Báo cáo thường niên do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm qua cho thấy tổng giá trị buôn bán vũ khí toàn cầu được tính bằng con số hàng tỷ USD, tăng 16% trong giai đoạn 2010-2014 so với 5 năm trước. Theo đó, Trung Quốc vượt mặt nhiều ông lớn vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ ba thế giới.
Sự gia tăng thứ hạng này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến một thực tế là Đức và Pháp, hai quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc, đang chứng kiến sự thu hẹp đáng kể về thị phần.
Chính phủ Đức năm ngoái ban bố một quy định mới nhằm hạn chế lượng vũ khí bán ra trên thị trường quốc tế. Giá trị xuất khẩu vũ khí của quốc gia này năm 2014 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ, với tổng giá trị đạt khoảng 4,2 tỷ USD, giảm gần 32% từ mức gần 6,2 tỷ USD trong năm trước đó, theo Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức.
Paris cũng gặp không ít trở ngại khi kế hoạch bán tàu đổ bộ tấn công Mistral cho Moscow bị trì hoãn bởi căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh khủng hoảng ở Ukraine.
Giá rẻ, rộng mở thị trường
Trung Quốc hiện lại nắm trong tay một ngành công nghiệp chế tạo vũ khí nội địa phát triển khá mạnh mẽ, theo dữ liệu từ SIPRI. Nước này đang sản xuất chiến đấu cơ tiên tiến thế hệ thứ tư, tàu khu trục nhỏ cho hải quân. Đồng thời, một loạt các loại vũ khí hạng nhẹ, đơn giản, giá thành rẻ của Bắc Kinh cũng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
"Những trang thiết bị bạn nhận từ Trung Quốc ngày nay tốt hơn so với 10 đến 15 năm trước nhiều lần", Wall Street Journal dẫn lời ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, bình luận. Khách hàng từng mua vũ khí của các nước phương Tây hay Nga nay có thể chuyển sang nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng gần tương đương nhưng giá thành thì thấp hơn nhiều.
Thị trường liên tục mở rộng cũng là một nhân tố tạo nên bước thay đổi về thứ hạng của Bắc Kinh. Trung Quốc hiện xuất khẩu vũ khí sang 35 nước, trong đó ba quốc gia châu Á Pakistan, Bangladesh và Myanmar nhập hơn hai phần ba số vũ khí của nước này. Bắc Kinh cũng có tới 18 khách hàng khác ở châu Phi.
Ian Easton, chuyên gia tại viện chính sách an ninh châu Á, Dự án 2049, có trụ sở ở Virginia, Mỹ, nhận định việc Trung Quốc chú trọng khai thác cả những thị trường ngách nhỏ hẹp như Triều Tiên hay Iran là một lý do khác làm nên sức tăng trưởng của nước này. Đây là những quốc gia nằm trong danh sách mà phương Tây từ chối giao dịch vũ khí.
"Việc các công ty Trung Quốc mở rộng phát triển và tiêu thụ vũ khí có kỹ thuật cao là hiện tượng hết sức bình thường", ông Từ Quang Dụ, thiếu tướng về hưu, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, cho biết.
"Trung Quốc không ngừng nâng cao chất lượng và giảm thiểu giá thành, bởi chúng tôi cũng chịu sự chi phối của thị trường. Trung Quốc còn có ưu thế là không đặt điều kiện với tình trạng chính trị của các nước", ông Từ bình luận. "Ai nắm quyền, ai xây dựng quan hệ đối ngoại với nước chúng tôi, thì chúng tôi đều có thể đàm phán với họ về vấn đề buôn bán vũ khí".
Một đề xuất cung cấp hệ thống tên lửa phòng thủ cho Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 3,4 tỷ USD dù chưa được thông qua nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đang chiến thắng tại những khu vực không phải là thị trường truyền thống của mình.
Tờ VPK của Nga lý giải một nguyên nhân quan trong đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí thứ ba thế giới có liên quan mật thiết đến chương trình hợp tác giữa nước này và Israel từ nhiều năm nay. Đặc biệt, Israel còn hỗ trợ Bắc Kinh về công nghệ để tiến hành chế tạo các chiến đấu cơ đa nhiệm, máy bay không người lái, tên lửa hành trình, bất chấp áp lực từ Mỹ.
Tích cực quảng bá
Theo WSJ, tích cực quảng bá cũng là cách hữu hiệu để Bắc Kinh mở rộng thị trường. Các nhà sản xuất Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trong các hội chợ triển lãm vũ khí quốc tế và khu vực nhằm giới thiệu khí tài quân sự của mình.
Tháng trước, Trung Quốc tham dự triển lãm Idex diễn ra tại Abu Dhabi, thủ đô các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Khoảng 59 quốc gia góp mặt trong sự kiện này. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc mang đến buổi trình diễn nhiều chủng loại vũ khí, điển hình như hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến FD-2000, được thiết kế để có thể bắn hạ mục tiêu cách xa 125 km hay máy bay không người lái vũ trang Wing Loong, gần giống với các mẫu mà quân đội Mỹ từng sử dụng ở Afghanistan và Iraq.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên trình làng chiến đấu cơ phản lực tàng hình J-31 với nhiều cải tiến mới mẻ tại triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Chu Hải. Giới quan sát đánh giá đây nhiều khả năng sẽ là con át chủ bài giúp Bắc Kinh cạnh tranh với Washington trên thị trường vũ khí xuất khẩu.
Chưa đủ tầm ảnh hưởng
Tuy nhiên, bất chấp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc vẫn còn cách Mỹ và Nga một khoảng khá xa. Washington hiện dẫn đầu với 31% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí thông thường toàn cầu. Moscow nằm ở vị trí thứ hai với 27%.
Một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết một số mẫu chiến đấu cơ phản lực Trung Quốc vẫn tồn tại những điểm yếu không có lợi cho xuất khẩu. Điển hình là hệ thống động cơ và điện tử hàng không vẫn phải dựa vào kỹ thuật của nước ngoài. "Họ có thể chế tạo ra hệ thống động cơ vận hành được trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt được, bởi còn thiếu kinh nghiêm", ông này nói.
"Nhiều quốc gia không thật sự ưa chuộng các hệ thống vũ khí của Trung Quốc, nhưng cơ bản họ vẫn là một nhà sản xuất cứu cánh", New York Times dẫn lời ông Richard Bitzinger, chuyên gia phân tích tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore, đánh giá.
"Hầu hết vũ khí của Trung Quốc không thể tạo ra những ảnh hưởng lớn tới năng lực quân sự của một quốc gia", ông Bitzinger nhấn mạnh. "Rất khó để tìm thấy một hệ thống vũ khí nào của nước này đủ khả năng trở thành một con bài chiến lược có thể thay đổi thế cân bằng sức mạnh của một khu vực nào đó".
Vũ Hoàng