Thái Bình Dương được coi là động mạch chủ của nền kinh tế toàn cầu, nằm dưới sự khống chế của Hải quân Mỹ từ Thế chiến II đến nay. Sau khi Mỹ - Trung bình thường hóa quan hệ, Washington công nhận địa vị chính thức của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Ngược lại, Bắc Kinh cũng tôn trọng địa vị chủ đạo của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương.
"Thỏa thuận ngầm bất thành văn này đang dần tan vỡ. Trung Quốc muốn có sức ảnh hưởng chính trị và quân sự tại khu vực phù hợp với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của họ", bình luận viên Geoff Dyer thuộc tờ Financial Times nhận định.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc không ngừng tiến hành hiện đại hóa quân đội, với dự toán ngân sách quốc phòng năm 2014 lên đến 131,5 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm ngoái. Trong đó, tăng cường sức mạnh hải quân là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Giới phân tích chiến lược nhận định rằng hàng loạt các mẫu chiến hạm mới, tàu ngầm tàng hình và hệ thống tên lửa tầm xa của Hải quân Trung Quốc đều nhằm hạn chế khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương.
"Quân đội Trung Quốc dành 90% thời gian để suy nghĩ làm thế nào bắn hạ máy bay và tàu chiến của chúng tôi", BBC dẫn lời tướng Dennis Blair, cựu tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết.
Trung Quốc mong muốn thay đổi tương quan lực lượng tại Thái Bình Dương thông qua việc dồn lực phát triển hải quân. Bắc Kinh cũng dần rời xa chính sách đối ngoại "ẩn mình chờ thời" - chủ thuyết cho rằng quốc gia này cần bình tĩnh quan sát cục diện thế giới, tạo dựng môi trường ổn định, để tập trung phát triển nội lực.
Chính sách mới chủ động hơn, mang tính khuếch trương và thậm chí là hung hăng, thể hiện trong việc Trung Quốc chiếm bãi đá Scarborough/Hoàng Nham tranh chấp với Philippines năm 2012, đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng Không trên Hoa Đông cuối năm 2013 và gần đây nhất là hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chiến lược biển của Trung Quốc bao gồm cả nhân tố chiến lược và nhân tố lịch sử. "Trung Quốc luôn nhắc đến lịch sử 100 năm nhục nhã, để chỉ về quãng thời gian cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khi bị chiến thuyền và pháo đạn của các cường quốc phương Tây xâm phạm", Giáo sư Roderick MacFarquhar thuộc đại học Harvard bình luận. "Vì vậy việc tăng cường an ninh quốc gia thông qua khống chế các vùng biển xung quanh như một bài học lịch sử với người Trung Quốc".
Cùng chung nhận định trên, ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy, cho rằng Bắc Kinh muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương, để phá thế bị Mỹ và các nước đồng minh bao vây.
Ngoài ra, an ninh năng lượng cũng là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc, khi quốc gia này trở thành thị trường tiêu thụ dầu khí thứ hai thế giới và dầu chủ yếu được vận chuyển qua Thái Bình Dương. Tuyến hàng hải quan trọng qua Indonesia, Malaysia và Singapore đều nằm dưới sự khống chế của Hải quân Mỹ, đặt ra cho Bắc Kinh bài toán địa chính trị đầy mâu thuẫn: Liệu có thể để đối thủ cạnh tranh bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch hay không.
Điều này giải thích cho hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây, bất chấp quyền lợi hợp pháp của các nước liên quan, cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.
Nguy cơ chiến tranh
Trước cục diện trên, một số chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ đi lại vết xe lịch sử của thời Chiến tranh Lạnh, bởi tranh chấp và mâu thuẫn tiềm tàng giữa hai nước không kém gì thế đối đầu Mỹ - Liên Xô.
Năm 2012, bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra kế hoạch "Can thiệp tác chiến chung", với khái niệm tác chiến tổng hợp trên biển và trên không. Theo đó, một khi xung đột xảy ra quân đội Mỹ sẽ tấn công lực lượng chống can thiệp của đối phương, cũng như các lực lượng trên không và mạng máy tính.
Các quan chức Lầu Năm Góc luôn phủ nhận kế hoạch trên nhằm vào Trung Quốc, nhưng trên thực tế tên lửa tầm xa, tàu ngầm và hệ thống tác chiến mạng của Trung Quốc đều vì mục đích cản trở chiến hạm Mỹ.
"Khái niệm tác chiến tổng hợp trên biển và trên không đồng nghĩa với việc Mỹ có thể sẽ tấn công phá hủy hàng chục căn cứ quân sự của Trung Quốc khi xung đột nổ ra", chuyên gia Dyer cho biết. "Điều này thật khủng khiếp, bởi chiến tranh sẽ leo thang nhanh chóng và không thể dự đoán được kết cục sẽ ra sao".
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ sẽ không để kịch bản trên diễn ra, mà chỉ muốn giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc hiểu rằng Washington vẫn có biện pháp mạnh mẽ để đối phó nếu Bắc Kinh có hành động gây hấn vượt giới hạn.
"Tất cả các kế hoạch ứng phó đều nhằm tạo cho đối thủ tiềm tàng cơ hội để giảm thiểu căng thẳng. Không bao giờ nên dồn kẻ địch vào chân tường, bởi bạn không lường được đối phương sẽ có phản ứng gì", một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay.
Kế hoạch trên phản ánh chiến lược của Mỹ hiện nay tại Thái Bình Dương: một mặt muốn chuyển từ thế công sang thế thủ, mặt khác vẫn đảm bảo việc kiềm chế Trung Quốc, cường quốc đang lên có tham vọng bá chủ khu vực.
Theo đó, Washington có thể vận dụng chiến lược "Xung đột hạn chế chiến tranh", thông qua các hành động quy mô nhỏ để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh bùng phát và leo thang.
Trong chuyến công du châu Á vừa qua của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã hoãn lại thời hạn trao trả quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc, đồng thời ký kết với Philippines thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự trong 10 năm, từ đó gia tăng sự hiện diện của quân đội trong khu vưc châu Á - Thái Bình Dương.
"Chuỗi đảo thứ nhất bao quanh Trung Quốc là địa điểm lý tưởng để thực hiện chiến lược trên. Tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này ở mức độ phù hợp sẽ gây áp lực rất lớn lên hải quân của đối phương", chuyên gia quân sự Toshi Yoshihara nhận định.
Đức Dương