúng được xây dựng dựa trên sự thất vọng của nhà lãnh đạo Nga, người có lẽ đã tưởng rằng quan hệ song phương sẽ cải thiện dưới thời Trump, nhưng rồi phải nhìn những hy vọng đó tan biến trong các bê bối và cáo buộc, cây bút Andrew Roth của Washington Post nhận xét.
"Nếu dự luật được thông qua thì chúng ta chắc chắn sẽ bước vào giai đoạn gọi là Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh đồng nghĩa với việc có nhiều đòn đáp trả lẫn nhau", Andrei Sidorov, chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Moscow, nói.
Putin nói rằng Nga sẽ dựa vào phiên bản dự luật mà Trump ký để chọn biện pháp đáp trả. Kommersant, nhật báo của Moscow đã đề xuất một số lựa chọn: cắt giảm xuất khẩu titan hoặc urani làm giàu cho Mỹ - biện pháp có thể gây tổn hại cho ngành hàng không và urani của Mỹ. Tờ này còn đề xuất Nga chặn các sáng kiến ngoại giao của Mỹ như bỏ phiếu ở Liên Hợp Quốc về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hay việc hợp tác ở Syria. Mỹ cũng có thể tịch thu tài sản của công ty hoặc thậm chí là cấm cửa các công ty Mỹ như Google hay Microsoft.
Moscow biết rằng họ lép vế trong chiến tranh thương mại, Roth bình luận. Họ thường dùng chính thị trường của mình làm vũ khí, như áp đặt lệnh trừng phạt đối với thực phẩm nhập khẩu từ châu Âu vào năm 2014 hay cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga năm 2013.
Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng - nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại của Nga, cho rằng "rất khó để Nga có thể làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, trừ phi Nga sẵn sàng thực hiện những bước đi có hại cho chính mình".
Những "quan chức diều hâu" ủng hộ việc đáp trả mạnh mẽ Mỹ nói rằng Moscow phải phá vỡ giới hạn thông thường. Ông Nikolay Platoshkin, cựu ngoại giao Nga và giáo sư tại Đại học Nhân văn Moscow, nói: "Mỹ nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không áp dụng cho các dự án của NASA. Đó là một ý rất hay. Hãy cứ để họ áp dụng lệnh trừng phạt với các dự án NASA đi, rồi phi hành gia Mỹ chỉ có nước cưỡi ngựa mà lên Trạm Không gian Quốc tế".
Một ý kiến khác là mở rộng hợp tác với châu Âu và có thể với Trung Quốc để đối trọng sức mạnh của Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự tức giận đối với dự luật trừng phạt của Mỹ, nói rằng chúng có thể gây tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến lợi ích của khối này.
"Chúng ta luôn nuôi hy vọng rằng châu Âu sẽ gần gũi với chúng ta và sẽ đặt lợi ích của họ song song với chúng ta để chống lại người Mỹ", Sidorov nói. Nhưng ông nghi ngờ về khả năng cuộc khủng hoảng hiện giờ sẽ biến điều này thành hiện thực.
Trong khi đó, đối thoại giữa hai bên đang ở mức tối thiểu. Mỹ - Nga vẫn tranh cãi về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Moscow yêu cầu Washington đưa ra bằng chứng nhưng người Mỹ nói rằng làm vậy sẽ để lộ các nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin tình báo của họ. "Hoàn toàn bế tắc. Đối đầu là khả năng không thể tránh khỏi", Roth viết.
Phương Vũ