Paul Bremer, người đứng đầu cơ quan dân sự tái thiết Iraq, tuyên bố sau cuộc vây ráp ở Mosul: "Đây là một ngày vĩ đại đối với nhân dân Iraq, một ngày vĩ đại đối với quân đội Mỹ, những người một lần nữa thể hiện sự chuyên nghiệp đến tuyệt vời". Tổng thống Mỹ ca ngợi rằng ngày (mà Uday và Qusay chết) đã tái khẳng định những quân nhân Mỹ "đang theo đuổi một sự nghiệp cao quý, công bằng và quan trọng đối với an ninh của nước Mỹ".
Những người đó đã quên mất thực tế ô nhục là cuộc chiến này được phát động bởi chính quyền Mỹ, với lý do là mối đe doạ từ vũ khí hóa sinh và nguyên tử của Iraq. Tuần trước, khi tìm cách đổ cuộc chiến lên đầu Saddam, ông chủ Nhà Trắng nói: "Chúng ta đã cho ông ta một cơ hội để đoàn thanh sát vào, nhưng ông ta không cho họ vào. Và vì thế, sau khi đã đưa ra yêu cầu hợp lý, chúng ta quyết định loại trừ ông ta khỏi ghế quyền lực".
Thực tế là Saddam Hussein, bị bao vây bởi 200.000 quân Mỹ và Anh, đã cho phép các thanh sát viên vũ khí vào tìm kiếm ở Iraq. Và các nhân viên Liên Hợp Quốc bị buộc phải rời nước này khi chính quyền Bush tuyên bố chiến tranh sắp bắt đầu.
Năm 1976, Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra một sắc lệnh cấm ám sát. Tuy nhiên các đời tổng thống sau đó đã phớt lờ. Năm 1986 dưới thời Ronald Reagan, lực lượng Mỹ ném bom giết chết con gái một tuổi của nhà lãnh đạo Lybia Muammar el-Qaddafi. Thời Clinton, NATO bỏ bom nhằm vào phòng ngủ của tổng thống Serbia Slobodan Milosevic. Sau những vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya, Clinton ra lệnh cho tên lửa hành trình tấn công trại của Osama bin Laden ở Afghanistan. Vị (cựu) tổng thống nói: "Thật không may, chúng tôi đã để sổng hắn".
Tháng 10 năm ngoái, khi các phóng viên hỏi cuộc chiến Iraq sẽ tiêu tốn của Mỹ bao nhiêu tiền, thư ký báo chí Nhà Trắng Ari Fleischer đáp: "Giá của một viên đạn, nếu người Iraq tự gánh lấy, sẽ rẻ hơn rất nhiều".
Tổng thống Bush đã gánh trách nhiệm cung cấp đạn. Hiển nhiên là có rất nhiều người Iraq vui mừng vì cái chết của hai con trai Saddam. Nhưng cái cách mà sự việc diễn ra có thể gây tổn hại tới thanh danh của một lực lượng quân sự hùng mạnh.
Hôm 23/7, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Iraq, tướng Ricardo Sanchez, được hai phóng viên hỏi liệu cuộc vây ráp ở Mosul có thực sự là chuyên nghiệp hay không. Phóng viên thứ nhất đặt câu hỏi rằng có phải đặc vụ đã thất bại, nếu xét đến tầm quan trọng của Uday và Qusay, và việc hai anh em chỉ mang vũ khí hạng nhẹ. Các quan chức Lầu Năm Góc cho hay binh lính Mỹ tấn công ồ ạt vào toà biệt thự, sau khi anh em Hussein bắn trả. Sanchez khẳng định: "Tôi sẽ không bao giờ coi đó là một thất bại".
Phóng viên thứ hai nói: "Người Mỹ là những chuyên gia về bao vây, cầm giữ, thậm chí có thể bao vây cả tuần cho đến khi đối tượng ra hàng. Chắc chắn là liên quân có thể khai thác lượng thông tin khổng lồ từ hai con trai của Saddam, ngoài ra còn khả năng đưa họ ra toà án xét xử tội phạm chiến tranh. Vì thế các ông có khả năng giành chiến thắng lớn hơn nhiều nếu tổ chức bao vây và chờ họ lộ diện, cho dù họ có sẵn sàng nổ súng".
Sanchez trả lời: "Đó chỉ là suy đoán".
Phóng viên nói: "Không thưa ngài, đó là một câu hỏi về chiến thuật. Đáng ra ngài cần xem xét điều này nghiêm túc hơn so với những gì vừa nói".
"Phải, cái đó đã được xem xét", ông Sanchez đáp. "Và chúng tôi đã chọn cách hành động đó".
Phóng viên tiếp tục: "Vì sao, thưa ngài?"
Sanchez: "Câu hỏi tiếp theo, xin mời?". Một lần nữa, nước Mỹ đã không trả lời.
T. Huyền (theo The Boston Globe)