Yang phớt lờ lời khuyên của bạn bè, bởi một nữ doanh nhân mạnh mẽ và tự lập như cô luôn tâm niệm chỉ có làm việc chăm chỉ mới đạt được thành công và cô vẫn dạy bảo con gái mình như vậy.
Nhưng giờ đây, Yang phải nghi ngờ nguyên tắc sống của chính mình khi đi xin học cấp hai cho con gái. Cô đã chứng kiến bạn bè tặng giáo viên cũng như nhà trường rất nhiều quà cáp và tiền bạc. Một người bạn của cô thậm chí mua tặng cho một trường điểm một chiếc thang máy mới, kết quả là con trai anh ta được nhận vào trường ngay sau đó.
Chống tham nhũng là mối quan tâm chính của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng những chiến dịch như thế này khó lòng phát huy hiệu quả khi trẻ em nước này ngay từ độ tuổi tiểu học đã phải chứng kiến những hiện tượng tiêu cực.
Hầu như tất cả mọi khâu, từ nhập học đến chọn lớp rồi lựa chọn giáo viên, đều có thể thương lượng với nhà trường, chỉ cần người ta quen đúng người hoặc có đủ tiền. Và nhiều người tin rằng, hệ quả là nền giáo dục ngày càng đi xuống và khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng gia tăng.
Là một cặp vợ chồng trung lưu sống tại quận Hải Điện, nơi tập trung nhiều trường điểm của thành phố Bắc Kinh, vợ chồng Yang tuy có chút tiền, nhưng lại có rất ít quan hệ có thể giúp con cô cạnh tranh vào một trường điểm.
Một hôm, giáo viên dạy múa của con gái Yang chia sẻ, anh có người quen làm việc tại ngôi trường trung học mà cô nhắm cho con.
Yang thừa nhận, cô bắt đầu lo lắng về khoản tiền mà vợ chồng cô phải chuẩn bị nếu như bạn của anh giáo viên dạy múa yêu cầu. Nhưng cô vẫn chưa quyết định nên làm thế nào.
"Nếu như tất cả mọi người đều cuốn vào cuộc chơi, vậy lý do gì mà tôi từ chối", cô kết luận.
"Cuộc chiến" xin học trường điểm
Tại các thành phố ở Trung Quốc, những trường tốt nhất đều là trường công. Các trường tư thục thường là hướng đến học sinh là người nước ngoài, hoặc dành cho diện học sinh không đúng tuyến, có bố mẹ là dân lao động nhập cư thu nhập thấp. So với tiêu chuẩn của phương Tây, các trường công của Trung Quốc luôn trong tình trạng quá tải.
Trong một chuyến tham quan trường trung học Jingshan tại thủ đô Bắc Kinh, lãnh đạo nhà trường đã khoe với phóng viên chiếc kính viễn vọng trị giá 326.000 nhân dân tệ (54.000 USD) nhằm phục vụ cho môn Thiên văn học, đặt trong một căn phòng với trần nhà cho phép đóng mở.
Mỗi lớp học tại trường Jingshan đều trang bị tivi màn hình phẳng. Trường còn có phòng máy tính đắt tiền và một bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Nhà trường gần đây còn yêu cầu các giáo viên lớp trên phải có bằng tiến sĩ.
Cách đó vài km là một trường tư dành cho con em dân lao động nhập cư. Các em chạy chơi trên con đường đất, dẫn vào một khu nhà xiêu vẹo với các mảng tường nứt toác. Lớp học lúc nào cũng đông đúc. Cả trường chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất, nền chỗ lỗ đất lẫn với xi măng.
Một cuộc cạnh tranh ác liệt nổ ra giữa các phụ huynh trong việc tranh giành một suất cho con mình vào trường tốt nhất. Bằng cấp vẫn luôn là nhân tố quan trọng nhất. Đây là lý do khiến em Ma Qianyi, cô con gái 12 tuổi của Yang, phải mài đầu học hàng đêm trong suốt 3 năm, bất kể cuối tuần hay ngày nghỉ lễ, chưa kể đến những khóa học thêm đắt tiền. Nhưng bé Qianyi cũng thừa nhận, em không phải là học sinh chăm học, nếu như so sánh với bạn bè cùng lớp.
Chính sự cạnh tranh ác liệt ấy khiến các bậc phụ huynh phải thỏa mãn yêu cần của giáo viên bằng mọi cách có thể. Tặng gạo sạch cho một giáo viên lo ngại về an toàn thực phẩm, hoặc mang tặng những món quà xa xỉ khi đi nước ngoài. Nếu như tất cả những cách đó đều không hiệu quả, thẻ mua hàng luôn luôn là sự lựa chọn an toàn.
"Đôi khi, bạn được tặng những thẻ mua hàng vào ngày Nhà giáo Trung Quốc và phát hiện số tiền khổng lồ trong thẻ", một giáo viên ở Bắc Kinh chia sẻ.
Một số phụ huynh cho biết những món quà như vậy sẽ khiến giáo viên chú ý đến con mình hơn, thậm chí sắp xếp cho một chỗ ngồi đầu lớp.
"Đây là bản tính tự nhiên của con người", một phụ huynh chia sẻ. Cô này thường xuyên tặng nhà trường nơi con trai học thẻ mua sắm.
Cô Yang từng gửi tặng giáo viên thẻ mua hàng, nhưng chỉ với mệnh giá 20 đến 30 USD, không thấm vào đâu so với những phiếu có mệnh giá gấp mười lần như thế của các gia đình khác. Nhưng cô cuối cùng cũng không tặng nữa.
"Điều này chẳng thay đổi được gì", cô chia sẻ. "Tôi quyết định để dành tiền đó cho những việc có lợi hơn, ví dụ như các khóa học thêm".
Nhưng quyết định của Yang khiến con gái cô rất không thoải mái, thậm chí là cay nghiệt khi kể với mẹ rằng cô giáo chọn trao giải nhất cho một bạn gái có mẹ "đã rất thông minh khi tặng thuốc cho cô đang ốm". "Tại sao mẹ không gửi thuốc cho cô", cô bé 12 tuổi hỏi.
Câu hỏi đó đã ám ảnh Yang cho đến khi con gái cô chuẩn bị tốt nghiệp cấp 1 vào mùa xuân này.
Được vào học tại một trường cấp 2 tốt là đảm bảo cho một suất vào trường cấp 3 hàng đầu thành phố. Và việc học ở một trường cấp 3 hàng đầu sẽ là sự chuẩn bị chắc chắn cho kỳ thi đại học có tính cạnh tranh khốc liệt. Một kết quả thi đại học cao đồng nghĩa với công việc đảm bảo, thu nhập cao hơn, điều kiện sống tốt hơn và đối tượng kết hôn lý tưởng hơn.
Hệ thống giáo dục Trung Quốc vốn miễn phí và được chính phủ tài trợ. Nhưng các trường điểm thu lợi từ các khoản phí phụ và đóng góp khổng lồ. Theo nhiều phụ huynh, hiện nay để có một suất vào học tại các trường cấp 2 loại khá ở Bắc Kinh, phải thanh toán và hối lộ một khoản tiền lên đến 16.000 USD.
Về mặt lý thuyết, các trường cấp 2 ở Bắc Kinh phải tuyển sinh theo đúng tuyến. Nhưng theo các nghiên cứu độc lập, chỉ có một nửa các trường điểm ở thành phố này tuyển sinh theo cách đó. Và một chiếc vé vào học tại các trường điểm này phải dựa vào ba yếu tố: năng khiếu, tiền bạc và quan hệ. "Nếu bạn quen biết ai đó, thì bạn sẽ chỉ phải trả ít hơn nhiều", một bà mẹ sống tại khu Chaoyang chia sẻ.
Rất nhiều cơ quan và doanh nghiệp nhà nước đã lo trước chỗ học cho con cái nhân viên thông qua các khoản tài trợ khổng lồ tặng nhà trường. Và những trường điểm thuộc hạng tốt nhất, sẽ thu một khoản phí chọn trường dao động từ 5.000 đến 40.000 USD với những học sinh trái tuyến.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cấm thu khoản phí này, nhưng phí chọn trường không những mất đi, mà còn tăng cao những năm gần đây.
Cơ hội nào cho con nhà nghèo
Do không giàu có và cũng không nhiều mỗi quan hệ, Yang và con gái đã đầu tư vào "năng khiếu" để giành một suất học tại trường điểm. Đây là lý do bé Qianyi học múa suốt 3 năm qua.
"Đây là điều duy nhất cháu có lợi thế", em chia sẻ như một sự thật hiển nhiên, trong khi húp nốt bát mỳ trước khi lên lớp.
5.000 USD cho khóa học múa 6 tháng là cả một khoản tiền lớn với người phụ nữ mà thu nhập chỉ có 20.000 USD một năm và chồng cô còn đang thất nghiệp.
Nhưng bản thân quy trình đánh giá năng khiếu học sinh cũng được chứng minh là rất dễ phát sinh tham nhũng. "Đừng nghĩ rằng con bạn đạt giải nhất ở một cuộc thi sẽ đồng nghĩa với việc cháu có cơ hội nhất. Nhà trường có quyền chọn các em đứng thứ 3, 4 và giải thích rằng học sinh đó có tiềm năng", một phụ huynh sống cùng khu với Yang chia sẻ. Anh cũng từng hối lộ huấn luyện viên nhà trường.
Yang đã rất sốc trước lời đề nghị của giáo viên dạy múa. Cô cũng tự hỏi, liệu lời đề nghị đó xuất phát từ lòng tham hay sự đánh giáo cao năng khiếu của con gái mình.
Vợ chồng Yang chưa từng học đại học nhưng cô đã hoàn thành chương trình học phổ thông buổi tối. Cô cùng một người bạn mở công ty riêng chuyên bán máy cảm biến nhập khẩu.
Xã hội Trung Quốc ngày nay khác xa thời Yang còn trẻ, với nhiều sự cạnh tranh hơn. Hàng triệu người đổ dồn về các thành phố lớn, nhưng công việc, nhà ở và nhiều thứ khác đều có hạn.
Yang cho biết cô đã nỗ lực hết mình để xác định được nguyên tắc sống cho bản thân và muốn dạy lại điều đó cho con gái. "Tôi muốn con bé nhìn thấy được bản chất của xã hội đầy rẫy sói. Nhưng tôi cũng không muốn con mình trở thành cừu hay sói", Yang chia sẻ.
Cô quyết định coi lời đề nghị của người giáo viên dạy múa thuần túy mang tính thực dụng. "Điều đó là không công bằng, nhưng đây là việc tốt nhất tôi có thể làm cho con", cô kết luận.
Đức Dương (Theo Washington Post)