Kế hoạch cải tổ quân đội đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình buộc ông phải cắt giảm đồng loạt 300.000 quân nhân, chủ yếu ở các đơn vị phi tác chiến, và nhà lãnh đạo này đang âm thầm chi một số tiền rất lớn để giải quyết chế độ "hưu non" cho đội ngũ đó, theo Business Insider.
Theo những người thạo tin trong quân đội Trung Quốc, 300.000 sĩ quan, binh sĩ bị buộc phải giải ngũ sớm này sẽ được nhận những khoản trợ cấp hậu hĩnh cho sự ra đi của mình, với các gói hỗ trợ trị giá hàng chục nghìn USD. Họ cũng được hứa hẹn sẽ nhận lương hưu bằng 80% tiền lương trước khi giải ngũ.
Theo giới quan sát, những khoản trợ cấp đầy hào phóng này sẽ là động lực để đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm đội quân 2,3 triệu người của Trung Quốc hiện nay xuống còn hai triệu người, trong một kế hoạch tái cấu trúc lớn nhất mà quân đội Trung Quốc (PLA) trải qua kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Kế hoạch này cũng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ những người lính bị giải ngũ trước thời hạn trở nên bất mãn và có thể kéo xuống đường để phản đối, tạo ra một nguồn cơn bất ổn mới trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc chi ra một khoản tiền lớn để hỗ trợ 300.000 lính giải ngũ của ông Tập cho thấy tầm quan trọng của lực lượng quân đội đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như những khó khăn mà ông Tập phải đối mặt khi quyết định sắp xếp lại lực lượng vũ trang đông nhất thế giới.
Trong một hội thảo về quân pháp tháng 5/2013, ông Xue Gangling, hiệu trưởng trường Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, nói rằng những cuộc biểu tình có liên quan đến cựu binh là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của đất nước, theo tạp chí Tài Kinh. Ông Xue cho rằng tình trạng quản lý quan liêu, nhũng nhiễu là một nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình của cựu binh tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2002-2004, lên tới 140 vụ mỗi năm.
"Binh sĩ có sức mạnh răn đe và hủy diệt khi họ đoàn kết lại cùng làm một việc gì đó, và họ hoàn toàn có thể dễ dàng gây nên những vấn đề bất ổn xã hội", Yue Gang, đại tá về hưu từng phục vụ trong Bộ Tổng tham mưu PLA, nói. "Binh sĩ kém thích ứng với xã hội hơn, vì họ không có những kỹ năng mà thị trường lao động cần, và không quen với văn hóa công sở. Đó là lý do họ cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ".
Sức ép gia tăng
Việc cùng một lúc đẩy 300.000 người đang có công ăn việc làm ổn định ra đường sẽ làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lao động Trung Quốc, vốn đã là nỗi lo lắng lớn của chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế đang dịch chuyển từ đầu tư và sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ và sáng tạo.
Theo ghi nhận của tổ chức China Labor Bulletin ở Hong Kong, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, đã xảy ra hơn 1.450 vụ bất ổn liên quan đến người lao động Trung Quốc, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch chi khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15 tỷ USD) để hỗ trợ công ăn việc làm mới cho khoảng 1,3 triệu công nhân mỏ than và nửa triệu công nhân ngành thép mất việc vì sự suy thoái của hai ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ PLA sẽ chi bao nhiêu để hỗ trợ cho 300.000 quân nhân thất nghiệp, và tiêu chuẩn để được hưởng các ưu đãi đó là như thế nào.
Các nguồn tin cho hay theo kế hoạch này, một đại tá quân đội trong diện tinh giản biên chế nếu chấp nhận tự đi tìm việc mới có thể sẽ nhận được khoản trợ cấp một lần lên tới một triệu tệ, cùng khoản lương hưu bằng 80% mức lương tại ngũ. Theo truyền thông Trung Quốc, các sĩ quan PLA có mức lương từ 4.000 đến 20.000 tệ mỗi tháng.
Trong khi hạ sĩ quan, binh sĩ phải phục vụ ít nhất 18 năm trong quân đội mới được hưởng mức lương hưu 80% này, PLA sẽ cho phép các sĩ quan tính cả thời gian học đại học, học viện vào thời gian phục vụ tại ngũ của mình. Ngoài ra, PLA cũng sẽ chi tiền bồi thường tái định cư cho quân nhân giải ngũ. Những quân nhân giải ngũ này nếu tự thành lập doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập mà thuế môn bài.
Trong một hội nghị hồi tháng 11 năm ngoái, ông Tập nói rằng nhà chức trách Trung Quốc phải "có những biện pháp đặc biệt và chính sách ưu đãi để chủ động giúp đỡ các cựu binh an cư lạc nghiệp", theo Xinhua. Nhà chức trách Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty quốc doanh phải ưu tiên tuyển dụng những cựu binh bị cắt giảm biên chế, trong một nỗ lực nhằm đảm bảo "ổn định và trật tự xã hội".
Tuy nhiên, cắt giảm quân số chỉ là một trong những sức ép lớn đối với PLA, trong lúc ông Tập muốn phá bỏ cấu trúc chỉ huy quân đội theo mô hình Liên Xô trước đây để xây dựng một lực lượng có khả năng phát huy sức mạnh ra ngoài biên giới Trung Quốc. Ông đã thanh trừng hàng chục sĩ quan cao cấp vì có hành vi tham nhũng, mà mới đây nhất là việc tòa án quân sự kết án chung thân đối với thượng tướng Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương.
Hôm 1/8, tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo những thay đổi tiếp theo của quân đội sẽ "ảnh hưởng tới nhiều quân nhân hơn với tác động sâu sắc hơn. Nó sẽ thách thức các đặc quyền đặc lợi nhiều hơn, và tiến trình cải cách cũng sẽ đau đớn hơn".
Chính quyền thành phố Nghi Chinh, tỉnh Giang Tô hồi năm ngoái cảnh báo trên website của mình rằng các quan chức sẽ bị trừng phạt nếu để xảy ra tình trạng cựu binh khiếu nại hoặc biểu tình, gây ra "hậu quả nghiêm trọng và phá hoại trật tự xã hội". Thành phố Trùng Khánh hồi tháng hai khẳng định khoảng 90% trong số hơn 2.700 cựu binh địa phương đều tìm được việc làm sau khi giải ngũ.
Didi Chuxing, dịch vụ taxi lớn nhất Trung Quốc, hồi tháng 5 cũng tuyên bố đã đào tạo được 179.000 cựu binh làm tài xế cho công ty. Những người làm công việc này có thể nhận lương 10.000 tệ mỗi tháng, cao hơn cả lương trung tá trong quân đội, đại diện của Didi khẳng định.
Xem thêm: Chế độ lương của quân nhân Trung Quốc
Trí Dũng