Căng thẳng bùng phát và leo thang nhanh chóng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi cường kích Su-24 Nga bị bắn rơi ở biên giới Syria, khiến rất nhiều người ngạc nhiên bởi hai nước vừa trải qua giai đoạn quan hệ được coi là nồng ấm nhất trong lịch sử, theo Time.
Giáo sư Jonathan Adelman thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Joself Korbel ở Đại học Denver, cho rằng những cuộc khẩu chiến gần đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng các biện pháp trừng phạt, trả đũa là biểu hiện rõ nhất cho mối thù địch kéo dài hàng trăm năm giữa hai quốc gia này, mà những quan hệ hợp tác kinh tế không thể nào xóa bỏ được.
Từ năm 1676 đến 1878, đế chế Ottoman của người Thổ đã tiến hành 12 cuộc chiến tranh với đế quốc Nga Sa hoàng, nhằm mở rộng lãnh thổ về phía biển Đen và khu vực Caucasus. Trong các cuộc chiến này, Nga giành chiến thắng 8 lần, còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiến thắng 4 lần.
Năm 1877, cuộc chiến thứ 12 bùng lên và kéo dài trong 93 ngày, với kết quả Nga lấy lại được các vùng đất đã mất trong cuộc chiến trước đây với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thiết lập lại ảnh hưởng ở khu vực Biển Đen. Một loạt các quốc gia khác như Rumania, Serbia và Montenegro cũng tuyên bố độc lập và tách khỏi đế quốc Ottoman.
Tình trạng thù địch Nga – Thổ tiếp tục diễn ra trong thế kỷ 20. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía đế quốc Đức và Áo - Hung để chống lại Nga trong một nỗ lực thất bại nhằm giành lại những vùng đất bị Sa hoàng chiếm giữ nhiều thế kỷ trước. Vào năm 1915, người Thổ được cho là đã gây ra vụ thảm sát hơn một triệu tông đồ chính thống Armenia do cáo buộc những người này chuyển thông tin mật và hợp tác với Nga chống họ. Sau Thế chiến I, cả hai đế quốc đều sụp đổ.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Thổ không đứng về bên nào nhưng người Nga cho rằng họ hợp tác với phát xít Đức, nước từng xâm chiếm Nga năm 1941.
Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay với phương Tây chống Liên Xô, thậm chí gia nhập NATO năm 1952 và cho phép tổ chức này đóng quân ở hầu hết các căn cứ phía nam.
Chỉ những năm gần đây, dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai quốc gia mới bắt đầu hợp tác với nhau. Năm 2008, Nga trở thành đối tác thương mại số một của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2009, Tổng thống Putin đến thăm Ankara, và hai nước ký hiệp định miễn thị thực, mở đường cho khoảng ba triệu du khách Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ dưỡng mỗi năm.
Nga cũng ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho châu Âu thay thế cho tuyến đường ống qua Ukraine. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 đạt hơn 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi Nga bắt đầu trở lại vị thế là một cường quốc và quyết đoán hơn trong các cuộc xung đột ở những vùng lãnh thổ từng thuộc Liên Xô như Nam Ossetia, Abkhazia, sáp nhập Crimea, các xung đột địa chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ vốn âm ỉ trong nhiều thế kỷ qua lại trỗi dậy, theo giáo sư Adelman.
Mâu thuẫn cũ bùng phát
Ông Adelman cho rằng đối với Tổng thống Putin, việc gia tăng xung đột với một cựu thù lâu đời mang lại tín nhiệm ở trong nước. Một Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan, người từng nhiều lần nói về sự hồi sinh của đế chế Ottoman, sẽ là kẻ thù nguy hiểm đối với ông Putin trên con đường khôi phục ánh hào quang một thời của nước Nga.
Theo đó, việc ông Erdogan nói về sự nổi lên của Hồi giáo và cho phép một lượng lớn chiến binh Hồi giáo thoải mái đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào Syria chống lại Tổng thống Assad là hành vi không thể chấp nhận được đối với một người Nga chính thống như ông Putin, người luôn coi việc bảo vệ đồng minh Assad là ưu tiên hàng đầu.
Chuyên gia này cho rằng việc một cường quốc bị coi là yếu hơn như Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom của siêu cường toàn cầu Nga mà không bị trừng phạt là một điều đáng hổ thẹn đối với ông Putin. Còn với ông Erdogan, hành động này lại chứng tỏ một cường quốc đang lên như Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể phá hủy một vũ khí quan trọng của một cựu siêu cường.
Tổng thống Erdogan từ lâu đã muốn gia tăng vai trò của Hồi giáo trong xã hội thế tục Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường quyền lực của mình. Để thực hiện điều này, ông phải chứng minh được rằng chính sách đối ngoại của mình, vốn từng gặp nhiều thất bại trong việc phục hưng đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ xưa kia, có thể chống đỡ được kẻ thù mạnh như Nga.
Tổng thống Erdogan cũng muốn kéo sự chú ý của dư luận thế giới ra khỏi việc ông công khai cho phép hàng trăm chiến binh Hồi giáo sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Syria. Ông coi kẻ thù chính của mình là người Kurd ở Syria chứ không phải IS. Việc xung đột với Nga cũng chuyển hướng sự chú ý đến một quốc gia mà nhiều nước phương Tây vẫn coi là kẻ thù và vẫn là một vấn đề gây chia rẽ phương Tây.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga rất giống với những gì họ đã làm cách đây 5 năm khi ủng hộ người Palestine ở dải Gaza trong vụ Israel bất ngờ tập kích tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ khi nó tìm cách cập bến Gaza tháng 5/2010. Với hành động này, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị coi là "trở mặt" với đồng minh Israel và ra mặt chống lại một đối thủ ưu thế hơn mình nhiều lần về quân sự.
Đến nay, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel vẫn căng thẳng vì vụ việc này, và vào năm 2010, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã tuyên bố với tờ báo Haaretz rằng Ankara chỉ chấp nhận "làm lành" với Israel nếu Tel Aviv bãi bỏ hoàn toàn chính sách phong tỏa Dải Gaza.
Trong một môi trường "Chiến tranh Lạnh" mới, nơi các cường quốc đang lên như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày càng trở nên quyết đoán, các xung đột khu vực có thể bùng phát rất nhanh. Mâu thuẫn Nga - Thổ hiện nay là một dấu hiệu cho thấy những thù địch kéo dài trong quá khứ một lần nữa lại trỗi dậy, giáo sư Adelman nhấn mạnh.
Duy Sơn