Phát biểu trước cử tri Mỹ tại bang Kentucky hôm 15/5, bà Clinton cho biết chồng mình sẽ "phụ trách việc hồi sinh nền kinh tế", đặc biệt là "tại những địa bàn như các hạt khai thác than và các thành phố sâu trong nội địa", New York Times đưa tin.
Trước đó, trong chuyến vận động bầu cử sơ bộ tại West Virginia, bà Clinton cũng tiết lộ chồng mình "phải thôi nghỉ hưu" và phụ trách vấn đề tạo việc làm. Bà không cung cấp chi tiết về việc ông chủ cũ của Nhà Trắng sẽ thích hợp với cương vị nào trong vai trò một người hoạch định chính sách của chính phủ tương lai, nếu bà đắc cử. Đây là điều chưa từng có trên chính trường Mỹ.
Tuần trước, khi được hỏi liệu ông Clinton có nắm giữ một vị trí nào đó trong nội các không, bà Clinton lắc đầu và nói "không".
Những người thân cận với bà Clinton cho biết vai trò của ông Clinton sẽ được xác định rất cụ thể, tập trung vào các khu vực bị ảnh hưởng vì khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất tại Mỹ, như các bang vành đai công nghiệp cũ ở vùng đông bắc, khu vực Great Lakes và Trung Tây. Đây là các bang từng có công nghiệp phát triển, trước khi kinh tế lao dốc, người dân di cư làm đô thị trở nên vắng vẻ, xuống cấp.
Những người này cũng bác bỏ đồn đoán rằng bà Clinton sẽ giao phó một phần quan trọng trong chính quyền của mình cho chồng.
Dù vậy, ngay cả việc hứa hẹn rằng ông Clinton sẽ được giao phụ trách một phần quan trọng trong các chương trình hành động của tổng thống cũng sẽ đặt ra những câu hỏi về việc những cách phân công này sẽ vận hành ra sao tại Nhà Trắng, vốn từ lâu phụ thuộc vào Bộ trưởng Tài chính và Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
"Hiện có những dấu hỏi quanh việc liệu một vai trò như vậy sẽ ăn nhập ra sao với các thành viên nội các hiện tại, những người được giao xử lý vấn đề kinh tế", Austan D. Goolsbee, cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, và là giáo sư Đại học Chicago, cho biết.
Lấy lòng cử tri
Tuyên bố về vai trò dự kiến của ông Clinton trong chính quyền của bà Hillary được đưa ra trong bối cảnh cựu ngoại trưởng đang chuẩn bị ứng phó với đối thủ phía đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump. Theo tính toán của hãng tin AP, ông Trump đã giành đủ số phiếu để trở thành ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống.
Nỗ lực này của bà Clinton cũng nhằm giành sự ủng hộ lớn hơn từ những người lao động da trắng. Nhìn chung, những người này có quan điểm khá tích cực với ông Clinton, nhưng lại nhìn bà Hillary với ánh mắt hoài nghi.
Phong cách giàu cảm xúc của ông Clinton dường như lôi cuốn các cử tri là người lao động hơn so với bà Hillary. Khoảng 55% cử tri Mỹ trong các khảo sát trên phạm vi toàn quốc hồi tháng hai cho biết họ không tin rằng bà Clinton "quan tâm đến những người như mình".
Ngoài ra, những thành quả trước đây của ông Clinton, với một ngân sách cân bằng, tạo ra 22,7 triệu việc làm và giúp 7,7 triệu người thoát nghèo, rõ ràng sẽ giúp ích cho bà Clinton nhiều hơn so với kết quả của chính quyền Tổng thống Obama. Dưới thời ông Obama, tăng trưởng kinh tế chủ yếu có lợi cho giới giàu.
"Tuyên bố của bà Hillary rằng nếu đắc cử tổng thống, bà sẽ đưa ông Bill Clinton 'phụ trách hồi sinh nền kinh tế' cho thấy bà ấy không còn ca ngợi những thành công về kinh tế của ông Obama, hay muốn mình có liên quan gì đến chính sách ấy", Robert B. Reich, cựu bộ trưởng lao động dưới thời ông Clinton, nhận xét.
Nhưng cùng với những lợi ích có được từ việc dựa vào ông Clinton, chiến thuật của bà Clinton có thể khiến đối thủ Donald Trump có thêm cơ hội tấn công. Ông Trump là người công khai chỉ trích những chuyện cá nhân của cựu tổng thống.
Tỷ phú bất động sản cũng nhắm vào các chính sách thương mại của chồng bà Hillary, bao gồm Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, do ông Clinton phê chuẩn năm 1993. Đạo luật này bị nhiều cử tri tin rằng đã khiến người lao động Mỹ chịu thiệt.
Bà Clinton đã nắm lấy những di sản về kinh tế của chồng, sau khi liên tục vấp phải thách thức từ đối thủ trong đảng Dân chủ, Bernie Sanders, cũng như những người theo đường lối tự do trong đảng. Khi bất bình đẳng kinh tế trở thành mối quan tâm chính của cử tri Dân chủ, bà đã tìm cách tránh xa chuyện dỡ bỏ các quy định pháp lý cho phố Wall, cũng như các chính sách thương mại gắn với những năm 1990.
Bà Clinton thường nói rằng bà không phải đang vận động tranh cử để chồng có thể làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, nhưng bà vẫn dựa rất nhiều vào thành quả các chính sách kinh tế của chồng.
"Việc làm, việc làm, việc làm", bà Clinton nói trên một chương trình truyền hình, về việc ông Clinton sẽ đóng góp về khía cạnh gì ở Nhà Trắng. "Không ai từng làm việc đó tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, giúp thu nhập gia tăng. Tôi muốn nghe lời khuyên của ông ấy về việc làm thế nào chúng ta lặp lại những điều đó trong tương lai", bà Clinton nói.
Trong lúc bà Clinton dành nhiều thời gian trong các cuộc vận động bầu cử sơ bộ để phản đối những tác động một phần từ đạo luật hình sự 1994, và cuộc cải tổ hệ thống an sinh xã hội năm 1996, vốn khiến ngân sách liên bang dành cho hỗ trợ người nghèo bị cắt giảm gần 55 tỷ USD trong vòng 6 năm, giờ bà có thể yên tâm hơn khi nắm lấy thành tích của chồng trong những năm tại vị, những người ủng hộ đảng Dân chủ đánh giá.
Các cố vấn của bà Clinton cho biết lợi ích từ việc sử dụng ông Clinton, đặc biệt trong kỳ tổng tuyển cử, sẽ vượt xa bất kỳ rắc rối tiềm tàng nào có thể đi kèm, mà tỷ phú Trump đang có ý định khai thác.
Kết quả khảo sát cho thấy mức cử tri có quan điểm tích cực với ông Clinton còn cao hơn cả bà Hillary lẫn tỷ phú Trump. 56% cử tri đã đăng ký đi bầu có cái nhìn thiện cảm về cựu tổng thống.
Tuy nhiên, nếu bà Clinton dựa hẳn về phía chồng trong vấn đề kinh tế, cựu tổng thống có lẽ sẽ cần cập nhật cách tiếp cận của mình, NYTimes nhận xét.
Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày một tăng, trong khi lương của tầng lớp trung lưu hầu như dẫm chân tại chỗ trong 15 năm qua, bà Clinton đang đề xuất một chương trình nghị sự kinh tế mang màu sắc dân túy, và dựa nhiều vào chính phủ. Trong khi đó, ông Clinton tiếp cận theo hướng tập trung giảm thâm hụt ngân sách và cải cách phúc lợi xã hội.
"Bill Clinton hiểu rõ rằng kinh tế đã thay đổi nhiều so với những năm 1990", Alan B. Krueger, giáo sư kinh tế học Đại học Princeton nói. "Ông ấy sẽ đề xuất những chính sách giúp củng cố nền kinh tế, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu trong bối cảnh hiện nay".
Xem thêm: Donald Trump có thể khiến Mỹ suy yếu như thế nào
Hoàng Nguyên