Tuy vậy, cách tiếp cận này nhiều lần bị thử thách bởi những tham vọng và cách hành xử của Trung Quốc, từ các vụ tấn công mạng, xây dựng tiền đồn quân sự trái phép trên Biển Đông tới quyết định thành lập một ngân hàng đầu tư châu Á gây tranh cãi.
Trong bối cảnh Mỹ vẫn đang tập trung chế ngự sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, những bất ổn gần đây với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một lời nhắc nhở. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Mỹ sẽ phải đối mặt với những rủi ro ngắn hạn khi đà phục hồi kinh tế Mỹ có thể bị kìm hãm, đồng thời thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu gặp bất ổn.
Theo Washington Post, cuộc khủng hoảng hiện tại là một minh chứng thích hợp cho thấy vì sao chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc luôn đòi hỏi sự tinh tế. Mỹ cần một Trung Quốc thành công và ổn định, nhưng lại e ngại tác động của thành công đó tới cán cân quyền lực, cả ở trong và ngoài nước.
Tiếng nói chống Trung Quốc
Trong vài phiên giao dịch gần đây, sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán tác động lớn tới một số công ty Mỹ có liên quan đến Trung Quốc, như General Motors, Cisco và Apple. Nó thổi bùng những tranh cãi về vấn đề việc làm, thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng như khoảng cách giàu - nghèo ngày một lớn, đang trở thành đề tài trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Ứng viên từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tìm cách khai thác sự lo lắng của người lao động Mỹ về tác động của toàn cầu hóa.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump một lần nữa khẳng định những chính sách mềm yếu khiến Mỹ quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông tin rằng kinh tế Mỹ đang phải trả giá. Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng viên đảng Dân chủ, cũng chỉ trích chính sách thương mại của Mỹ, đồng thời cáo buộc giới lãnh đạo doanh nghiệp giàu có "đang đưa việc làm sang Trung Quốc".
Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker, một ứng viên tranh cử khác, yêu cầu Tổng thống Obama nêu rõ những chính sách xương sống với Trung Quốc, và thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ là hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 9. Walker dẫn ra hàng loạt mâu thuẫn, bao gồm cả cáo buộc về việc Bắc Kinh phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu đang tụt dốc.
"Một trong những vấn đề của chúng ta đó là họ không tôn trọng ta", ông Walker khẳng định trong một cuộc tiếp xúc cử tri. "Điều này phát đi thông điệp rõ ràng rằng chúng ta mong chờ nhiều hơn ở Trung Quốc".
Những cảnh báo ngày một mạnh mẽ như trên đẩy Nhà Trắng vào thế phải chống đỡ, khi các cộng sự của ông Obama phải tìm cách xoa dịu những lời kêu gọi thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Nhà Trắng dẫn lại thông cáo của Bộ Tài chính, cảnh báo Bắc Kinh nên tránh có những bước đi đảo ngược quá trình cải cách nền kinh tế, theo hướng để thị trường làm chủ, thay vì nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
Phó chủ tịch Ruan Zongze từ Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một cơ quan trực thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc, chế giễu những tuyên bố chống Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ.
"Nhiều năm qua, những người bạn Mỹ vẫn nói với chúng tôi đây là giai đoạn đặc biệt", ông Ruan nói. "Đó là chính trị kiểu Mỹ. Tôi không để ý quá nhiều tới nó". Ông này cũng cho biết thêm, cứ mỗi 4 năm, các chính trị gia Mỹ chạy đua vào Nhà Trắng lại "muốn giành lợi thế từ việc chỉ trích và tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng hóa ra việc này không đem lại ích lợi gì".
Theo Ruan, người Mỹ "cần tập trung nhiều hơn vào kinh tế, tạo việc làm và nhiều vấn đề căn bản khác".
Nhiều khác biệt
Trong cuộc gặp thượng đỉnh tới đây, ông Obama và ông Tập được nhận định sẽ đề cao cam kết chung trong cắt giảm phát thải khí nhà kính và thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ, Trung Quốc và 4 bên đối thoại khác cùng soạn thảo. Tuy vậy, với hầu hết các vấn đề khác, từ nhân quyền tới hoạt động quân sự, tranh chấp chủ quyền trên biển hay chiến tranh mạng và sở hữu trí tuệ, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều khác biệt.
"Cái khó trong chính sách với Trung Quốc mà cả chính quyền Bush trước đây và chính quyền Obama hiện nay phải đối mặt đó là trả lời cho câu hỏi 'chúng ta muốn họ làm gì'", Philip Levy, nhà kinh tế học tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Bush, người từng hỗ trợ Thượng nghị sỹ John McCain trong chiến dịch tranh cử năm 2008, nhận định.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chính quyền Tổng thống Obama ủng hộ chương trình kích thích kinh tế lớn của Bắc Kinh, nhưng chính việc này dẫn tới nợ trong nước của Trung Quốc tăng nhanh, và giờ nó cần được kiểm soát, ông Levy bình luận.
"Trung Quốc đang mắc kẹt", Levy nói. Theo ông, Bắc Kinh phải lựa chọn giữa việc thắt chặt tiền tệ, đồng thời tuyên bố tăng trưởng tín dụng, đầu tư và chi tiêu công như vậy đã đủ mạnh, đang dẫn tới dư thừa năng suất hoặc trở lại nới lỏng chính sách và khẳng định các ngân hàng không cần phải dự trữ nhiều như hiện nay.
Vài tháng trở lại đây, Trung Quốc dường như đi theo hướng thứ hai. Chủ tịch Tập chấp nhận trì hoãn những biện pháp cải cách tài chính ông từng ủng hộ. Nhưng vẫn còn đó kế hoạch về Con đường tơ lụa mới, chương trình đầu tư hạ tầng được chính phủ tài trợ, quy mô lớn tương tự như những biện pháp kích thích kinh tế trước đây.
Theo bình luận viên David Nakamura và Steven Mufson, ở một mức độ nào đó, cán cân quyền lực trong quan hệ Mỹ - Trung có sự dịch chuyển ngay từ năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, khi ông chủ Nhà Trắng tới Bắc Kinh, họp thượng đỉnh với ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó cảm thấy phấn chấn bởi vị thế đang lên của nước này, đúng thời điểm Mỹ rơi vào suy thoái.
Năm nay, với tin tưởng kinh tế Mỹ ổn định trở lại, ông Obama đã thành công trong việc gây sức ép để Quốc hội Mỹ trao cho mình thêm quyền lực nhằm hoàn tất hiệp định đối tác thương mại với 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, nhắm mục tiêu ứng phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Phải đứng ngoài hiệp định này, Bắc Kinh đáp trả bằng việc cho ra đời Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), được nhiều đồng minh của Mỹ ủng hộ, trong đó có Anh, Đức và Hàn Quốc.
Hiện các đồng minh của Nhà Trắng cho rằng, chính quyền Tổng thống Obama nên tránh một cuộc đấu vô nghĩa với Trung Quốc, cho dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh các biện pháp cải cách kinh tế để duy trì quyền kiểm soát.
"Điều chúng ta cần ở Trung Quốc là một cách tiếp cận cân bằng hơn với vấn đề tăng trưởng", Jared Bernstein, người từng là trưởng nhóm cố vấn kinh tế của phó tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận xét. "Mô hình chú trọng xuất khẩu rõ ràng không phù hợp với Mỹ, hiệu quả của mô hình này với Trung Quốc cũng hạn chế".
Hoàng Nguyên (theo Washington Post)