Đó là lúc Merkel cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận để đi đến chấm dứt khủng hoảng Ukraine. Các quan chức Đức cho biết trước hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) diễn ra ở Brisbane, Australia, bà Merkel mong muốn giải quyết tận gốc mọi vấn đề.
10h đêm ngày 15/11, ở cách nửa trái đất, cách xa những bạo lực và căng thẳng đang leo thang ở đông Ukraine, hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại một căn phòng trên tầng 8 khách sạn Brisbane Hilton, không có sự hiện diện của bất kỳ thư ký hay phiên dịch nào. Thay vì chỉ trích, bà sẽ đề nghị ông thẳng thắn nêu ra chính xác những điều ông muốn đạt được từ Ukraine và các nước từng thuộc Liên Xô.
Tuy nhiên, buổi nói chuyện đã không diễn ra như những gì bà Merkel mong đợi, các quan chức thông thạo vấn đề cho Reuters biết.
Trong gần 4 tiếng, bà Merkel cố gắng thuyết phục ông Putin, một cựu điệp viên của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), người sử dụng rất thành thạo tiếng Đức, gỡ bức màn cảnh giác và phòng thủ xuống, để nói rõ ý định của ông.
Dù được cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, người tham gia cuộc thảo luận từ nửa đêm, trợ giúp, nhưng tất cả những gì mà bà thủ tướng nhận được từ ông chủ điện Kremlin là những lời phủ nhận mà bà đã được nghe trong suốt nhiều tháng. Ông Putin "toát ra một vẻ lạnh lùng" trong suốt cuộc gặp, một nhân viên chính phủ nhận xét.
Buổi thảo luận ở Brisbane và một cuộc gặp mặt khác ở Milan một tháng trước đó giữa bà Merkel và ông Putin đã đẩy mức độ thất vọng của Berlin lên một tầm cao mới. Thủ tướng Đức dường như đã đi vào ngõ cụt trong chính sách ngoại giao với Tổng thống Nga, Reuters bình luận.
Berlin vốn luôn đi đầu trong việc thuyết phục Moscow tham gia cùng phương Tây giải quyết các vấn đề của Kiev từ hồi tháng hai, sau khi ông Viktor Yanukovich, Tổng thống thân Nga của Ukraine, bị lật đổ.
Bà Merkel đã thực hiện hơn 30 cuộc điện đàm để cùng bàn thảo với ông Putin. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng dành hàng trăm giờ cố gắng tìm ra một giải pháp dựa trên thương lượng cho những mâu thuẫn.
Tuy nhiên, đến nay giới chức Đức cho biết họ đã cạn sạch mọi ý tưởng về việc làm cách nào để lay chuyển lãnh đạo nước Nga. Những kênh đối thoại với ông Putin thì vẫn luôn mở, nhưng Berlin đang thấy một bế tắc kéo dài, kiểu như một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai.
"Tôi nghĩ chúng tôi cần chuẩn bị để đối phó với một tình trạng đối đầu lâu dài trong đó Nga sẽ sử dụng phương tiện sẵn có để làm theo ý mình", Reuters dẫn lời Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, thành viên đảng Bảo thủ của bà Merkel, cho hay.
"Về cơ bản chúng tôi đang chơi trò chờ đợi", một quan chức cấp cao Đức giấu tên nói. "Những gì chúng tôi có thể làm là để mắt tới tình trạng bạo lực ở đông Ukraine và sẵn sàng phản ứng trước mọi tình huống".
Kiểm soát thiệt hại
Sự thất vọng của bà Merkel được thể hiện rõ nét trong bài phát biểu trước Viện Chính sách Lowy ở Australia, hai ngày sau cuộc gặp mặt với ông Putin. Với việc sử dụng ngôn ngữ gay gắt khác thường, bà cáo buộc Nga đang xem thường luật pháp quốc tế với "lối tư duy cũ kỹ" thiên về coi trọng tầm ảnh hưởng. "Sau những thảm kịch mà hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh mang lại, lối tư duy đó đang thách thức trật tự hòa bình ở châu Âu", bà nói.
Một ngày sau phát ngôn của bà, ông Steinmeier bay tới Moscow để đánh giá tình hình. Nhưng theo ông, chuyến công tác không đem lại bước tiến đáng kể nào. Giới chức Đức cho biết, chiến lược của họ đã rút xuống chỉ còn là cố gắng kiểm soát những thiệt hại trên ba mặt trận.
Mặt trận đầu tiên là Kiev. Đức đang nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo những vết rạn nứt trong quan hệ giữa các lãnh đạo Ukraine, cụ thể là giữa Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseny Yatseniuk, không trở nên nghiêm trọng thêm, giống như trạng thái đối lập của cặp đôi lãnh đạo Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko gần một thập kỷ trước.
Yatseniuk, 40 tuổi, một nhà kỹ trị, nổi lên mạnh mẽ từ cuộc bầu cử hồi tháng 10 với lập trường khá cứng rắn đối với Nga. Các chuyên gia Đức lo ngại điều này có nguy cơ khiến chính sách thiên về ngoại giao của ông Poroshenko bị suy yếu.
Sự chia rẽ giữa hai nhà lãnh đạo sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thúc đẩy cải cách kinh tế và chống tham nhũng, những điểm mấu chốt để Ukraine có thể nhận được viện trợ từ phương Tây. "Chúng tôi phải làm mọi cách để khiến hai người bọn họ đi đúng hướng", một quan chức chính phủ Đức cho hay.
Chiến dịch quyến rũ của Nga
Mặt trận thứ hai là điều mà Berlin miêu tả như một "chiến dịch tuyên truyền khổng lồ" của điện Kremlin nhằm lôi kéo sự ủng hộ của những người yêu quý nước Nga đang sống trong lòng nước Đức và các quốc gia châu Âu. Cuộc phỏng vấn công khai giữa ông Putin và kênh truyền hình Đức ARD là một ví dụ minh chứng rõ ràng nhất cho chiến dịch này, theo Reuters.
Buổi phỏng vấn được phát sóng ngay trước ngày bà Merkel phát biểu ở Sydney. Putin dùng giọng điệu hòa hoãn, cho biết ông đã bị thuyết phục rằng vẫn còn những cách khác để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Ông thể hiện mối lo lắng về việc những phần tử phát xít đang tiến hành các cuộc thanh trừng sắc tộc ở miền đông Ukraine. Đây như một thông điệp mà tổng thống Nga dành riêng cho các khán giả Đức.
Trong tháng này, đài truyền hình RT thân Kremlin cũng mở một kênh riêng bằng tiếng Đức nhằm nêu lên quan điểm của Moscow đối với khủng hoảng ở Ukraine. Đây được xem là một phần của chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn của Nga.
"Putin có rất nhiều công cụ để gây ảnh hướng tới quan điểm của người dân thuộc khối EU", Ulrich Speck từ viện chính sách Carnegie Europe nhận xét. "Ông ấy đang cố gắng hết mình nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của những câu chuyện liên quan tới khủng hoảng Ukraine".
Chiến dịch quyến rũ này thu được những thành công bước đầu. Đã xuất hiện dấu hiệu chia rẽ bên trong nước Đức. Matthias Platzeck, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), hồi đầu tháng lên tiếng thúc giục Berlin nhìn nhận Crimea như một phần của Nga.
Bên ngoài Đức, Nga cũng tiếp cận với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác như Hungary và Bulgaria hay các nước vùng Balkan. Bà Merkel hồi tháng trước ở Milan phải chờ ông Putin nhiều giờ vì ông bận nán lại Belgrade, thủ đô của Serbia, chứng kiến một cuộc diễu binh quy mô lớn.
Nhiệm vụ khó khăn
Kiểu tấn công quyến rũ mà Moscow đang tiến hành mang đến thách thức thứ ba cho chính sách ngoại giao của Đức: khiến sự đồng thuận trong các đối tác EU quanh vấn đề trừng phạt đối với Nga trở nên rời rạc.
Vòng trừng phạt đầu tiên của EU sẽ hết hạn vào tháng 3 năm sau. Đức cho rằng Italy, Hungary và Slovakia nhiều khả năng sẽ rút lui. Một quan chức của Berlin ví cuộc chiến nhằm giữ các nước EU đoàn kết trong việc hành xử trước những vụ việc liên quan đến Nga là "nhiệm vụ của Hercule", một á thần có sức mạnh vô song trong thần thoại Hy Lạp. Trong bối cảnh mối liên kết EU khá mong manh, việc siết chặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga lúc này cũng gây khó khăn với chính nước Đức.
Với bà Merkel, cuộc đối đầu cùng Nga sẽ phát triển thành một ván cờ dài, ở đó phương Tây từ từ gây sức ép lên nền kinh tế đang gặp khó khăn của Moscow với hy vọng rằng cuối cùng ông Putin sẽ thay đổi cách nhìn, tác giả Noah Barkin của Reuters bình luận.
"Vì ta đã loại trừ khả năng chiến tranh, nhiều người có lẽ cho rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn đối với chúng ta", bà Merkel tháng trước phát biểu tại một sự kiện ở nhà thờ miền đông nước Đức. "Ta sẽ không cho phép điều đó xảy ra".
Vũ Hoàng (theo Reuters)