![]() |
Giáo hoàng Benedict XVI. |
10 ngày sau – ngay trước khi hồng y đoàn bước vào cuộc họp kín để chọn ra vị giáo hoàng thứ 265 – Ratzinger lại thuyết pháp về sự cần thiết phải tuân thủ chặt chẽ những quy định nhà thờ, làm cho những người Công giáo theo tư tưởng tự do phải giật mình.
“Ông ấy có thể là vật cản hơn là người thống nhất Giáo hội”, Cha Thomas Reese - chủ bút tuần báo America – bình luận.
Điều này càng được chứng tỏ tại Quảng trường St Peter, sau khi có thông báo bầu chọn Ratzinger và tên cho vị giáo hoàng đầu tiên của Đức trong 1.000 năm là Benedict XVI. Xen giữa những tiếng vỗ tay, có những tiếng than và cả sự im lặng sững sờ.
“Đó là Ratzinger”, Silvie Genthial – một khách hành hương người Pháp 52 tuổi thét vào điện thoại di động rồi tắt máy. “Chúng tôi dã mong chờ một vị giáo hoàng khác, có thể là một người Mỹ Latinh, chứ không phải một nhân vật siêu bảo thủ như thế này”.
Nhưng những giáo dân khác thì ôm chầm nhau và uống rượu vang đỏ chúc tụng vị tân Giáo hoàng. “Tiếng nói chân thực của đức tin”, Maria Piscini, một cụ bà người Italy 80 tuổi tuyên bố.
Trong hồng y đoàn không có nhân vật nào gây nhiều ý kiến trái ngược và quyết liệt hơn vị Giáo hoàng 78 tuổi này. Ratzinger đã đứng đầu bộ giáo lý hùng mạnh và là ban tay sắt của Vatican kể từ năm 1981.
“Chúng ta đang tiến tới sự độc tài của tính tương đối. Ở đó không có cái gì được công nhận chắc chắn và mục tiêu cao nhất là cái tôi và những ham muốn của mỗi người”, ông tuyên bố hôm thứ hai trong lễ Mixa tưởng nhớ John Paul II. Nhà thờ, theo ông, phải phòng ngừa những mối đe doạ như “chủ nghĩa tự do cực đoan” và “thuyết thần bí tôn giáo mơ hồ”.
Những việc làm của Ratzinger từng gây một loạt tranh cãi trong Giáo hội. Năm 1987, ông ra lệnh tước quyền giảng đạo của nhà thần học người Mỹ - Cha Charles Curran, vì cho rằng Curran nuôi dưỡng sự bất đồng. Ông trừng phạt những nhân vật ở Mỹ Latinh ủng hộ thuyết thần học tự do, vì cho rằng nó theo xu hướng Marxist. Ông ngăn cấm việc viết lại Kinh thánh theo ngôn ngữ xưng hô cho cả nam lẫn nữ. Ratzinger cũng cứng nhắc trong các chủ trương của nhà thờ như các linh mục phải độc thân, phản đối ngừa thai và cấm thụ phong cho nữ giới.
Năm 1986, Ratzinger phê phán nhạc rock là “phương tiện chống tôn giáo”. Năm 1988, ông lên án bất kỳ ai cố tìm những hàm ý bênh vực bình đẳng nam nữ trong Kinh thánh. Năm ngoái, ông tuyên bố với các giám mục Mỹ rằng họ được phép từ chối ban thánh thể cho những người ủng hộ “những tội lỗi nghiêm trọng” như quyền nạo phá thai và quyền được chết.
Người ta từng gán cho ông những biệt hiệu chẳng hay ho gì như “Hồng y thiết giáp”, “chú chó dữ của Chúa”, và “Người thẩm tra Vĩ đại”. Các hoạ sĩ biếm hoạ thì thích khai thác đôi mắt sâu và báo chí Italy hay giễu cợt giọng nói âm sắc Đức của ông.
“Quả là khó tìm một vụ gây tranh cãi nào trong Công giáo suốt 20 năm qua mà không liên quan đến Joseph Ratzinger”, John Allen - một phóng viên ở Vatican của National Catholic Register - từng bình luận như vậy 6 năm về trước.
Trái lại, đối với những người bảo thủ, uy tín của vị hồng y ngày càng lên. Một cậu lạc bộ fan trên mạng còn cung cấp các đồ lưu niệm ủng hộ ông với khẩu hiệu: “Người ngăn chặn dị giáo từ năm 1981”.
Ngay cả John Paul cũng cần đến ông ở bên mình. Mấy lần Ratzinger xin từ chức vì tuổi cao, nhưng lần nào cũng bị Giáo hoàng từ chối. Những năm gần đây, ông còn bình luận về những vấn đề bên ngoài giáo lý nhà thờ. Có lần, vị hồng y gọi đạo Phật là tôn giáo “hưởng lạc”.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro của Pháp hồi năm ngoái, ông ám chỉ rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ đi ngược lại gốc rễ Cơ đốc của châu Âu – quan điểm có khả năng cản trở những nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Hồi giáo của Vatican. “Thổ Nhĩ Kỳ luôn đại diện một châu lục khác, đối lập với châu Âu”, ông tuyên bố.
Trong một quyển sách phát hành hồi tuần trước Các giá trị trong thời kỳ biến động, Ratzinger còn nhận xét những đòi hỏi về “đa văn hoá” ở châu Âu là “sự chạy trốn nền văn hoá của chính mình”.
“Nếu mà ở cương vị Giáo hoàng, ông ấy cứ tiếp tục cách hành xử như khi làm hồng y, thì nhà thờ sẽ trở thành cực đoan mất”, David Gibson – một chuyên gia về Vatican nhận xét. “Chính ông ấy cũng từng tuyên bố là muốn duy trì một giáo hội nhỏ nhưng trong sạch hơn”.
Theo những người chỉ trích, Ratzinger là hiện thân của những tư tưởng bảo thủ trong thời kỳ John Paul II, nhưng lại thiếu khả năng thu hút và biệt tài dẫn dắt con chiên của người tiền nhiệm.
Tên hiệu được Ratzinger lựa chọn – Benedict - gợi liên tưởng tới Benedict XV, vị giáo hoàng Italy nắm chức từ 1914 đến 1922. Ngài đảm trách sứ mệnh khó khăn là lãnh đạo cộng đồng Công giáo ở hai phía đối lập thời Thế chiến I. Benedict XV có quan điểm trung lập. Những tuyên bố chống các loại vũ khí như khí độc của ngài khiến cả 2 bên tham chiến tức giận.
Vị giáo hoàng này cũng tìm cách xích lại gần người Hồi giáo và chấm dứt gần 1.000 năm bất hoà với với các nhà thờ Chính thống giáo. Vì vậy, cái tên Benedict báo hiệu quan hệ liên tôn có thể là một ưu tiên quan trọng của tân Giáo hoàng.
“Cái tên Benedict XVI mở ra khả năng về một chính sách mềm mỏng hơn”, nhà thần học Thuỵ Sĩ Hans Kueng, người bị Vatican tước giấy phép dạy thần học năm 1979, bình luận. “Chúng ta hãy cho ông ấy một cơ hội. Cũng giống như với Tổng thống Mỹ, chúng ta nên cho tân Giáo hoàng 100 ngày để tự trau dồi”.
Nhưng ông cũng kết luận: "Dù sao thì đây cũng là một nỗi thất vọng lớn đối với những ai hy vọng vào một vị giáo hoàng cải cách".
M.C. (theo AP)