Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng tìm mọi cách để làm yên lòng các lãnh đạo thế giới trước những mối lo lắng quanh việc tỷ phú Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, có thể trở thành tổng tư lệnh tiếp theo của nước này. Tuy nhiên, nỗ lực ấy dường như không phát huy tác dụng khi mà những nỗi bất an vẫn còn đó, thậm chí ngày càng tăng tiến, theo Politico.
Theo nhiều quan chức Mỹ và chính phủ nước ngoài, cái tên Trump bắt đầu trở thành từ khóa nóng trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp chính phủ. Tại hầu hết những buổi gặp mặt, bữa tối cá nhân hay điện đàm song phương, các lãnh đạo thế giới đều đề cập đến vấn đề trên và tìm kiếm lời giải thích từ những quan chức hàng đầu nước Mỹ, như Tổng thống Obama, Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hay Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman. Ngoài ra, nhiều đại sứ Mỹ cũng đang xin chỉ dẫn từ Washington về việc nên nói gì trước các câu hỏi liên quan đến Donald Trump.
"Họ sợ hãi và cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra. Tất cả đều có chung câu hỏi hiện tượng Trump là gì? Liệu ông ấy có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối ngoại cũng như hành động của Mỹ trong tương lai?", một quan chức Mỹ có mối liên hệ với các lãnh đạo nước ngoài, cho hay. "Họ theo dõi sát sao tình hình chính trị Mỹ và ai nấy đều tỏ ra hoài nghi".
Hoang mang và hoài nghi
Các lãnh đạo thế giới thường xuyên thể hiện tâm trạng hoang mang với Tổng thống Mỹ đến nỗi ông Obama phải đưa ra một bài phát biểu để trấn an.
Ông đã giải thích về tiến trình bầu cử của đảng Cộng hòa và khẳng định rằng dù tỷ phú Trump bước đầu gặt hái nhiều thành công nhưng các bang lớn vẫn chưa tiến hành bầu cử sơ bộ, vì thế vị trí dẫn đầu của ông Trump vẫn có khả năng bị lung lay. Sự phức tạp của hội nghị đảng Cộng hòa cũng như tính rắc rối của quá trình bỏ phiếu kín cũng có thể khiến Trump gặp thất bại. Ông đồng thời nhấn mạnh bà Hillary Clinton hoàn toàn có cơ hội đánh bại tỷ phú đến từ Manhattan này.
Dù vậy, nỗ lực trên dường như không đạt được thành công khi mà nhiều lãnh đạo vẫn cho rằng chính quyền Obama đã đánh giá quá thấp khả năng của ông Trump, cây bút Edward - Isaac Dovere và Bryan Bender từ Politico nhận định.
"Đa phần mọi người đều nói ông ấy không có tài năng, trí thông minh hay nguồn lực đủ lớn để tiến xa trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhưng họ đã lầm", Peter Mandelson, một thành viên Nội các Anh dưới thời thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown, cho biết.
Trước mối lo ngại về viễn cảnh Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, nhiều người thậm chí còn không muốn bình luận bất kỳ điều gì liên quan đến Trump bởi họ tin rằng ông sẽ trở thành tổng thống Mỹ và nếu đưa ra những nhận xét không hay, họ sẽ khiến ông chủ Nhà Trắng tương lai giữ mối tư thù với mình.
"Chúng tôi quan ngại về việc Mỹ có thể phát triển theo hướng biệt lập hơn và điều này thực sự không tốt cho bản thân nước Mỹ, châu Âu và cả thế giới", Olli Rehn, Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan, nói.
"Người ta chùn bước trước tổng thống George W. Bush hay thất vọng với Tổng thống Obama bao nhiều thì họ thấy cơn địa chấn do Trump tạo ra nguy hiểm bấy nhiêu, bởi trong mắt họ, ông ấy vừa thông minh nhưng cũng rất khinh thị, vô đạo đức và sẵn sàng phát ngôn bất cứ thứ gì miễn là giành được sự ủng hộ của cử tri. Chính điều đó khiến họ lo sợ", ông Mandelson nói.
Ở một số quốc gia châu Âu, không ít người còn lo lắng đà thăng tiến của Trump sẽ khuyến khích chủ nghĩa dân tộc nở rộ tại nước họ.
"Đối với tôi, những giải pháp của Trump là sai lầm nhưng không phải đầu tiên, bởi đâu đó ở châu Âu, chúng tôi đã thấy các phe phái cực đoan đề cập đến chúng", Sandro Gozi, thành viên Quốc hội Italy kiêm trợ lý các vấn đề châu Âu trong Nội các của Thủ tướng Mateo Renzi, cho hay.
Một số quốc gia lớn ở châu Âu tỏ ra kiên nhẫn hơn trước hiện tượng bùng nổ của Donald Trump nhưng tâm lý bất mãn, phật lòng là không thể tránh khỏi khi họ bị ông này miêu tả là các nước "ăn không ngồi rồi" trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như đối với những vấn đề khác.
Adam Schiff, thành viên có tiếng nói từ Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết, trong chuyến thăm gần đây tới châu Phi, ông giật mình khi tại các cuộc gặp mặt, nhiều lãnh đạo và bộ trưởng ở đây đã bày tỏ rằng họ bị sốc trước thành công của Trump.
Đến nay, các đại diện chính phủ Arab có vẻ là những người bình tĩnh hơn cả. Họ vẫn cười nhạo Trump và không tin tưởng vào khả năng ông trở thành tổng thống Mỹ.
Các nước châu Á - Thái Bình Dương trong khi đó lo ngại Trump cùng những gì ông đã và đang thể hiện sẽ khiến Mỹ rút khỏi khu vực, từ đó trao nhiều quyền lực hơn vào tay Trung Quốc, nước đang ra sức củng cố sức mạnh quân sự và thực thi hàng loạt động thái gây hấn trong các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Trước tuyên bố mà ông Trump đưa ra về mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên cũng như các vấn đề châu Á khác tại cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, họ cảm thấy buồn vui lẫn lộn, theo Politico.
"Họ muốn biết đó có phải là một thay đổi cơ bản và là một hành động rút lui hay không", một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. Theo ông này, Nhật Bản và Hàn Quốc đã "phản ứng dữ dội" trước những bình luận sai lầm lặp đi lặp lại của ông Trump. Họ bất bình vì tỷ phú Mỹ cáo buộc họ không đóng góp tài chính cho chiếc ô an ninh của Mỹ tại khu vực.
Giới chức Mỹ đã phải nêu ví dụ về trường hợp của cựu tổng thống Jimmy Carter để xoa dịu những mối lo lắng. Khi còn là ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng năm 1976, ông Carter đã cam kết rút hết lính Mỹ khỏi Hàn Quốc nhưng sau đó lại không thực hiện.
"Nó từng gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong liên minh. Những người có tuổi vẫn nhớ điều đó", quan chức ngoại giao trên cho hay.
Hợp tác khi còn cơ hội
Mặt khác, nỗi lo lắng về Trump ở nước ngoài còn khiến các chính phủ nhiều quốc gia tỏ ra sốt ruột và muốn nhanh chóng ký kết những hiệp định mới với Mỹ, giới quan sát đánh giá.
Tại Bộ Năng lượng Mỹ, nơi thường xuyên tương tác, trao đổi với các quốc gia khác trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy an ninh hạt nhân hay hợp tác triển khai hàng loạt dự án năng lượng dân sự, những bất đồng sâu sắc nay giảm thiểu đáng kể, thay vào đó là thái độ hợp tác ở một mức độ khác thường, theo một quan chức hàng đầu Mỹ.
"Nó thực sự hướng mọi người vào việc hợp tác với chúng tôi", Thứ trưởng Năng lượng Mỹ Elizabeth Sherwood - Randall, nói.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Rehn, các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đang diễn ra rất tốt đẹp. "Ít nhất thì châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình này", ông cho biết.
"Họ nhận thấy rằng đây là chính quyền mà họ có thể hợp tác và họ không biết chính quyền tiếp theo sẽ như thế nào", một quan chức Mỹ bình luận.
Dù vậy, trên toàn thế giới, nhiều lãnh đạo vẫn đang cố gắng giải mã tính nghiêm túc trong phát ngôn của Trump. Một số tin rằng ông sẽ đi ngược lại những chính sách đã hứa trong quá trình tranh cử. Nhưng số khác lại lo lắng ông sẽ nhất quán thực thi vài cam kết. Các đồng minh Mỹ còn quan ngại về việc một trật tự thế giới mới sẽ hình thành nếu Trump giữ đúng cam kết trong quá trình tranh cử.
"Chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn ngày càng phức tạp nếu Trump nhất định thực hiện những gì ông ấy tuyên bố. Nếu ông ấy không làm, điều đó sẽ để lại một dấu hỏi lớn", ông Sandro Gozi bày tỏ.
Xem thêm: Liên minh chống Donald Trump chưa ra quân đã suy yếu
Duy Sơn