Chi nhánh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Libya hôm 24/2 mở một cuộc tấn công quy mô vào trụ sở cơ quan an ninh của chính phủ, chặt đầu 20 người trước khi chiếm quyền kiểm soát toàn bộ khu phức hợp này.
"Một quan chức an ninh cho hay các tay súng còn dùng những thi thể không đầu chặn lối vào trụ sở, nơi chúng chiếm giữ trong khoảng ba tiếng", AP đưa tin.
Vụ tấn công xảy ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ không kích một trại huấn luyện của IS tại thành phố Sabratha, phía tây Libya, khiến 40 người thiệt mạng, trong đó có hai con tin Serbia. Giới phân tích đánh giá những nỗ lực mà Mỹ thực hiện gần đây ở Libya là dấu hiệu cho thấy Washington đang ngày càng bất an trước sự trỗi dậy của IS tại quốc gia Bắc Phi này. Đây cũng là nỗi lo âu chung của nhiều nước khác.
Các quan chức tình báo Mỹ ước tính số lượng thành viên IS ở Libya đã lên tới 6.500 người, tăng hơn hai lần từ mùa thu năm ngoái. IS lần đầu tiên thông báo về ý định bành trướng sang Libya vào năm 2014. Từ đó, nhóm liên tục tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu tại quốc gia này, và đến nay đã nắm quyền kiểm soát khoảng 240 km bờ biển Libya.
Một lý do khiến IS có thể dễ dàng vươn chân rết tới Libya xuất phát từ những bất ổn tại đây, theo The Atlantic. Các đảng phái chính trị và dân quân trong nước luôn đấu đá lẫn nhau khiến chính phủ rơi vào thế xung đột với chính lực lượng an ninh của họ.
Tình trạng hỗn loạn cũng gây ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế. Người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia Libya tháng trước cho hay nước này thiệt hại đến 68 tỷ USD tiền bán dầu, tính từ năm 2013 tới nay.
Trong bối cảnh các tay súng IS đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn ở Iraq và Syria trước sức ép từ đòn không kích của phương Tây và Nga, việc nhóm này âm mưu lợi dụng những bất ổn an ninh ở Libya để "vươn vòi" sang Bắc Phi cũng là điều dễ lý giải.
"Các lãnh đạo IS ở Syria đang khuyến khích tân binh từ các nước Tây Phi như Senegal hoặc Chad dịch chuyển sang hướng bắc" thay vì "quy tụ ở Trung Đông", tờ New York Times đưa tin. Nhóm còn lên tiếng kêu gọi thành viên bám trụ tại Libya.
Nhiều người di cư và tị nạn cũng thường chọn Libya làm nơi dừng chân trong hành trình vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Nếu IS thực sự phát triển ở Libya thì đây sẽ là một viễn cảnh đáng sợ đối với các nước phương Tây, bởi phiến quân có thể trà trộn vào dòng người tị nạn và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ngay trong lòng châu Âu, tương tự như những gì xảy ra tại thủ đô Paris, Pháp, hồi tháng 11 năm ngoái.
Nhật báo Le Monde hôm qua đưa tin Pháp đang tăng cường can thiệp quân sự vào Libya nhằm phát động một "cuộc chiến tranh bí mật" với mục tiêu kìm hãm sự phát triển của IS. Italy và Anh cũng được cho là có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại Libya.
Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là các cường quốc sẽ phối hợp với nhau như thế nào trong cuộc chiến chống IS ở Libya. Từ sau khi chính quyền cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011, Mỹ liên tục triển khai bộ binh tới quốc gia này. Lần điều động mới nhất được xác nhận diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái, gần 18 tháng sau khi đặc nhiệm Mỹ bắt giữ Ahmed Abu Khattala. Người đàn ông này đang bị xét xử với cáo buộc tham gia các cuộc tấn công ở Benghazi năm 2012, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, bao gồm cả đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông sẽ truy đuổi IS "tại bất cứ nơi đâu chúng xuất hiện". Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, ông đang cân nhắc khả năng sử dụng sức mạnh quân sự một cách triệt để và rộng rãi hơn trong cuộc chiến với IS ở Libya.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động tại những nơi chúng tôi có chiến lược và mục tiêu rõ ràng. Nếu chúng tôi nhìn thấy cơ hội ngăn chặn IS bám rễ ở Libya, chúng tôi sẽ nắm bắt nó", Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Vũ Hoàng