Các sinh viên Triều Tiên trong cuộc diễu hành lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm qua. Những tấm biển ghi: "Hãy đè nát nhóm phản bội bù nhìn", "Hãy xé xác lũ phản bội bù nhìn đến chết". Ảnh: AP |
Các tuyên bố của Triều Tiên ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng nói trong "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc. Liệu xung đột có xảy ra không? Dưới đây là phân tích tình hình của trưởng văn phòng Bình Nhưỡng của hãng tin AP, bà Jean H. Lee.
Trên khắp Triều Tiên, binh sĩ đang sẵn sàng chiến đấu, ngụy trang xe quân sự. Những tấm biển và áp phích mới sơn kêu gọi “tiêu diệt đế quốc Mỹ” và thúc giục người dân chiến đấu bằng “vũ khí, không phải lời nói”.
Nhưng kể cả khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa chỉ thị cho các đơn vị tên lửa sẵn sàng khai hỏa, ông và đội quân gồm hơn một triệu binh sĩ của mình hiểu rất rõ rằng, tấn công tên lửa vào các mục tiêu Mỹ sẽ là tự sát đối với một đất nước yếu thế và ít dân hơn nhiều.
Dù nhịp "trống trận" đang dồn dập, không có nhân vật chủ chốt nào trong khu vực muốn hay kỳ vọng một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa, kể cả người Triều Tiên. Nhưng dường như bằng cách đưa khu vực tới bờ vực xung đột với nhiều lời đe dọa và khiêu khích, Bình Nhưỡng đang muốn thu hút sự chú ý tới sự mong manh của hiệp định đình chiến, từng được ký nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên mới đây tuyên bố vô hiệu hóa hiệp định đình chiến và cảnh báo rằng chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.
Tất cả là một phần của kế hoạch tổng thể của Triều Tiên nhằm buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán, gây sức ép đối với tân tổng thống Hàn Quốc để nước này thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng, đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết trong nước mà không phải châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Tháng 7 tới sẽ là tròn 60 năm kể từ khi Triều Tiên và Trung Quốc ký hiệp định đình chiến với Mỹ và Liên Hợp Quốc để chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh đẫm máu kéo dài ba năm, cướp đi sinh mạng hàng triệu người. Khu phi quân sự tại biên giới liên Triều trở thành biên giới được canh gác cẩn mật nhất thế giới.
Sau 60 năm, Hàn Quốc trỗi dậy từ một nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới, trong khi Triều Tiên vẫn vật lộn tìm lối thoát khỏi vực thẳm Chiến tranh Lạnh, với thu nhập bình quân đầu người ngang với khu vực cận Sahara ở châu Phi.
Binh sĩ Trung Quốc cùng chiến đấu với lính Triều Tiên đã rút đi từ lâu. Nhưng 28.500 quân nhân Mỹ vẫn đồn trú ở Hàn Quốc, trong khi 50.000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật Bản cách đó không xa. Nhiều tuần qua, Mỹ và Hàn Quốc liên tục phô trương sức mạnh quân sự với hàng loạt cuộc tập trận chung mà Triều Tiên cho là hành động diễn tập xâm lược nước này.
Quân đội Mỹ hôm 28/3 xác nhận các cuộc tập trận đang diễn ra có hai máy bay ném bom tàng hình B-2 có thể thả loại bom thông thường lớn nhất của Không lực Mỹ - siêu bom phá boong-ke nặng hơn 13,6 tấn, đủ mạnh để phá hủy mạng lưới hầm ngầm quân sự của Triều Tiên.
Máy bay thả bom tàng hình B-2 (phải) bay trên căn cứ không quân Mỹ ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: AFP |
Ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Kim Jong-un nhanh chóng phản ứng bằng cách triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các tướng lĩnh quân đội và chỉ thị cho họ chuẩn bị tấn công nếu Mỹ tiếp tục gây hấn. Một bức ảnh do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên công bố cho thấy ông Kim trong phòng tác chiến quân sự với bản đồ vạch chi tiết kế hoạch tấn công Mỹ, một cách khoe trước công chúng chiến thuật quân sự nhạy cảm.
Triều Tiên coi mối đe dọa quân sự Mỹ là lý do chính đằng sau nhu cầu phát triển vũ khí hạt nhân và đã đổ một phần khổng lồ trong ngân sách nhà nước khiêm tốn vào quốc phòng, khoa học và công nghệ.
Tháng 12/2012, các nhà khoa học Triều Tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo, trên lưng một chiếc tên lửa tầm xa sử dụng công nghệ có thể dễ dàng chuyển đổi cho tên lửa. Tháng 2/2013, họ thử nghiệm một thiết bị hạt nhân trong lòng đất, một phần trong kế hoạch chế tạo bom để lắp vào tên lửa có khả năng bay tới Mỹ.
Tuy nhiên, điều Triều Tiên thực sự muốn là sự công nhận trong con mắt của Mỹ, biểu hiện là một hiệp định hòa bình. Bình Nhưỡng muốn binh sĩ Mỹ rút khỏi đất Hàn Quốc, và những quả bom, tên lửa thực chất chỉ là một chiếc chăn an toàn đắt đỏ và nguy hiểm. Nhiều nhà phân tích của phương Tây và Hàn Quốc cho rằng chỉ là những quân bài của Triều Tiên, với mục đích là buộc người Mỹ trở lại bàn đàm phán.
Trong một không gian có vẻ như là phòng tác chiến quân sự, một tấm bản đồ ghi dòng chữ "Kế hoạch Tấn công Lục địa Mỹ của Các lực lượng Chiến lược". Ảnh: AFP |
Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình An ninh và Quốc tế học thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia của Nhật Bản, không tin rằng Triều Tiên có đủ khả năng tấn công Guam, Hawai hay lục địa Mỹ. Ông cho biết Bình Nhưỡng chưa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, tên lửa tầm trung Rodong với tầm bắn 1.300 km hiện “hoạt động được và đáng tin cậy”, có thể bay tới các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, Michishita nói.
Những cuộc tấn công bằng tên lửa thì rất khó có thể xảy ra, nhưng nguy cơ hiện hữu thì có thể là một cuộc đụng độ quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như từng xảy ra ờ bờ biển phía tây nam Triều Tiên. Đụng độ như thế sẽ không đủ để người Mỹ ra tay dùng đến sức mạnh quân sự khổng lồ của mình.
Nhiều năm liền, vùng biển duyên hải phía tây đã trở thành trận địa của những cuộc chạm trán giữa hai miền, bởi Triều Tiên chưa bao giờ công nhận ranh giới trên biển mà Liên Hợp Quốc đơn phương vạch ra.
Mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nghe có vẻ đe dọa là thế, nhưng đối tượng chính mà Triều Tiên muốn hướng tới có thể là người dân trong nước. Nhiều tháng qua, những người quân sư đứng đằng sau kế hoạch tuyên truyền của Triều Tiên chỉ ra rằng dịp kỷ niệm 60 năm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong năm nay là thời điểm vàng để nâng cao mức độ tin cậy về mặt quân sự của ông Kim Jong Un, cũng như để thúc đẩy ký kết một hiệp định hòa bình.
Bằng cách tạo ra ấn tượng rằng, cuộc tấn công vào Mỹ sắp xảy ra, chế độ Triều Tiên có thể nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc và động viên người dân tập hợp xung quanh nhà lãnh đạo mới của họ.
Ở Bình Nhưỡng, những phát ngôn khoa trương về mặt quân sự có cảm giác giống như nghệ thuật sân khấu. Không hiếm cảnh người vác súng trường, khi những binh lính và các trạm kiểm soát là một điều cố hữu trong xã hội mang nặng tính quân sự. Nhưng cũng có lúc súng giấu trong ba lô chỉ là đạo cụ và “người lính” là vũ công. Họ là những nghệ sĩ đang luyện tập chuẩn bị cho một chương trình nghệ thuật lớn có chủ đề về Chiến tranh Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Hơn 100.000 binh sĩ, sinh viên và công nhân phổ thông hôm 29/3 được triệu tập tới Quảng trường Kim Nhật Thành tại trung tâm Bình Nhưỡng, giơ cao nắm đấm thể hiện sự ủng hộ đối với Nguyên soái quân đội Kim Jong Un. Nhưng ở những nơi khác như nhà hàng, cửa hiệu, nông trại, nhà máy mọi việc diễn ra bình thường, còn các công nhân đã từng nghe đến những điều đó trước kia.
“Căng thẳng gia tăng hầu như mọi năm quanh thời điểm Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung. Nhưng sau khi tập trận kết thúc, mọi thứ trở lại bình thường và người ta nhanh chóng cho chúng vào ký ức", Sung Hyun-sang, giám đốc người Hàn Quốc của một nhà máy may mặc ở thị trấn biên giới Kaesong (Triều Tiên), nói. "Tôi hy vọng lần này cũng không có gì khác", ông cho biết.
Một dấu hiệu cho thấy kể cả người Triều Tiên cũng không mong chờ chiến tranh là việc hãng hàng không quốc gia Air Koryo đang mở thêm chuyến bay vào mùa xuân và chuẩn bị tiếp đón lượng lớn du khách tới Bình Nhưỡng.
Dù chiến tranh hay hòa bình, Bình Nhưỡng dường như vẫn mở cửa để kinh doanh.
Trọng Giáp (theo AP)