Người đàn ông 42 tuổi, với đôi tay đầy những vết cào xước, rướn mình kiểm tra "lò mổ" tại gia, vốn là một cái hiên nhà bằng bê tông nằm ngay sát con ngõ nhỏ, được lấp đầy bởi những thi thể động vật trụi lông, gớm ghiếc.
Cách đó vài bước chân là một chiếc lồng sắt nhỏ, nhốt 5 con chó đang ngồi kế bên nhau, run rẩy và đầy sợ hãi. Vài con trong số đó vẫn đeo nguyên vòng cổ, chứng tỏ nó từng là thú cưng của một ai đó.
Tùng bước tới phía cái lồng, lôi ra một con chó, vuốt ve và xoa đầu nó với vẻ ân cần của một con người nhân hậu. Ngay khi con vật bắt đầu vẫy đuôi, Tùng liền giơ chiếc gậy kim loại đang cầm sẵn trong tay và giáng một cú chí mạng vào đầu nó, rồi đóng sầm cánh cửa sắt trước ánh mắt hoảng loạn của những con vật còn lại.
Cách không xa nhà Tùng, ở phía bắc quận Cầu Giấy, Hà Nội, có một nhà hàng đặc biệt, nơi chỉ phục vụ một món ăn duy nhất, là thịt chó. Loại thực phẩm này được chủ nhà hàng chế biến theo rất nhiều cách, từ hầm, nướng, cho tới tiết canh và dồi. Là một trong những nhà hàng thịt chó nổi tiếng nhất Hà Nội, nhà hàng tọa lạc bên một con kênh yên tĩnh và phục vụ thực khách bất kể ngày đêm.
"Việc này có vẻ khá kỳ quặc, khi một người nuôi chó như tôi lại ngồi đây và ăn thịt chó", Đức Cường, một bác sĩ 29 tuổi, nói trong khi đang gật dù thưởng thức món thịt chó ăn kèm húng quế. "Nhưng tôi không thấy có vấn đề gì khi ăn chó của những người khác", anh cho biết sau khi nuốt miếng thịt gọn lỏn và hắng giọng: "Thịt chó vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe".
Dù không rõ việc ăn thịt chó bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào, nhưng ai cũng biết việc tiêu thụ loại thực phẩm này, nhất là ở miền bắc, là hiện thân của một truyền thống lâu đời. Theo các nhà bảo vệ động vật, có khoảng 5 triệu con chó bị giết thịt ở Việt Nam mỗi năm. Thịt chó là món ăn đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi lên kế hoạch cho những bữa nhậu, họp mặt gia đình, cũng như vào các dịp đặc biệt. Theo đông y, món ăn này giúp đàn ông tăng cường thể lực, sinh nhiệt và làm ấm cơ thể. Nó cũng giúp người Việt Nam đổi món, khi đã chán ngấy thịt lợn, gà hay bò.
Nhiều người thậm chí còn tin rằng, con vật bị hành hạ càng nhiều trước khi chết thì thịt của nó càng ngon. Điều này phần nào giải thích cho cách những con chó bị sát hại ở Việt Nam, hoặc bằng một cú đánh chí mạng vào đầu, như Tùng vẫn làm, hoặc chọc tiết hay thiêu sống.
"Tôi từng ghi lại cảnh những con chó bị ép ăn gan ngỗng trước khi chết", John Dalley, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận, nhằm ngăn chặn việc kinh doanh thịt chó ở Đông Nam Á, mang tên "Quỹ Soi Dog" có trụ sở ở Thái Lan, cho biết. "Họ còn tìm cách nhét một cái ống vào dạ dày của những con chó, rồi bơm gạo sống cùng nước vào đó để tăng trọng lượng của chúng", Dalley nói.
Là một đồ tể lành nghề, Tùng chọn cách đơn giản hơn để kiếm lời, đó là "đặt một hòn đá vào miệng chúng", anh ta nói, trước khi mở cửa lồng và đập chết nó.
Theo thống kê của chính phủ, có khoảng 10 triệu con chó đang sống ở Việt Nam, nơi thịt của chúng có giá đắt hơn thịt lợn. Nhu cầu ngày càng tăng khiến giới kinh doanh buộc phải tìm nguồn cung ở các làng quê, nơi chó thường được thả rông, thông qua những tay trộm chó. Tình trạng này bị đẩy lên cao tới mức, nhiều tên trộm còn bị đánh tới chết, trước sự giận dữ và dồn nén của người dân. Khi nguồn cung trong nước không đảm bảo, thì người ta buộc phải tìm tới thị trường nước ngoài. Vậy là một đường dây kinh doanh chó xuyên quốc gia được thành lập, với khoảng 300.000 con được "vượt biên" mỗi năm, từ Thái Lan, qua Lào, tới Việt Nam, trong tình trạng đói khát, bệnh tật.
Tham quan làm ngơ - Mafia hậu thuẫn
Nhờ sự quản lý của một tập đoàn mafia xuyên quốc gia, cùng sự "chống lưng" của các tham quan mê tiền, nên việc kinh doanh thịt chó ở Đông Nam Á gần như không gặp bất cứ rào cản nào.
"Ban đầu chỉ là chuyện buôn bán đơn thuần", Roger Lohanan, một thành viên của Hiệp đội Bảo vệ Động vật Thái Lan, có trụ sở ở Bangkok, nói. "Nhưng hiện tại nó đã trở thành một ngành xuất khẩu chủ lực. Chó là mặt hàng không bị đánh thuế, và lợi nhuận từ việc buôn bán chúng có thể lên tới 500%. Ai cũng muốn được hưởng lợi."
Là một thị trấn nhỏ bé, yên bình ở Sakon Nakhon, miền đông bắc Thái Lan, Tha Rae sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu người dân ở đây không chọn làm giàu bằng cách buôn bán thịt chó. Được mệnh danh là "Ngôi làng Đồ tể", Tha Rae bắt đầu nổi tiếng khắp Thái Lan từ 150 năm trước, khi một nhóm người Việt chuyển tới nơi này. Hiện tại, có khoảng 5.000 người, chiếm khoảng 1/3 dân số Tha Rae, chọn việc buôn lậu, trộm cắp hoặc giết thịt chó là nghề tay trái.
Chính phủ Thái Lan coi việc vận chuyển chó không có giấy phép tiêm chủng là phạm pháp, cũng như việc buôn lậu chúng sang Lào mà không có tài liệu thuế và hải quan. Ăn thịt chó không phạm pháp, nhưng đó là việc làm đặc biệt nhạy cảm, đặc biệt tại những khu vực có nhiều nhà hoạt động vì quyền động vật. Tuy nhiên, ở Tha Rae, nơi các quầy hàng thịt chó được bày bán ngay trên vỉa hè, không xa nơi tọa lạc của tòa nhà thị chính, thì đây lại là chuyện rất bình thường. Mỗi kilogram thịt chó được bán với giá từ 200.000 đồng. Từ đầu, mình, cho tới tứ chi và các bộ phận của con chó đều được bán ở đây, và "bạn có thể nấu bất cứ kiểu nào cũng được", một tiểu thương nói.
Bất chấp luật chống buôn lậu, một lượng lớn chó vẫn bị chuyển ra ngoài biên giới Thái Lan mỗi năm, bởi sự bàng quan của các quan chức. "Chúng tôi biết những kẻ ấy, biết nơi họ sống, biết tên của họ. Chúng tôi còn có cả ảnh làm bằng chứng", Edwin Wiek, người đồng sáng lập Liên minh Hoạt động vì Động vật, một tổ chức từ thiện có trụ sở ở Thái Lan, nói. "Nhưng họ vẫn buôn lậu được vì đã chi rất nhiều tiền hối hộ. Chừng nào họ còn chi tiền, chừng đó giới chức còn làm ngơ."
Tuy nhiên, không phải ai cũng tệ như giới chức Tha Rae, và lực lượng Hải quan Hoàng gia Thái Lan là một trong số đó. Họ từng chặn một lô hàng chứa gần 2.000 con chó hồi tháng 4, và một lô khác gồm 3.000 con vào tháng 5, khi chúng đang bị xếp chồng lên nhau để đưa sang Lào. Người đứng đầu lực lượng này là thống đốc Surasak Suwanakesa, 45 tuổi, tổng chỉ huy đơn vị tuần tra khu vực ven sông Mê Kông. Mong muốn của ông là chấm dứt hoàn toàn nạn buôn chó ở khu vực. "Đó thực sự là một nỗi xấu hổ", ông vừa nói vừa lắc đầu.
"Những con chó được mua hoặc bắt trộm, sau đó bị bán với giá 200 bạt (khoảng 105.000 đồng) mỗi con, rồi gửi tới Tha Rae. Từ đây, những con có kích thước lớn sẽ được chuyển tới Baan Pheng, một tỉnh miền bắc Thái Lan, trước khi bị đưa sang Trung Quốc. Những con nhỏ hơn sẽ bị đưa sang Việt Nam. Chỉ 5 phút trên sông, và giá của chúng sẽ tăng gấp 10 lần. Đó chính là lý họ lao vào làm việc này."
Các nhà hoạt động cho biết, các tên trộm chó thà nộp phạt rồi tái phạm còn hơn là bỏ nghề. Họ không hề hoạt động đơn lẻ, mà được giật dây bởi cả một tập đoàn mafia. Tổ chức này, theo ông Wiek, thường kiếm được gfần 2 triệu USD mỗi năm nhờ việc buôn bán chó. Với nguồn lợi khổng lồ như vậy, không lý gì mà họ lại để những người như ông Surasak, cùng lực lượng của ông, ngáng đường.
"Chúng treo thưởng 4 triệu bạt (gần 3 tỷ đồng) cho kẻ nào có được cái đầu của người tiền nhiệm tôi. Không biết đầu tôi đáng giá bao nhiêu", ông hài hước đùa, nói thêm rằng nỗ lực của ông và các đồng sự là rất hiếm hoi. "Thường thì mỗi văn phòng chính phủ có liên quan sẽ nhận được khoảng 20.000 bảng Anh (khoảng 700 triệu đồng) tiền hối lộ. Điều thú vị nhất trong công việc này là chỉ sau ba năm "cống hiến", bạn đã có thể kiếm được hàng triệu bảng tiền đút lót."
Đường tới địa ngục
Để sang được Việt Nam, những con vật tội nghiệp phải ngồi chui rúc trong những chiếc lồng sắt, vượt hàng nghìn kilometre từ Thái Lan, qua sông Mê Kông sang Lào, rồi từ Lào đi dọc Quốc lộ 8 sang thành phố Vinh, Nghệ An. Mỗi chiếc lồng thường chứa từ 12 tới 15 con, 6 tới 8 chiếc trên một xe, với tổng trị giá vào khoảng 13 triệu đồng.
Bằng tiền, biển số giả và hệ thống định vị toàn cầu, những kẻ buôn lậu không phải đối mặt với bất cứ khó khăn gì ngoài một hành trình rộng mở trước mắt. "Một khi sang được Lào, không gì có thể ngăn cản chúng", một quan chức giấu tên Thái Lan nói.
Những kẻ buôn lậu, nếu có, thường nghỉ chân ở Lak Sao, thành phố cuối cùng ở Lào trước khi chạm tới biên giới Việt Nam. "Chưa thấy xe đã thấy tiếng", một người dân địa phương đùa, nói về cách dòng xe buôn lậu tiến vào thành phố giữa đêm, hòa cùng tiếng sủa của những con thú đáng thương.
"Chú của bạn cháu thỉnh thoảng cũng giúp chuyển lũ chó vào vào xe tải khi ông ấy không phải làm ruộng", một thiếu niên trên chiếc xe khách đi sau đoàn buôn lậu, nói.
Rời Lak Sao, đoàn xe tiến vào một vùng núi hoang vu, trước khi chạm mốc biên giới Việt - Lào. Duong Nguyen, 38 tuổi, một lái xe khách, người đêm nào cũng đi 6 tiếng từ Vinh về Hà Nội, nói. "Những chiếc xe đó thường chở đầy chó, nhưng gần đây tôi còn thấy cả mèo", anh nói.
Món ngon khoái khẩu
Tại Hà Nội, thịt chó xuất hiện ở khắp mọi nơi. Dọc phố Tam Trinh, phía nam thành phố, hàng chục quầy hàng được bày bán san sát trên các vỉa hè. Chủ nhân của chúng, thường là thanh niên, luôn tay chặt thịt, tẩm ướp và bán hàng, cho biết họ chỉ nghĩ đến chất lượng của những con chó chứ chẳng quan tâm tới việc chúng xuất xứ từ đâu. Tại cửa hàng của bà Hoa Mo, một phụ nữ 63 tuổi, người đã dành cả cuộc đời cho nghiệp bán thịt chó, một thanh niên, tay đưa tiền, tay xách túi chân chó, hớn hở kể: "Vợ tôi mới sinh con nhưng cô ấy ít sữa quá. Đông y bảo có thể giúp phụ nữ thêm sữa bằng cách ninh nhừ chân chó. Tôi mua luôn 12 chiếc".
Quyền sở hữu vật nuôi vẫn còn khá mới mẻ đối với người Việt Nam. Không giống phương Tây, người Việt nuôi chó vừa để giữ nhà, vừa để lấy thịt. Để thay đổi thói quen này, các nhà hoạt động đã chọn cách nhấn mạnh tác hại của thịt chó đối với con người. Những con vật này có thể mang theo vi rút tả, sán hoặc bệnh dại, một nhà hoạt động nhấn mạnh.
Hà Nội từng đăng cai hội nghị quốc tế đầu tiên về việc kinh doanh thịt chó hồi tháng 8 vừa qua. Tại đây, giới lập pháp và các nhà hoạt động 4 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã đồng thuận về một kế hoạch 5 điểm, trong đó cấm vận chuyển chó vì mục đích thương mại qua biên giới trong 5 năm, nhằm nghiên cứu mối liên hệ giữa việc này và sự lan truyền bệnh dại.
Tuy nhiên, theo Dalley, thỏa thuận này không giúp ích nhiều cho việc đẩy lùi hoạt động buôn bán và sát hại chó. "Giới buôn lậu đã tìm ra biện pháp thay thế, bằng việc giết thịt chó ngay tại Thái Lan rồi vận chuyển chúng trong tình trạng là xác động vật", ông cho biết, nói thêm rằng "nhiều khả năng sang năm sẽ có một hội nghị ở Bangkok bàn về chuyện này. Sẽ thật xấu hổ nếu họ vẫn để mặc nạn buôn chó hoành hành".
Chó là đồ ăn hay không
Trong số các quốc gia có liên quan tới đường dây buôn lậu chó, Thái Lan là nước đặc biệt quan tới vấn đề này. Sau khi được lực lượng hải quân của Surasak giải thoát, những con chó may mắn được đưa tới một trang trại của chính phủ ở Nakhon Phanom, cách căn cứ hải quân một giờ về phía bắc. Tại đó, chúng được điều trị trước khi chuyển tới các trang trại khác trên khắp đất nước. Gần 5.000 con chó, phần lớn được cứu sống từ những tay buôn lậu, giờ đang sống ở đó. Nhưng chỉ một lượng nhỏ trong số đó được về với chủ cũ hoặc nhận nuôi, và trung bình mỗi ngày vẫn có 30 con bị chết vì bệnh tật.
Trước thông tin này, Dalley cùng tổ chức của ông đã tăng cường hỗ trợ thêm thức ăn, dược phẩm và tình nguyện viên tới các trang trại để giúp đỡ lũ chó. "Phần lớn trong số chúng sẽ chẳng bao giờ được nhận nuôi", Dalley nói trong khi đi dọc khu trại, bị bao phủ bởi tiếng sủa và mùi hôi thối từ gần 2.000 con chó xấu số. Nhiều con chó vẫn còn đeo vòng cổ, ngoan ngoãn và khá đẹp mã. "Có nhiều con rất đẹp, nhưng người ta chẳng thích nhận chúng vì xuất xứ không rõ ràng. Việc tìm nhà cho hàng nghìn con chó gần như là bất khả thi."
Không thể tin rằng những con vật này có thể trở thành đồ ăn, không phải bởi chúng là chó, mà bởi chúng quá gầy gò và yếu ớt. Con thì gãy chân, con thì bị ghẻ, rụng lông và xấu xí. Chỉ với 12 nhân viên để chăm sóc 2.000 con chó vô gia cư, việc này giống như một canh bạc không lối thoát.
Theo Bhumiphat Phacharasap, một chính trị gia, thì cách tốt nhất để ngăn chặn việc này là coi thịt chó, mèo như một loại thực phẩm đích thực, như thịt lợn, thịt bò và thịt gà. "Hãy đảm bảo rằng chúng khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ và có giấy phép xuất khẩu, cũng như không bị tra tấn hoặc làm tổn thương trong quá trình vận chuyển. Hãy đối xử với chúng theo cách chúng ta đối xử với bò, lợn, gà", ông nói, nhưng cũng chỉ ra rằng, nếu làm theo cách này, "chúng ta sẽ bị chỉ trích, tẩy chay và cô lập với phần còn lại của thế giới".
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc ăn thịt chó là vô đạo đức, bởi chó là bạn của con người, chúng thông minh và rất có ích. Đáp lại, những người ủng hộ ý kiến của Bhumiphat Phacharasap lại lập luận rằng, làm thế là đạo đức giả, bởi lợn thậm chí còn khôn ngoan hơn chó, vậy mà con người vẫn ăn thịt xông khói hàng ngày mà đâu có nghĩ ngợi nhiều.
Để minh chứng cho lý lẽ này, nhà văn Jonathan Safran Foer, trong cuốn sách Eating Animals (tạm dịch: "Ăn thịt Động vật") của mình, đã viết rằng "Nếu chúng ta cứ để mặc những con chó tự do sinh sản mà không hề can thiệp, chúng sẽ tạo ra một nguồn cung bền vững mà không cần chăm sóc quá nhiều".
Lập luận này đặt ra khá nhiều sự tranh cãi, nhất là khi nó liên quan tới sự khác biệt về mặt văn hóa, như triết gia người Australia Peter Singer từng nói hồi năm 1975: "Việc lên án những pha đấu bò ở Tây Ban Nha, chuyện ăn thịt chó ở Hàn Quốc hay giết thịt hải cẩu ở Canada, trong khi vẫn không ngừng thu lượm trứng từ những con gà mái, vốn đã bị giam cầm cả đời trong những chiếc lồng chật chội, chẳng khác nào việc phản đối chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi trong khi vẫn luôn miệng yêu cầu hàng xóm không được bán nhà cho người da đen".
Đối với người Việt Nam, những câu chuyện mang tầm vĩ mô này dường như không nhận được nhiều sự chú ý. Đáp trả câu hỏi của phóng viên về suy nghĩ của bản thân khi phải ăn thịt một con chó của ai đó, bác sĩ Đức Cường thẳng thắn bộc bạch: "Tôi chả quan tâm, vì nó có phải chó của tôi đâu".
Quỳnh Hoa (Theo The Guardian)