Hồi tháng 10 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague thông báo họ có thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 vấn đề mà Philipppines kiện "đường lưỡi bò" phi pháp mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông, theo SCMP.
PCA cũng cho biết họ sẽ ra phán quyết về vụ kiện vào tháng 5 hoặc tháng 6, một thông tin khiến nhiều người dân Philippines và dư luận quốc tế ủng hộ vụ kiện vui mừng. Tuy nhiên, chuyên gia Mark J. Valencia, chuyên gia về luật biển quốc tế tại Viện Nghiên cứu châu Á Quốc tế, cho rằng phán quyết của PCA nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung rất có thể sẽ phải "bó tay" trước sự ngang ngược, thách thức của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo ông Valencia, mới đây Indonesia đã tuyên bố xem xét việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhiều nước trong khu vực cũng có thể thực hiện hành động tương tự. Khi các đơn kiện tới tấp bay đến PCA, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng như những nước có liên quan như Australia sẽ khó có thể tiếp tục duy trì sự "trung lập" của mình.
Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều đã cử quan sát viên tới phiên tranh tụng của PCA. Mỹ cũng đã yêu cầu được cử đại diện tham dự phiên tòa, nhưng không được chấp thuận vì nước này chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cơ sở pháp lý để PCA ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò".
Dù vụ kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm như vậy, Trung Quốc vẫn khăng khăng không tham gia tranh tụng, với lý do PCA không có thẩm quyền xét xử. Bắc Kinh cũng rốt ráo thực hiện các hoạt động vận động hành lang đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, trước khi phán quyết của PCA được đưa ra. Báo chí Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ không tuân thủ phán quyết của PCA, được dự đoán là sẽ có lợi cho Philippines.
Phớt lờ phán quyết
Ông Valencia chỉ ra rằng ngay cả khi tòa quốc tế ra phán quyết "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông không hề có căn cứ theo luật pháp quốc tế, Bắc Kinh rất có thể phản ứng bằng cách đơn giản là phớt lờ phán quyết đó, trong khi PCA thiếu những công cụ cần thiết để thi hành phán quyết của mình.
Theo đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, tăng cường đưa các loại trang bị, vũ khí tới để quân sự hóa những hòn đảo này, bất chấp những lời cảnh báo của phía Mỹ.
Chuyên gia này nhấn mạnh đó là những hành động thách thức cả hệ thống luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như quyền lực và trật tự do Mỹ tạo ra ở châu Á, mà thế giới gần như không có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.
Mỹ đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, và nếu phán quyết của PCA không được Trung Quốc tôn trọng, các tàu chiến và máy bay B-52 của Mỹ có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn trên vùng biển này.
Thế nhưng, động thái đó của Mỹ sẽ là cái cớ để Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo. Nghiêm trọng hơn, nó có thể khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa các nước Đông Nam Á ủng hộ phe này hay phe kia. Trong trường hợp tồi tệ nhất, nó có thể dẫn tới một cuộc xung đột giữa hai cường quốc, hay những cuộc chiến tranh ủy nhiệm và xung đột quốc tế trong khu vực. Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử loài người, gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Theo Valencia, những người theo chủ nghĩa cứng rắn ở Bắc Kinh luôn cho rằng hệ thống quốc tế hiện nay là do Mỹ thiết lập nên nhằm kiềm chế Trung Quốc. Họ chỉ có thể trở nên lớn mạnh hơn khi thoát khỏi "vòng kiềm tỏa này", và việc không tuân thủ phán quyết của PCA là một trong những động thái như vậy.
Nhiều chuyên gia quốc tế tin rằng nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của PCA, Bắc Kinh sẽ đánh mất "uy tín và ảnh hưởng" mà họ dày công xây dựng trong khu vực và trên thế giới suốt nhiều năm qua. Theo họ, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng khi vi phạm những công ước quốc tế như UNCLOS, đặc biệt là sau khi tòa quốc tế đã ra phán quyết.
Tuy nhiên, Valencia cho rằng xét về quyền lực cứng và quyền lực mềm, Trung Quốc không hề quan tâm tới "uy tín và ảnh hưởng" kiểu này. Trung Quốc có thể mất "uy tín" trong giới luật sư quốc tế và những người tin vào trật tự thế giới, nhưng họ sẽ không đánh mất "ảnh hưởng" chính trị trong khu vực, đặc biệt là với những nhà lãnh đạo thực dụng của một số quốc gia.
Bắc Kinh tin rằng với sức mạnh khổng lồ về kinh tế và quân sự của mình, họ sẽ tiếp tục áp đặt được ảnh hưởng lên nhiều nước trong khu vực, dù luật pháp quốc tế đã bị họ phớt lờ. Điều này sẽ gây ra tình trạng hoang mang về luật pháp và chính trị trên Biển Đông, dẫn tới tình trạng các quốc gia đua nhau vũ trang hóa để tự bảo vệ mình trước các biến cố, Valencia nhận định.
Sự bất lực của Mỹ
Theo giới phân tích, sự thách thức của Trung Quốc đối với phán quyết của PCA có thể hủy hoại nền tảng của luật biển quốc tế cũng như thẩm quyền, tính hợp pháp của cơ chế giải quyết các tranh chấp bằng công ước Liên Hợp Quốc. Nó cũng sẽ làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của các nước trong khu vực vào uy tín và sức mạnh của Mỹ, quốc gia đang nỗ lực trấn an các đồng minh và đối tác ở châu Á bằng chiến lược "xoay trục" của mình.
Trong một bài viết trên Diplomat, giáo sư William G. Frasure, giảng viên Đại học Connecticut, Mỹ, cho rằng thái độ ngang ngược, thách thức của Trung Quốc đang khiến các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với nước này trên Biển Đông phải nỗ lực tìm cách đối phó để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có việc tăng cường hợp tác về quân sự và ngoại giao với Mỹ.
Các quốc gia này hy vọng rằng sự hiện diện quân sự tích cực của Mỹ trên Biển Đông sẽ góp phần răn đe được Trung Quốc, bởi Washington có nguồn lực hơn hẳn so với những gì Bắc Kinh có thể triển khai trên Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Frasure chỉ ra rằng lịch sử từ thời Chiến tranh Lạnh cho thấy sự tin cậy luôn là yếu tố nòng cốt cho khả năng răn đe. Việc sở hữu các loại vũ khí, khí tài hiện đại thôi chưa đủ, anh cần phải thuyết phục được đối phương tin rằng anh sẵn sàng sử dụng các vũ khí đó, hoặc để đồng minh của anh sử dụng chúng.
Bước tiếp theo để gia tăng mức độ tin cậy là phải khiến bạn bè của anh tin rằng đối phương sẽ bị khuất phục trước các động thái răn đe của anh. Đây có vẻ như là yếu tố cuối cùng mà Mỹ có thể thực hiện trên Biển Đông để có thể củng cố niềm tin của các nước vào quyết tâm "xoay trục" của mình, Frasure nhận định.
Trong thực tế, Mỹ rất khó để thực hiện được điều này. Khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông bằng những bước đi được tính toán kỹ nhằm không làm bùng phát xung đột với Mỹ, họ tin rằng Mỹ sẽ không có bất cứ sự cản trở nào bằng vũ lực đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình. Báo chí Trung Quốc cho rằng Mỹ đang ngày càng tỏ ra yếu đuối, và việc tàu khu trục Mỹ để Su-24 Nga liên tục áp sát trên biển Baltic là một minh chứng cho điều đó.
Giáo sư Frasure cũng chỉ ra rằng các vấn đề chính trị trong nước là một trở ngại khiến Mỹ khó có thể ra tay ngăn cản Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Mỹ gần như không thể lôi kéo được sự ủng hộ của dư luận cho một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc tại vùng biển xa xôi mà rất nhiều người Mỹ không biết tới.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khi nhắc tới Trung Quốc, đa số người Mỹ đều lo ngại về mối đe dọa thương mại từ nước này, chứ không phải tham vọng chủ quyền của họ trên Biển Đông. Quan trọng hơn, chính quyền Mỹ hiện nay chưa có những động thái rõ ràng để người dân hiểu rõ hơn về mối đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, và không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền kế tiếp sẽ làm vậy, khi Trường Sa và Hoàng Sa không hề xuất hiện trong cương lĩnh tranh cử của các ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa.
"Mỹ có thể khuyến khích các đồng minh và đối tác trong khu vực, nhưng khó có thể làm gì nhiều để có thể ngăn chặn các động thái thách thức của Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh tiếp tục tham vọng của mình bằng các hành động lấn dần đầy toan tính như hiện nay", ông Frasure nhấn mạnh.
Xem thêm: Trung Quốc và 'chiến lược cải bắp' ở Biển Đông
Trí Dũng