Chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria đã kéo dài hơn một năm qua nhưng không thu được nhiều kết quả. Mỹ đang phải chịu sức ép rất lớn, sau khi thành phố quan trọng Ramadi ở Iraq rơi vào tay IS hồi tháng 5, và chương trình huấn luyện, vũ trang cho phe nổi dậy được cho là ôn hòa ở Syria đi vào ngõ cụt.
Chính quyền Obama dường như đã mất kiên nhẫn với sự tiến triển của chiến dịch, và nhiều khả năng sẽ tăng tốc cuộc chiến bằng lực lượng trực tiếp hơn, Reuters ngày 28/10 đưa tin. Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết các nhà hoạch định chiến lược đang tính đến hai phương án tăng cường can thiệp mới, và cả hai đều tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thương vong với lính Mỹ cao hơn.
Phương án thứ nhất là triển khai một số lực lượng đặc nhiệm của Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Syria để trực tiếp huấn luyện, cố vấn cho các chiến binh nổi dậy ôn hòa chống phiến quân IS. Họ còn đóng vai trò là người gọi không kích và chỉ thị mục tiêu cho máy bay ném bom của Mỹ.
Phương án thứ hai là điều một số trực thăng vũ trang Apache do phi công Mỹ điều khiển tới Iraq để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến trên không cho bộ binh Iraq thực hiện chiến dịch tái chiếm thành phố Ramadi. Trực thăng Apache có hỏa lực mạnh và hỗ trợ cận chiến hiệu quả, nhưng dễ bị các loại vũ khí phòng không của đối phương bắn hạ hơn chiến đấu cơ.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho biết yêu cầu tiêu diệt phiến quân IS đang ngày càng trở nên cấp bách. "Tôi không thể nói được chiến dịch sẽ diễn ra bao lâu, nhưng nó cần phải đạt được sớm, đó là lý do chúng tôi định tăng cường nỗ lực can thiệp", ông Carter nói.
Ông Carter cũng tóm tắt chiến lược mới của Mỹ chống lại phiến quân IS là "Raqqa, Ramadi và các cuộc đột kích".
Hồi tuần trước, thượng sĩ Joshua Wheeler đã trở thành lính Mỹ đầu tiên thiệt mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Iraq kể từ năm 2011 tới nay. Anh tham gia chiến dịch đặc nhiệm giải cứu con tin khỏi tay IS. Ông Carter cho biết với chiến lược can thiệp mới, những cuộc đột kích tương tự của lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ diễn ra nhiều hơn trên đất Syria và Iraq.
Đây được coi là sự thay đổi căn bản trong chiến dịch đánh tiêu hao IS hiện nay của Mỹ, với chiến đấu cơ đóng vai trò then chốt trong việc tiêu diệt phiến quân và vũ khí, trang bị. Tuy nhiên, IS vẫn không thể bị đánh bật khỏi các sào huyệt ở Iraq và Syria.
Theo các chuyên gia phân tích, hành động can thiệp trực tiếp hơn của Mỹ trên chiến trường có thể sẽ thổi một luồng gió mới vào chiến dịch chống IS. Tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng sự phối hợp giữa lực lượng cận chiến Mỹ với các đơn vị quân đội Iraq là "khuôn khổ cơ bản" có thể đem lại những tác động chiến lược và củng cố thành công ở Iraq.
Hoài nghi
Nhiều nghị sĩ và chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng chiến lược mới mà Tổng thống Barack Obama đề ra khi ông đang ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ là "quá muộn, quá nhỏ" và có thể không phát huy hiệu quả, ngược lại còn khiến nước Mỹ phải chịu tổn thất.
"Chúng ta đang trong tình thế rơi tự do ở Trung Đông", ông James Jeffrey, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông Washington và là cựu đặc sứ Mỹ ở Iraq dưới thời Tổng thống George W Bush, nói.
"Tổng thống bắt đầu nhận ra điều đó. Ông bắt đầu có một số bước đi. Tôi hy vọng rằng cuối cùng họ cũng sẽ thức tỉnh", ông Jeffrey nói.
Chiến lược mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga đang thực hiện chiến dịch can thiệp quân sự với tốc độ và quy mô khiến các quan chức Mỹ phải ngạc nhiên, theo Reuters.
Tuy nhiên, kế hoạch đưa lính Mỹ tham gia trực tiếp hơn trên chiến trường Iraq và Syria đã vấp phải sự tức giận và hoài nghi đến từ chính các nghị sĩ Mỹ, những người cho rằng Nhà Trắng đã không thông báo chi tiết với họ.
"Không ai trong chúng tôi được báo cáo cả. Sự mất kết nối giữa Quốc hội và Nhà Trắng là rất khó chịu", thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói với tờ Al Jazeera.
Khi nghe tướng Joe Dunford, quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ vừa trở về từ Iraq, giải thích rằng chiến lược quân sự mới được hoạch định để tạo đòn bẩy cho giải pháp chính trị ở Syria, thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa kêu lên: "Đây cùng lắm là một chiến lược dở tệ".
Ngay cả các thành viên trong đảng Dân chủ cũng phản đối bước đi mới của ông Obama. "Có vẻ như chúng ta đã lạc lối, bối rối không biết phải làm gì tiếp theo, hay có một kế hoạch thành công nào", thượng nghị sĩ Joe Donnelly tuyên bố.
Trí Dũng