Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton chưa từng tổ chức một cuộc họp báo đúng nghĩa từ đầu năm đến nay. Dù vậy, tuần này bà đã có một số cuộc tiếp xúc ngắn với các phóng viên khi trên hành trình tranh cử.
Trong khi đó, ông Trump đã bắt đầu có những thảo luận và công bố chi tiết chưa từng có về chính sách, cụ thể hóa hơn những bản kế hoạch về giáo dục, quốc phòng và vấn đề người nhập cư, vốn bị xem là quá mù mờ, theo Washington Times.
"Mỗi ứng viên đang tìm cách khắc phục những vấn đề của bản thân", Darrell M. West, phó chủ tịch kiêm giám đốc quản trị tại Viện Brookings, nhận định.
"Bà Clinton bị chỉ trích khi không tổ chức họp báo, nên giờ bà ấy có những cuộc tiếp xúc không chính thức. Ông Trump từng bị chỉ trích khi thiếu cụ thể trong chính sách, nay cố gắng ứng phó bằng cách đề cập chi tiết hơn", ông West nói.
Cả hai ứng viên nhiều tháng qua đều đã phải đối diện với những chỉ trích, khi luôn kiên quyết giữ cách thức vận động tranh cử của mình.
Suốt 227 ngày không tổ chức họp báo, cựu ngoại trưởng dường như muốn tránh tiếp xúc báo giới trong bối cảnh có hàng loạt câu hỏi hóc búa liên quan đến việc bà sử dụng email cá nhân trong công việc khi còn tại vị. Còn đối thủ của bà, người chưa bao giờ ngại tiếp xúc báo giới và không từ bỏ thời cơ nào để tung đòn công kích bà Clinton, lại không đề cập chi tiết những chính sách mình sẽ thực thi nếu đắc cử.
Khi cuộc đua vào giai đoạn nước rút, chỉ chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày tổng tuyển cử, cả hai phe tranh cử đều nhận thấy đã đến lúc thay đổi.
Bà Clinton đã có hai cuộc đối thoại với các phóng viên có mặt trên chiếc máy bay bà sử dụng để di chuyển vận động tranh cử vào tuần trước. Ứng viên này thậm chí còn trả lời 6 câu hỏi trên sân bay, lý giải việc tỷ lệ cử tri ủng hộ bà sụt giảm trong các khảo sát mới công bố.
Bà khẳng định mình luôn nhận định đây sẽ là một cuộc đua sít sao. Bà cũng công kích ông Trump trong khi bảo vệ những tuyên bố của mình rằng nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang cầu mong cho ông Trump đắc cử.
Bà Clinton cũng cáo buộc đối thủ đảng Cộng hòa tỏ ra thiếu nghiêm túc trong vấn đề an ninh quốc gia, sau khi ông này mô tả ngôn ngữ cơ thể của các quan chức tóm tắt thông tin tình báo cho mình.
Dù vậy, ít giờ sau, kênh NBC đã phát lại đoạn video bà Clinton nói về những lần nghe báo cáo thông tin tình báo năm 2008, giúp phe ông Trump có cơ hội phản đòn, gọi tuyên bố của cựu ngoại trưởng là đạo đức giả.
Về phần mình, ông Trump ngày 8/9 tới thành phố Cleveland, nơi ông chính thức được chọn để đại diện đảng Cộng hòa hồi tháng 7, để khẳng định mình là "người cỗ vũ mạnh mẽ nhất" cho phong trào chọn trường.
Ông trùm bất động sản cho biết có kế hoạch thành lập một quỹ liên bang 20 tỷ USD, để giúp các bậc cha mẹ có cơ hội và nguồn tài chính lựa chọn giữa trường công và trường tư cho con mình.
"Nếu chúng ta có thể đưa người lên mặt trăng, đào kênh Panama và chiến thắng hai cuộc thế chiến, thì tôi không chút gì nghi ngờ việc chúng ta có thể giúp mọi trẻ em thiệt thòi tại Mỹ chọn trường học", ông Trump tuyên bố.
Một ngày sau, ông Trump cung cấp một loạt chi tiết về những chính sách quốc phòng mình sẽ theo đuổi, bao gồm tăng mạnh số lượng binh sĩ và trang thiết bị. Ứng viên này còn cam kết sẽ bãi bỏ các quy định về trần ngân sách quốc phòng do quốc hội Mỹ áp đặt, vốn khiến Lầu Năm Góc thiếu kinh phí và gây khó dễ cho các nỗ lực đối phó những mối đe dọa toàn cầu.
Chiến lược gia đảng Dân chủ Craig Varoga cho biết ông không mấy ngạc nhiên khi các ứng viên đang thay đổi hoàn toàn phong cách của mình, điều mà ông cho là hợp lý trong bối cảnh cả hai phe đang chuẩn bị cho cuộc đấu vào mùa thu tới.
"Hillary Clinton luôn cố làm vừa lòng công chúng trong 9 tuần cuối của chiến dịch", ông Varoga nói. "Còn ông Trump ít nhất đang làm những gì chuyên gia tư vấn khuyên, đó là thay đổi hoặc tự kìm hãm những lập trường có thể gây chỉ trích".
Xoay chuyển về chiến lược này diễn ra trùng hợp với thời điểm các khảo sát toàn quốc cho thấy ông Trump đã gần như san bằng khoảng cách tỷ lệ người ủng hộ vào đầu tháng 8.
Ông David Yepsen, giám đốc Viện Chính sách Công Paul Simon, Đại học Southern Illinois, khẳng định cả hai ứng viên đang nhận thấy họ ở trong tình cảnh bất lợi. "Ông Trump muốn trở thành người linh hoạt, nhưng ông ấy lại bị coi là không nghiêm túc", ông Yepsen nói.
Ông cũng nhận định bà Clinton đang cảm thấy mình bị báo giới đối xử không công bằng, nhưng cuối cùng buộc phải tạo lập mối quan hệ công việc với họ.
"Từng phỏng vấn bà ấy nhiều lần trong kỳ tranh cử 2008, tôi nhận thấy bà ấy là người gây ấn tượng rất mạnh, và là một chiến thuật gia rất thông minh. Bà ấy luôn kết thúc các cuộc tranh luận trực diện với ưu thế", ông Yepsen nói.
Dù vậy, chuyên gia này khẳng định vẫn còn phải chờ xem liệu hai ứng viên có quay trở lại với phong cách cũ hay không.
"Dù vậy, ông Trump sẽ không trở thành người đam mê chính sách, và tôi cũng nghi ngờ bà Clinton sẵn sàng cởi mở với các phóng viên", ông Yepsen nói. "Họ đang thay đổi bởi cả hai đều không có được vị thế tốt. Ông Trump đang bị dẫn trước và phải điều chỉnh chiến thuật. Trong khi khoảnh cách dẫn trước của bà Clinton không lớn đến mức bà ấy có thể khoanh tay ngồi nhìn".
Xem thêm: Khen ngợi Putin hết lời, Trump hứng bão chỉ trích
Giọng điệu Donald Trump thay đổi chóng mặt khi đến Mexico
Hoàng Nguyên