Tổng thống Mỹ Barack Obama suốt nhiều tháng nay kiên trì với tuyên bố chiến lược đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) của ông đang dần phát huy hiệu quả. Theo thông tin mà Nhà Trắng liên tục đưa ra, lần lượt 40% và 20% lãnh thổ bị IS chiếm đóng ở Iraq và Syria đã được thu hồi. Các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng tiêu diệt hơn 10.000 tay súng, gây ảnh hưởng nặng nề cho phiến quân, theo Washington Post.
Tuy nhiên, đằng sau các phát ngôn hùng hồn ấy, người ta cũng thấy những mối e ngại, dù không công khai nhưng đang ngày một lớn thêm. "Đây có thể là xung đột phức tạp nhất trong thế hệ chúng ta", một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên bình luận.
Thực tế, các số liệu trên chiến trường đầy ấn tượng hay những lời kêu gọi nghe rất thuyết phục của chính quyền không đủ sức đập tan tâm lý hoang mang của người dân Mỹ nói riêng và dư luận toàn cầu nói chung, khi sự thật là khủng bố đang ngày càng manh động và vẫn có khả năng gieo rắc nỗi sợ hãi ở bất cứ đâu, từ Paris (Pháp), San Bernardino (Mỹ), cho đến Brussels (Bỉ), trái tim châu Âu.
Sau khi thủ đô Bỉ rung chuyển bởi ba vụ đánh bom tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm, trong một bài phát biểu ở Cuba, Tổng thống Mỹ Obama vẫn cho thấy một thái độ lạc quan không hề thay đổi. Ông nhấn mạnh "chúng ta đủ sức và sẽ đánh bại những kẻ đe dọa tới an ninh cũng như sự an toàn của người dân trên toàn thế giới".
Theo quan sát viên Greg Jaffe từ Washington Post, vấn đề cơ bản của Tổng thống Obama nằm ở việc ông có một niềm tin quá kiên định rằng nếu tiếp tục đẩy mạnh tấn công IS bằng các cách như điều động thêm binh sĩ hay tăng cường không kích sẽ chỉ đem lại những kết quả không mong muốn. Niềm tin này hình thành dựa trên bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan trước đây.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng đã vạch ra một số kế hoạch để đẩy nhanh các chiến dịch tấn công quy mô nhằm quét sạch IS khỏi sào huyệt Raqqa ở Syria, hay Mosul, Iraq. Những kế hoạch kể trên bao gồm gia tăng số lượng cố vấn Mỹ trên chiến trường, đưa họ đến gần tiền tuyến hơn hay nới lỏng các quy tắc tham chiến được đưa ra với mục tiêu hạn chế tối đa thương vong cho dân thường.
Nhưng ông Obama đã cự tuyệt tất cả, với lý lẽ rằng nếu quân đội chính phủ Iraq và Syria không đủ năng lực để giữ đất hay cung cấp viện trợ nhân đạo thì những thành quả thu về sẽ không thể duy trì lâu dài, các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho hay.
Thay vì tiến hành chiến dịch quân sự quy mô, vị tổng tư lệnh nước Mỹ lại chọn các biện pháp ít quyết liệt hơn, ví dụ như hỗ trợ đồng minh của Mỹ nâng cao năng lực thu thập tình báo hay tăng cường chia sẻ thông tin, giống hệt những gì Washington từng làm sau vụ khủng bố 11/9.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dành hàng trăm giờ để thảo luận với các đối tác Nga và Iran nhằm thống nhất một bản thỏa thuận "chấm dứt thù địch" giữa chính phủ Syria và các nhóm đối lập do Mỹ hậu thuẫn. Thỏa thuận tạm thời này phần nào giúp các bên đang tham chiến ở Syria gạt bất đồng sang một bên để cùng tập trung vào mục tiêu diệt trừ IS.
Trong khi đó ở quê nhà, ông Obama phải tìm mọi cách để dập tắt hoặc chí ít là hạn chế những lời kêu gọi gỡ bỏ mọi giới hạn đối với những chiến dịch oanh kích ở Syria hay cấm người tị nạn Syria vào Mỹ từ các ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa.
Hứng bão
Sau vụ khủng bố ở Brussels, phương pháp tiếp cận của ông Obama tiếp tục hứng "bão" chỉ trích từ các ứng viên đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng.
"Tổng thống Obama nghe và trông thật nực cười khi phát biểu tại Cuba, đặc biệt là dưới bóng đen của vụ tấn công ở Brussels", tỷ phú Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
"Chúng ta cần một tổng tư lệnh có khả năng làm mọi việc cần thiết để đánh bại kẻ thù", chứ không phải một bài thuyết giảng về làn sóng "ghét người Hồi giáo", thượng nghị sĩ Ted Cruz nhận xét.
Theo cây bút Jaffe, Tổng thống Obama luôn lo ngại về viễn cảnh các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu hay trên đất Mỹ có thể buộc ông phải dồn quân cho một cuộc chiến tranh diện rộng đắt đỏ ở Trung Đông. Nhưng trong tương lai gần, với sự lộng hành của IS như hiện nay, ông Obama nhiều khả năng sẽ phải triển khai thêm lực lượng đặc nhiệm để truy lùng và tiêu diệt các phần tử IS âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào châu Âu và Bắc Mỹ.
Nếu như vậy vẫn chưa đủ, Tổng thống Mỹ dường như sẽ phải lựa chọn việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện kế hoạch xóa sổ IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi tháng một thông báo Lầu Năm Góc đã và đang "tìm cách để gia tăng tiến độ ở Iraq và Syria", đồng thời kỳ vọng sẽ đẩy lùi IS khỏi Raqqa và Mosul vào cuối năm nay.
Để làm được điều đó trong thời gian ngắn, Washington cần thay đổi chiến lược chống khủng bố, song động thái này lại mang đến những mối nguy cơ lớn hơn cho các binh sĩ Mỹ.
Cho đến nay, bản năng chính trị của Tổng thống Obama vẫn mách bảo ông tránh thực hiện những hành động như thế. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ngài tổng thống quyết định đẩy mạnh các nỗ lực ở Iraq và Syria trong những tháng cuối nhiệm kỳ", Brian Katulis, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận định.
Nhưng nếu Tổng thống Obama không thay đổi sách lược, ông sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất, đó là đưa ra những lý lẽ phù hợp để thuyết phục công chúng Mỹ tin vào quyết sách của mình, Jaffe nhấn mạnh.
"Tổng thống nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng", ông Obama chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Atlantic. "Chẳng nghi ngờ gì khi cũng có lúc tôi thiếu sự thấu đáo về mặt cảm xúc, tình cảm và chính trị trong việc truyền đạt những gì chúng ta đang làm được và làm được như thế nào".
Điều khiến ông Obama đau đầu hơn cả vào lúc này là làm sao để vừa thể hiện được tinh thần quyết tâm chống IS nhưng cũng vừa cho công chúng thấy sự cần thiết của việc phải kiềm chế trong hành động ở Iraq và Syria trước bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố mới liên tục nổ ra, khiến dân chúng ngày càng lo âu và đề cao cảnh giác, Jaffe nhấn mạnh.
Vũ Hoàng