Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Song một số nhà phân tích cho rằng những hành động ông đang làm có thể củng cố sức mạnh cho nhóm cực đoan này thông qua việc gián tiếp kích động các phần tử nguy hiểm gia nhập IS, đồng thời thúc đẩy những cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ, theo Reuters.
IS những tháng gần đây ngày càng suy yếu sau các thất bại nặng nề trên chiến trường, bị đánh bật khỏi nhiều khu vực ở Iraq, Syria, Libya. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của nhóm cũng không còn dồi dào như trước. Quy mô lực lượng dần thu hẹp.
Lời thề nhổ tận gốc rễ "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" từ Tổng thống Mỹ thoạt nhìn giống như một đòn giáng mạnh khác vào IS. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Đông cùng những kẻ ủng hộ IS lại nói chúng hoàn toàn có cơ hội "hồi sinh" dưới thời Donald Trump. Theo họ, việc ông Trump cuối tháng trước ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh 90 ngày đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo chiếm đa số sẽ đem lại lợi ích cho IS.
Cơ hội cho IS
Cây bút Samia Nakhoul từ Reuters nhận định sắc lệnh trên, dù chưa biết số phận tương lai ra sao, vẫn kịp làm dấy lên một làn sóng giận dữ trong cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới. Họ cho rằng chính quyền Trump mang tư tưởng chống Hồi giáo.
Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận trước các cáo buộc liên quan đến vấn đề chống Hồi giáo. Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tuần trước khẳng định: "Mục tiêu số một của Tổng thống Trump luôn tập trung vào sự an toàn cho nước Mỹ, không phải tôn giáo. Ông ấy hiểu rõ đây không phải vấn đề tôn giáo".
Dù vậy, các phát ngôn từ ông Spicer không đủ sức dập tắt làn sóng chỉ trích.
Lệnh cấm áp dụng với các quốc gia Hồi giáo "chắc chắn sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ những kẻ cực đoan", Hassan Hassan, đồng tác giả cuốn sách xuất bản năm 2015 với tựa đề "ISIS: Bên trong Đạo quân Khủng bố", nhận xét.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhấn mạnh những "hành vi thiên vị và phân biệt đối xử" sẽ chỉ giúp chủ nghĩa cực đoan thêm phần phát triển.
Các phần tử cực đoan cảm tình với IS vẫn tiếp tục ăn mừng việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ trên những diễn đàn trực tuyến. Theo họ, những quan điểm Tổng thống Trump thể hiện cho thấy "bộ mặt thật" của nước Mỹ và chính sách ông theo đuổi sẽ là nguồn cơn chia rẽ các cộng đồng, một mục tiêu mà IS luôn hướng tới.
Vận may cạn kiệt
IS vài tháng gần đây suy yếu trên hàng loạt mặt trận. Tại Iraq, nhóm đã đánh mất các vùng đất từng chiếm đóng xung quanh khu vực phía bắc thành trì Mosul kể từ khi quân đội Iraq do Mỹ hậu thuẫn mở chiến dịch tấn công quy mô nhằm đẩy lùi IS hồi tháng 10 năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng cửa biên giới, cắt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển các tay súng nước ngoài cũng như buôn lậu vật phẩm của IS.
Ở Syria, dù vẫn còn nắm giữ nhiều vùng lãnh thổ song IS thời gian qua vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ các nhóm nổi dậy địa phương và quân đội chính phủ được không quân Nga cùng dân quân người Shiite hỗ trợ.
Tại Libya, IS đã đánh mất thành phố cảng Sirte bên bờ Địa Trung Hải vào tay các lực lượng được Mỹ yểm trợ bằng những cuộc không kích.
Theo giới chuyên gia, IS hiện có khoảng 20.000 tay súng ở cả Iraq và Syria, một bước sụt giảm lớn so với con số 36.000 tay súng vào năm 2014.
Phản công
Dù hứng chịu vô số thất bại, IS vẫn kháng cự mạnh mẽ và vẫn được nhìn nhận là mối đe dọa chết người đối với Mỹ cũng như phương Tây, giới quan sát đánh giá.
IS đang không ngừng tìm cách mở rộng chân rết, thực hiện những vụ tấn công đẫm máu ở châu Âu, đồng thời nhắm mục tiêu vào các đồng minh của phương Tây trên khắp Trung Đông.
Theo một số chuyên gia về Hồi giáo, IS có thể nỗ lực gấp đôi để tấn công vào Mỹ nhằm lặp lại những thảm kịch mà chúng đã gây ra ở Paris, Brussels, Nice, Berlin hay Istanbul suốt 15 tháng qua.
Mokhtar Awad, nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington, nhận định các chính sách ông Trump theo đuổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho IS củng cố sức mạnh.
"Chúng sẽ tập trung gấp đôi vào chiến lược tấn công. Thay vì dồn sức trên chiến trường, chúng sẽ tìm mọi cách để kích động những phần tử cực đoan bên trong các quốc gia Trung Đông và phương Tây", ông Awad nói. "Một cuộc tấn công vào Mỹ là ví dụ hoàn hào giúp chúng truyền đi thông điệp rằng Trump yếu đuối".
Gieo ngờ vực
Một mục tiêu chính trong chiến lược của IS là gây chia rẽ trong xã hội, đồng thời gieo rắc ngờ vực trong cộng đồng Hồi giáo. Theo chuyên gia, ngay cả khi một người Hồi giáo không gia nhập IS nhưng anh ta hoặc cô ta chắc chắn sẽ mang lập trường chống IS ít gay gắt hơn nếu xã hội bị phân cực.
Không ít nhà phân tích cho rằng chiến trường hiệu quả nhất để chống IS là mặt trận chính trị, bằng cách nào để cô lập nhóm khỏi những thành phần ủng hộ.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Trump, Washington đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn tìm kiếm đối tác ở Trung Đông để cùng chống IS.
Tại Iraq, quân đội Mỹ đang tham gia tích cực vào chiến dịch tái chiếm Mosul. Ở Syria, các lực lượng Mỹ hiện dựa vào những tay súng người Kurd để bao vây Raqqa, thành trì chính IS chiếm giữ. Tuy nhiên, nước đi này lại khiến Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lo âu. Ankara coi dân quân người Kurd tại Syria giống với lực lượng nổi dậy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ mà họ liệt vào hàng khủng bố.
Mối quan hệ có vẻ nồng ấm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vẽ ra viễn cảnh Moscow và Washington có thể đứng chung hàng ngũ trên mặt trận chống IS dù mục tiêu khác nhau.
Song mối quan hệ vừa chớm nở này nhiều khả năng lại là cơ hội cho IS. Theo các chuyên gia phân tích, IS lâu nay vẫn coi liên minh giữa Nga với người Shiite ở Iran là một công cụ tuyển mộ thành viên bởi nó kích động giận dữ trong cộng đồng Hồi giáo.
Vũ Hoàng