Chiến lược hướng đông là một trong những trọng tâm chính sách của Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin quay lại làm chủ Điện Kremlin vào năm 2012. Sự chuyển dịch chiến lược này càng có ý nghĩa bức thiết hơn nữa sau khi mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đóng băng do vấn đề Ukraine.
"Kể từ khi tái cử, Tổng thống Putin không ngừng quan tâm đến khu vực phía đông nước Nga. Trong năm nay, Nga và Trung Quốc đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác khí đốt sau gần 20 năm bế tắc", Financial Times dẫn lời Thane Gustafson, giám đốc cao cấp của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu IHS, cho biết. "Đây là thành quả rực rỡ nhất hiện nay của chiến lược hướng đông".
Chiến lược hướng đông của Tổng thống Putin được coi là một đảm bảo chiến lược với Moscow, mặc dù thị trường châu Âu vẫn là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế Nga. "Nếu như châu Âu chèn ép mạnh các công ty năng lượng của Nga, Moscow vẫn có nguồn thu đảm bảo từ các mỏ dầu ở vùng Siberia", Phó giáo sư Yan Vaslavski thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow cho biết.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn còn hoài nghi về khả năng thành công của chiến lược này, đặc biệt là việc liệu hai nước Nga - Trung có thể xây dựng thành công hay không một thị trường khí đốt mới tại khu vực phía đông lục địa Á Âu.
Thiếu thốn cơ sở hạ tầng
Trọng tâm ngành công nghiệp khí đốt truyền thống của Nga vốn chỉ tập trung tại khu vực miền tây của quốc gia này, nơi chiếm một phần ba diện tích lãnh thổ. Điều này đồng nghĩa với việc Moscow phải xây dựng từ đầu một hệ thống công nghiệp mới tại khu vực phía đông, nhằm tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của chiến lược hướng đông.
Đây là lý do mà Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ký kết với đối tác Trung Quốc thỏa thuận hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới vào tháng 11 vừa qua. Theo đó, đường ống này sẽ chạy dọc dãy núi Altai, qua Kazakhstan và Mông Cổ, nối thẳng vào đường dẫn khí Tây - Đông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận trên cùng bản hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD ký hồi tháng 5 giữa Moscow và Bắc Kinh không thể thay đổi về thực chất sự phụ thuộc của Nga vào thị trường châu Âu.
"Đối với Nga, việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc chỉ là để chứng minh chúng tôi còn có những sự lựa chọn khác", New York Times dẫn lời ông Fereidun Fesharaki, chủ tịch công ty tư vấn năng lượng toàn cầu Fesharaki, cho biết. "Đây là một quá trình cần rất nhiều thời gian. Sự lựa chọn tốt nhất của Nga vẫn là cung cấp khí đốt cho châu Âu, bởi tài sản của nước này đang hao hụt dần".
Theo tính toán của IHS, nếu như tuyến ống dẫn mới được xây dựng thì phải mất ít nhất 10 năm và phải đến thập niên 30 của thế kỷ 21 mới đạt mức 38 tỷ mét khối một năm. Trong khí đó, Ngân hàng trung ương Nga phải chi đến 30 tỷ USD tháng trước để duy trì tỷ giá của đồng rúp trước sức ép từ các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu, nhưng cuối cùng vẫn buộc phải tuyên bố thả nổi tỷ giá.
Mặt khác, việc xây dựng từ đầu một hệ thống công nghiệp cho miền đông cần một khoản vốn vay khổng lồ. Chỉ tính riêng tuyến đường ống Sức mạnh Siberia đã cần khoảng 55 tỷ USD, trong khi khả năng hòa vốn của Nga đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mặc dù, Ngân hàng dự trữ liên bang Nga (Sberbank) vừa ký kết một thỏa thuận vay vốn trị giá 2 tỷ USD với Trung Quốc, nhưng thị trường tài chính của nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn bị đánh giá là chưa phát triển hoàn thiện để có thể cung cấp các sản phầm tài chính cho nước ngoài như của phương Tây.
"Putin mong muốn Nga công khai liên minh với Trung Quốc để ứng phó với Mỹ, nhưng với tốc độ xúc tiến chiến lược hướng đông tính bằng thời gian 10 năm, thì trong tương lai gần vận mệnh của Nga vẫn sẽ gắn chặt với châu Âu", chuyên gia Gustafson bình luận.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Một ẩn số khác xoay quanh chiến lược hướng đông của Nga là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược tự nhiên giữa Moscow và Bắc Kinh, nay tạm thời lắng xuống do nhu cầu sách lược trước mắt của hai bên.
Điều này bắt nguồn từ mối quan hệ phức tạp, không tin cậy lẫn nhau trong lịch sử hai nước. Từ thập niên 60 của thế kỷ 20, quan hệ Trung - Xô xấu đi nhanh chóng, dẫn đến giao tranh giữa quân đội hai nước tại khu vực biên giới sông Ussuri. Từ đó, Điện Kremlin cho rằng đường biên giới kéo dài giữa hai nước có giá trị thương mại lớn, nhưng cũng tồn tại những nguy cơ an ninh tiềm tàng. Đến năm 2009, đường biên giới Nga - Trung mới được chính thức xác lập rõ ràng trong khi các công trình hạ tầng cơ bản tại khu vực biên giới vẫn chưa được xây dựng.
Mặt khác, Nga cũng lo ngại Trung Quốc chiếm thế thượng phong tại khu vực Siberia ít người, đất rộng, giàu tài nguyên, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang xúc tiến mạnh mẽ chiến lược Con đường Tơ lụa mới. Chiến lược này tập trung đầu tư phát triển mối quan hệ với các quốc gia Trung Á, khu vực có trữ lượng khí đốt phong phú vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không có lợi gì cho mong muốn duy trì địa vị nước lớn của Nga tại lục địa Á Âu. Đối thủ cạnh tranh mà ông Putin nên cảnh giác không nằm ở phía Tây mà ở phía Nam", Giáo sư Robert Service thuộc Đại học Oxford, nhận định.
Ngay tại Moscow, không ít người trong giới lãnh đạo công nghiệp và tài chính lo ngại Nga sẽ trở thành một đối tác cấp thấp của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là khi nước này đang nằm trong thế bị cô lập. "Họ cho rằng việc chuyển hướng chiến lược về phía Trung Quốc là bất đắc dĩ", ông John Beyrle, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho biết.
"Thậm chí có người trong số họ còn cho rằng so với sự phụ thuộc vào phương Tây, sự phụ thuộc vào Trung Quốc còn đáng lo ngại hơn".
Đức Dương