Thủ tướng tạm quyền của Ukraine, ông Arseny Yatsenyuk hứa rằng chính phủ sẽ làm hết sức để tránh vỡ nợ, nhưng đó là một nhiệm vụ khó khăn khi ngân khố của nước này trống rỗng và nền kinh tế đang bị xáo trộn.
Yatsenyuk nói ông hy vọng sớm có một gói hỗ trợ để ổn định kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng không nói rõ về thời điểm. Tăng cường quan hệ với EU và IMF sẽ vẫn là ưu tiên khi Ukraine tái thiết, Itar-Itass dẫn lời ông Yatsenyuk khẳng định tại Kiev hôm qua. Thủ tướng tạm quyền cũng cho biết, các thương lượng với Nga vẫn tiếp tục và ông coi nước láng giềng này là "một đối tác".
Hồi tháng 8 năm ngoái, IMF không thông qua được khoản vay trị giá 10-15 tỷ USD cho Ukraine, và hiện vẫn trong quá trình xem xét có thể làm gì cho chính phủ tạm quyền tại đây. Tuy nhiên, tháng 12/2013, Ukraine lại ký một khoản vay 15 tỷ USD với Nga. Ngay trong tháng đó, Ukraine nhận trước một khoản 3 tỷ USD. Bạo động dẫn tới việc Yanukovych ra đi khiến tiến trình chuyển ngân bị ngừng, bởi Moscow hiện không làm việc với chính phủ lâm thời ở Kiev.
Ông Yatsenyuk tin rằng khó khăn kinh tế phía trước có thể sẽ khiến ông trở thành thủ tướng tạm quyền kém uy tín nhất trong lịch sử Ukraine.
Ukraine đang có một khoản nợ khổng lồ, cả trong và ngoài nước. Việc can thiệp vào đồng nội tệ hryvnia (UAH) bị định giá quá cao đã làm cạn kiệt phần lớn dự trữ ngoại tệ quốc gia, hiện ở gần mức 15 tỷ USD. Nợ công của Ukraine chiếm 40,5% GDP. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương nước này, vào mùa hè năm nay, Ukraine sẽ phải trả một khoản nợ 60 tỷ USD, tức là bằng một phần ba nền kinh tế.
Trong tháng 2, Ngân hàng Trung ương Ukraine quyết định ngưng can thiệp vào đồng nội tệ, sẽ dẫn đến việc đồng tiền này tiếp tục mất giá. Trong năm nay, đồng UAH mất giá 20% so với USD, nhiều hơn bất kỳ đồng tiền nào của các nước đang phát triển. Năm ngoái, dự trữ ngoại hối giảm 28%, theo số liệu của Bloomberg.
Ukraine đang bị Cơ quan Xếp hạng Tín dụng S&P đánh giá là có thể bị vỡ nợ. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cũng nhận định, Ukraine có nguy cơ vỡ nợ cao và cũng giảm mức tín nhiệm xuống mức thấp nhất.
Tiền từ EU vẫn xa vời
Chính phủ tạm quyền của Ukraine cho biết nước này cần khoảng 35 tỷ USD để trang trải trong hai năm tới, nhiều hơn hẳn con số 15 tỷ USD mà Moscow đồng ý viện trợ cho Kiev hồi cuối năm ngoái.
Các nước phương Tây một lần nữa chào mời Ukraine đến với EU, và hiện tỏ ý sẵn sàng cấp cho nước này một khoản hỗ trợ tài chính nếu chính phủ mới được thiết lập. Để làm rõ thêm rằng Ukraine có thể an toàn và đủ khả năng trả nợ thông qua IMF, Mỹ cũng đề xuất khoản hỗ trợ cho nước này. Theo Reuters, các quan chức châu Âu còn tiếp cận Nhật Bản, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để có được khoản cứu trợ cho Ukraine.
Thế nhưng có được tiền không phải là việc dễ dàng. IMF trước đó nêu ra các yêu cầu, bao gồm cắt giảm trợ cấp năng lượng, cắt giảm chi tiêu của chính phủ và kiểm soát tham nhũng. Những điều khoản này có vẻ không thay đổi gì so với trước cao trào biểu tình, và sẽ không được nhiều người Ukraine ủng hộ. Một số nhà phân tích lại lạc quan đây là cách giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Ukraine, thứ khiến đất nước này trì trệ hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, William Engdahl, nhà phân tích địa chính trị kiêm cố vấn chiến lược rủi ro, nhận định, Ukraine sẽ chỉ nhận được "rất ít" từ Mỹ và EU. Trao đổi với RT, ông Engdahl phủ nhận vai trò của IMF, và khẳng định Washington mới là người "cầm lái". Những điều kiện IMF đưa ra là nhằm làm giảm sức mạnh các lĩnh vực kinh tế có kết nối với Nga từ thời Xô Viết.
Một câu hỏi lớn được đặt ra đó là Ukraine làm thế nào để cân bằng nhu cầu cải cách nền kinh tế, đặc biệt là ngành năng lượng nội địa, nhằm làm hài lòng IMF và châu Âu. Theo các điều khoản của hiệp định hợp tác kinh tế Ukraine - EU dự kiến được ký hồi tháng 11 năm ngoái nhưng bị ông Viktor Yanukovych bất ngờ bỏ qua, Ukraine phải đưa ra mức giá thị trường với người tiêu dùng trong nước, chứ không được đưa ra giá thấp, vốn bị cho là một sự trợ cấp ngầm. Thêm vào đó, Kiev cũng phải đảm bảo bất kỳ khoản năng lượng nào xuất khẩu cũng được định giá bằng mức trong nước.
Tất cả các điều kiện đó khiến các nhà làm luật của Ukraine đau đầu, bất kỳ lần tăng giá nào cũng dẫn tới tăng chi tiêu quốc gia. Đó là lý do vì sao IMF yêu cầu cải cách, nhưng cũng gây nên phản ứng dữ dội của dân chúng.
Nga nắm đằng chuôi
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev mới đây cho rằng chính phủ nước này phải cân nhắc liệu bất kỳ thỏa thuận mới nào của Ukraine với châu Âu có ảnh hưởng tới Nga hay không. Việc Ukraine có thể tham gia cả khu vực tự do thương mại của Nga và châu Âu hay không vẫn chưa được làm rõ.
Ông Ulyukaev cũng nói rõ khoản hỗ trợ 15 tỷ USD mà Nga hứa hồi mùa thu năm ngoái không phải là điều chắc chắn, bởi nó phụ thuộc vào "đối tác" của Nga ở Ukraine là ai. Tuần trước, thỏa thuận mua trái phiếu trị giá 2 tỷ USD bị Nga rút lại "do những bất ổn chính trị".
Kiev đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn.
Điều gì xảy ra với thỏa thuận ưu đãi mà thủ tướng bị phế truất Yanukovych ký với Nga hồi tháng 12/2013, gồm 15 tỷ USD cứu trợ và giảm 33% giá khí đốt? Cái giá của việc cải cách năng lượng và kinh tế theo yêu cầu của IMF và EU? Chính phủ tạm quyền đang rối ren chưa rõ làm gì với kế hoạch dài hạn của Ukraine, để nước này trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn hơn và thoát khỏi sự chi phối của Nga?
Trong ngắn hạn, Nga nắm những con bài đầy sức mạnh trong tay. Theo thỏa thuận ký tháng 12 năm ngoái, việc giảm giá khí đốt sẽ phải ký lại bằng thỏa thuận hai bên mỗi quý.
Trong tuần này, bộ trưởng năng lượng tạm quyền Ukraine nói rằng ông hy vọng giá khí đốt vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho hay, việc giảm giá khí đốt được duy trì theo thỏa thuận trên, và mỗi khi hết hạn phải đàm phán lại với chính phủ mới của Ukraine, "nếu có một chính phủ hợp pháp".
Nếu Ukraine ký hiệp định kinh tế với EU, nước này sẽ có được nguồn tài chính trong ngắn hạn và khu vực thương mại tự do cũng như visa không bị hạn chế. Tuy nhiên, Ukraine sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, đó là Nga sẽ dùng đòn bẩy năng lượng để đưa nước láng giềng trở về quỹ đạo của mình.
"Nếu Nga muốn làm khó Kiev, họ có rất nhiều cách. Nga có thể tăng giá khí đốt tới mức trước tháng 12 năm ngoái, tẩy chay hàng của Ukraine, thậm chí ngừng việc vận chuyển khí đốt", Steve Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine cho biết. Nga đang là bạn hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Ukraine. Nếu Moscow dựng lên các hàng rào phi thuế quan, Kiev sẽ mất đi một khoản tiền khổng lồ.
Nga kiểm soát phần lớn nền kinh tế Ukraine, trong đó ưu thế về nguồn cung khí đốt là lớn nhất. Nga từng cắt nguồn cung này vài lần trước đây. Giao dịch khí đốt giữa hai nước có thể coi là điểm chính trong trò chơi kéo co về ảnh hưởng của Nga.
Khánh Lynh (tổng hợp)