Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia trao đổi với VnExpress về những tham vọng của Trung Quốc và cả những hệ lụy với Bắc Kinh khi thực hiện cuộc cải tổ trong quân đội.
- Việc Trung Quốc tuyên bố cắt giảm 300.000 quân mới đây có ý nghĩa gì thưa ông?
- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thể hiện ông nắm quyền kiểm soát Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và đẩy mạnh kế hoạch từ năm 2013 nhằm cải cách và tái cấu trúc PLA, để đáp ứng những phát triển mới của chiến tranh hiện đại.
Ý nghĩa thực sự trong tuyên bố của ông Tập là PLA đang trong tình trạng cồng kềnh, nhưng dù cắt giảm nhân sự thì Trung Quốc sẽ vẫn có đủ lực lượng để tự bảo vệ mình. Ẩn ý nữa là các quỹ tiết kiệm nhờ giải ngũ lượng lớn quân có thể được tái cấp cho các lĩnh vực ưu tiên khác khi công nghệ cao quan trọng hơn số lượng quân.
Trong khi 300.000 là con số lớn với tất cả các nước ở châu Á – Thái Bình Dương, thì nó chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng số quân trong các lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ vẫn có một lực lượng vũ trang hai triệu người. Cuộc duyệt binh quy mô lớn tuần trước cũng được thiết kế để gửi ra thông điệp tới Nhật Bản và Mỹ, rằng Trung Quốc chuẩn bị để bảo vệ trọn vẹn các lợi ích của mình.
Cuối những năm 1990, Trung Quốc từng thực hiện một cuộc cắt giảm quy mô lớn với lực lượng vũ trang với 500.000 lính bị giải ngũ. Trung Quốc cũng buộc quân đội tự gạt bỏ nhiều công ty thương mại do mình quản lý. Một quân đội có lực lượng dự bị lớn là tốn kém. Và một lực lượng có dự bị lớn liên quan đến sản xuất kinh tế thương mại cũng là một nguồn bảo trợ cho các lãnh đạo địa phương. Bắc Kinh có thể giảm quy mô nhưng sẽ không loại bỏ hẳn các cơ sở kinh tế vốn được coi là các "vương quốc độc lập" này.
- Trung Quốc sẽ ưu tiên lực lượng nào trong thời gian tới?
- Bắc Kinh sẽ ưu tiên cho hải quân, không quân và Quân đoàn pháo binh số 2 (đơn vị điều khiển các tên lửa đạn đạo) và phát triển kỹ thuật mới để chuẩn bị cho sức mạnh quân sự và ngăn chặn những đối thủ tiềm ẩn như Mỹ và Nhật. Mục tiêu dài hạn là đưa PLA trở thành lực lượng quân đội tiên tiến và hiện đại nhất ở châu Á để ngăn Mỹ can thiệp vào các vấn đề ở châu Á.
Giữa năm nay, trước thềm Đối thoại Shangri-la, Trung Quốc phát hành Sách Trắng phác thảo chiến lược quân sự của mình. Trung Quốc nỗ lực dùng sức mạnh hải quân và không quân để kiểm soát khu vực trên biển trải dài dọc bờ biển tới Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Điều này được nêu rõ trong Chiến lược quân sự của Trung Quốc để thay đổi trọng tâm từ "bảo vệ biển gần" sang "kết hợp bảo vệ biển gần và cả biển xa".
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của hải quân Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng tranh chấp như Biển Đông và Hoa Đông?
- Trung Quốc sẽ phát triển kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân thông qua việc xây dựng các tàu ngầm tên lửa đạn đạo với năng lực đa đầu đạn, có thể tấn công ở bất kỳ đâu tại Bắc Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ phát triển các tàu sân bay để có năng lực tốt hơn ở bờ duyên hải phía đông, ở Hoa Đông cũng như Biển Đông.
Sự phát triển lực lượng tấn công bằng tàu sân bay sẽ được hỗ trợ bởi việc xây dựng lực lượng chiến đấu trên bề mặt hiện đại hơn như là tàu khu trục nhỏ và các thiết bị phá tên lửa dẫn đường. Hải quân của PLA sẽ tăng các cuộc tập trận ở Biển Đông và duy trì sự hiện diện xung quanh các đảo nhân tạo mới mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Các lực lượng này sẽ hỗ trợ Hải cảnh Trung Quốc, vốn lớn mạnh hơn cả lực lượng của Nhật, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại.
- Việc cắt giảm quân đội ảnh hưởng thế nào tới tình hình kinh tế - xã hội của Trung Quốc?
- Trung Quốc có lực lượng lao động nội địa rất lớn. Nếu 300.000 lính được giải ngũ vào cuối năm 2017 thì có thể tạo nên một số vấn đề xã hội vì họ hầu hết tốt nghiệp trung học mà không có kỹ năng nghề nghiệp.
Các nhà phân tích cũng lưu ý các cựu quân nhân tham gia nhiều hơn trong các cuộc biểu tình yêu cầu có các điều kiện nghỉ hưu tốt hơn. Có thể nhiều lính bị giải ngũ sẽ được chuyển sang lực lượng Cảnh vệ của Cảnh sát. Trung Quốc cũng chi tiêu nhiều cho lực lượng an ninh nội địa hơn là cho lực lượng vũ trang.
- Ông đánh giá thế nào về kế hoạch tái cấu trúc chỉ huy trong quân đội Trung Quốc?
- Hồi 2013 Tập Cận Bình đã tuyên bố các kế hoạch lớn về cải cách và tái cấu trúc PLA. Chẳng hạn, các quan chức cao cấp quân đội bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng. Ông Tập cũng nhắm tới việc đưa PLA nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của mình hơn và làm giảm sức mạnh của các cơ sở trong các khu vực quân sự.
Các kế hoạch cải cách của ông Tập là thay đổi hình dạng cấu trúc chỉ huy của PLA để nó thực sự trở thành một bộ chỉ huy liên quân, bao gồm cả lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa đạn đạo. Nói cách khác Trung Quốc cải thiện hệ thống chỉ huy để có thể chiến đấu và chiến thắng "các cuộc chiến trong các điều kiện công nghệ cao".
- Những cải tổ trong quân đội tác động như thế nào với chính Bắc Kinh, với khu vực và thế giới?
- Tập Cận Bình đã cải tổ đội ngũ lãnh đạo hàng đầu của quân đội. Ông đang trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ và có thêm 7 năm nữa tại vị. Ông có một kế hoạch đầy tham vọng về cải cách cả kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh đang có các lợi ích toàn cầu và việc phát triển các lực lượng quân đội là nhằm bảo vệ các lợi ích này. Chiến lược quân sự của Trung Quốc cũng được kêu gọi thực hiện để tăng hợp tác với các nước trong khu vực nhằm hình thành mạng lưới các đối tác quốc phòng – an ninh.
Các cải cách quân đội của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có nhiều tính toán, cũng được thiết kế để đóng góp vào việc "trẻ hóa quốc gia" và hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không chỉ tìm kiếm sự tôn trọng của tất cả các nước mà còn tìm kiếm sự thích nghi của họ với các lợi ích của nước này.
Việt Anh