Thông tin về việc Nga củng cố quân sự tại Syria đang khiến Mỹ lo ngại và đặt ra câu hỏi liệu Moscow có kế hoạch can thiệp vào cuộc xung đột trong nước này hay không. Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Washington thấy có sự gia tăng trong số máy bay vận tải Nga xin chấp nhận ngoại giao để bay vào Syria, không rõ máy bay chở gì và mục đích của chúng là gì.
Các quan chức Mỹ cho biết họ cũng quan sát thấy việc di chuyển một số nhà lắp ghép tại Syria, nhưng họ không thấy quân đội di chuyển vào đó hay tham gia các hoạt động chiến đấu thực tế.
Trong khi đó, Nga trả lời rằng họ vốn luôn hỗ trợ thiết bị và huấn luyện cho quân đội Syria và đang duy trì việc này. Kể từ thời Liên Xô, Nga đã có quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ với Syria. Nga có căn cứ hải tại cảng Tartus ở nước này để phục vụ và tiếp tế tàu thăm viếng.
Các nhà quan sát ở Moscow nói rằng việc điều động của Nga có thể là một phần trong kế hoạch gửi quân tới Syria để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), với hy vọng hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với phương Tây.
Đầu mùa hè này, điện Kremlin đã đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Syria, phác thảo việc kết hợp với lực lượng chính phủ Syria và Iran trong liên minh chống IS. Tuy nhiên, một vài vòng đàm phán với Mỹ và Arab Saudi sau đó không mang lại kết quả đáng kể. Hiện giờ, Moscow dường như đang thử dư luận trước khi đưa ra động thái tiếp theo là tăng cường hiện diện quân sự tại Syria.
Theo National Post, khi thể hiện khả năng gia nhập liên minh chống IS, Putin có thể hy vọng giành được một số nhượng bộ quan trọng. Mục tiêu chính của ông Putin là dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây và bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga có thể đang tìm cách để làm phương Tây chấp nhận nhiều hơn vai trò của Moscow trong khủng hoảng Ukraine, trong khi vẫn giữ ảnh hưởng tại Syria.
Alexander Golts, một nhà phân tích quân sự độc lập, cũng nhận định rằng ông Putin thấy việc gia nhập liên minh chống IS là cơ hội để tái lập quan hệ với phương Tây. "Nga cảm thấy bản thân bị cô lập, và ngày càng cảm thấy điều đó", ông nói. Golts cho rằng những thông tin mới nhất về việc chuyển hàng hóa quân sự đến Syria của Nga dường như chứng minh sự sẵn sàng của Moscow trong việc tham gia liên minh chống nhóm cực đoan
Trong khi ông Putin tuần trước nói rằng "vẫn chưa" có đàm phán về việc quân Nga tham gia cuộc chiến chống IS, ông dường như để cửa mở cho khả năng này, nói rằng "chúng tôi đang tìm kiếm những lựa chọn khác nhau". Nhà lãnh đạo Nga dự kiến sẽ tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này, một số nhà phân tích nói rằng đề nghị triển khai quân tới Syria có thể là tâm điểm của chuyến công du.
Sergei Karaganov, người sáng lập Hội đồng Ngoại giao và Chính sách Quốc phòng, một hiệp hội hàng đầu của các chuyên gia chính trị Nga, nói rằng Moscow đang xem xét khả năng tham gia liên minh chống IS, nhưng phương Tây cho đến nay không hoan nghênh việc này. "Họ miễn cưỡng trước đề xuất của Tổng thống Putin", ông nói.
Karaganov, người có mối quan hệ tốt với các quan chức Nga, cho rằng nếu nhận được phản ứng lạnh nhạt từ Mỹ và đồng minh, Nga sẽ không lựa chọn hành động quân sự đơn phương ở Syria. "Việc này sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn", ông nói.
Igor Korotchenko, đại tá về hưu của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, hiện là biên tập viên tạp chí National Defence, cũng cho rằng trong khi Nga đã cung cấp vũ khí cho chính phủ Assad, họ không có ý định gửi quân đến Syria.
"Nga sẽ không gửi quân đến Trung Đông, phương án này hoàn toàn bị loại trừ", ông nói. "Đó là vấn đề của Mỹ. Nga sẽ không đánh đổi điều đó lấy mạng sống những người lính của mình".
Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích Moscow, nói rằng sự gia tăng hiện diện của Nga tại Syria có thể là một phần của nỗ lực của Kremlin nhằm gia tăng áp lực với Mỹ để chấp nhận kế hoạch hòa bình của Putin.
"Một liên minh như vậy sẽ giúp chính quyền Assad giữ quyền lực và cho phép Nga duy trì sự hiện diện của mình tại Trung Đông", ông nói.
Alexei Malashenko, một chuyên gia về Trung Đông ở trung tâm Carnegie Moscow bày tỏ hoài nghi, nói rằng nếu Nga thật sự muốn dùng Syria để cải thiện quan hệ với phương Tây thì kế hoạch này cũng sẽ khó thành công.
Malashenko cảnh báo rằng việc triển khai binh sĩ Nga để chống lại IS sẽ mang đến nguy cơ bị trả thù và nâng cao mối đe dọa khủng bố đối với Nga."Người Nga cũng sẽ chẳng hân hoan đón nhận việc này", ông nói.
Phương Vũ