Khoảng cách giàu nghèo ngày một thể hiện rõ ở thành thị và nông thôn Trung Quốc. |
Đây không chỉ là hệ quả từ mức tăng trưởng cao của Trung Quốc. Nó còn do chính sách hạn chế luồng nhân công và các di sản khác của nền kinh tế kế hoạch trước đây, nhân tố có thể hãm phanh sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Để tăng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 2000 lên 4 lần vào năm 2020, Trung Quốc cần phải tiến hành những cải cách sâu rộng trên một loạt lĩnh vực.
Khi Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi khỏi kế hoạch tập trung năm 1978, mức thu nhập trung bình của cư dân thành thị gấp khoảng 2,5 lần so với người dân nông thôn. Giữa thập kỷ 1980, con số thu hẹp còn 1,8, do các hợp tác xã chấm dứt hoạt động và những chính sách nhằm tăng thu nhập ở nông thôn được thực thi. Tuy nhiên, kể từ đó, khu vực nông thôn tiếp tục tụt hậu hơn nữa. Các doanh nghiệp nông thôn bắt đầu phá sản vào những năm 1990 do cạnh tranh ngày càng gay gắt với thành phố, điều hành kém và các quyết định đầu tư sai lầm. Thu nhập từ công việc đồng áng không đáng kể. Số liệu thống kê cho hay cư dân ở đô thị có thu nhập gấp 3 lần so với người ở các vùng quê.
Trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng còn có thể tồi tệ hơn. Một số học giả Trung Quốc tin rằng các con số chính thức đã phóng đại thu nhập của nông dân, những người phải mua hạt giống, phân đạm và phải đóng nhiều khoản thuế má cho nhà chức trách địa phương, trong khi giảm bớt thu nhập của dân thành thị, đối tượng thường xuyên không công bố thu nhập từ đâu mà có. Lin Tai, giáo sư khoa học xã hội ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh), ước tính mức chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn là 6 lần. Sự khác biệt rõ rệt tương tự cũng đã xuất hiện giữa các tỉnh duyên hải giàu có và khu vực nội địa lạc hậu.
Khoảng cách thu nhập ngày một lớn thường được các quan chức Trung Quốc mô tả là mối nguy hiểm với an sinh xã hội. Theo "Nghiên cứu những sự kiện đại chúng", cuốn sách được phát hành hồi năm ngoái trong nội bộ lực lượng cảnh sát Trung Quốc, sự lo âu của đa số công chúng tăng theo mỗi năm, đặc biệt là ở nông thôn. Một trong những lý do mà tác giả đưa ra cho nhận định trên là khoảng cách ngày một lớn giữa người giàu và người nghèo. Tuy nhiên, điều đó có tác động không mấy đáng kể đối với ổn định xã hội và chính trị Trung Quốc. Một nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn có khả năng bắt nguồn từ tác động đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhân tố gây ra sự khác biệt thành thị - nông thôn ngày càng lớn với tốc độ chóng mặt đó.
Do thực thi một hệ thống hà khắc cấm người nông thôn chuyển vào thành phố trong nhiều năm, dân số nông thôn Trung Quốc chiếm phần đông khi đất nước bắt đầu phát triển. Khoảng 2/3 dân số sống ở nông thôn hoặc các thị trấn. Trong số đó, hơn 300 triệu người gần như hoặc hoàn toàn không có việc làm. Để tăng thu nhập từ nông nghiệp, các mảnh đất của những người nông dân phải được sáp nhập và lao động dôi dư chuyển vào các nhà máy sản xuất trong thành phố.
Trung Quốc đã dần dần giảm bớt hạn chế về vấn đề di chuyển để đáp ứng nhu cầu lao động không có chuyên môn ở các thành phố. Tuy nhiên, những trở ngại gián tiếp vẫn tồn tại, như thiếu nhà cửa với giá phải chăng, người nông thôn không được hưởng trợ cấp ở thành thị, chi phí lao động cao, khó khăn trong giấy phép cư trú và không có cơ chế nào bán hay cầm cố quyền sử dụng đất để người dân có tiền.
Loại bỏ những rào cản đó là một thách thức. Các quan chức lo ngại cho phép nông dân bán đất, thì an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng, gây bất ổn. Chính quyền các địa phương thì lo ngại về vấn đề ngày càng nhiều lao động từ nông thôn ra thành phố, gây sức ép quá mức ở thành thị.
Lao động nông thôn muốn làm việc được ở thành phố cần phải có tay nghề và kiến thức để tăng năng suất. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của Trung Quốc lại không phù hợp. Katarina Tomasevski, quan chức Liên Hợp Quốc phụ trách về quyền đi học, cho biết Uganda đang làm tốt hơn Trung Quốc ở lĩnh vực đảm bảo quyền được giáo dục của người dân. Đất nước châu Á chỉ chi 2% GDP vào giáo dục (Trung Quốc tuyên bố 3,4%, nhưng Liên Hợp Quốc khuyến nghị là 6%) và chính phủ chỉ cung cấp tài chính cho 53% số trường học, thấp hơn hầu hết các nước áp dụng chế độ phổ cập giáo dục.
Nguyễn Hạnh (theo Economist)