Bằng giọng điệu mang đầy tính dân tộc chủ nghĩa với mục tiêu có lẽ nhằm lôi kéo ủng hộ từ những cử tri tầng lớp lao động thuộc đảng Dân chủ của đối thủ Hillary Clinton, tỷ phú Donald Trump hôm 24/7 cảnh báo ông có thể rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), định chế đã tác động tới việc giảm thuế suất trên toàn cầu suốt gần hai thập kỷ qua, theo Financial Review.
Phát biểu trên truyền hình, ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa cho biết ông sẽ cân nhắc đánh thuế 15-35 % đối với các công ty Mỹ chuyển nhà máy sản xuất tới Mexico.
Khi được hỏi liệu chính sách này có phá vỡ các quy định của WTO không, ông Trump đáp lại rằng: "Điều đó không quan trọng. Chúng ta sẽ đàm phán lại hoặc rời khỏi tổ chức. Những thỏa thuận thương mại ấy là một thảm họa, WTO là thảm họa".
Theo giới quan sát, với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như quốc gia ủng hộ mạnh mẽ thị trường mở, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO và việc nước này rút khỏi tổ chức sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn.
Gary Clyde Hufbauer, cựu quan chức thương mại Mỹ hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, cho rằng chỉ riêng việc đe dọa thực hiện một động thái bảo hộ như vậy cũng đủ sức tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại. "Nhiều khả năng các nước sẽ thi nhau nâng thuế để 'trả đũa'", ông Hufbauer hôm qua nhận xét. "Hệ quả là một cơn khủng hoảng toàn cầu sẽ hình thành".
WTO đã đề ra hàng loạt quy định pháp lý cơ bản cho thương mại quốc tế với mục tiêu giúp các giao dịch thương mại được thực hiện trơn tru và tự do hết sức có thể.
Chiến dịch của ông Trump đang nhắm tới các công nhân tại những bang có ngành sản xuất công nghiệp trì trệ như Pennsylvania, Michigan hay Ohio. Thông thường, giới công nhân tại đây sẽ bầu cho đảng Dân chủ. Việc Trump phản đối các hiệp định thương mại có ảnh hưởng tới tầng lớp lao động Mỹ khiến nhiều người suy đoán ông sẽ phần nào đó thu hút được sự ủng hộ từ những cử tri này.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng tuyên bố mà Trump đưa ra về WTO có thể là quân bài giúp ông thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo kết quả từ một số cuộc khảo sát, tỷ phú Trump đang dẫn trước bà Clinton với cách biệt sát sao sau đại hội đảng Cộng hòa hồi tuần trước.
Song Jared Bernstein, cựu cố vấn kinh tế cho Phó tổng thống Joe Biden, đánh giá lời đe dọa rời bỏ WTO của ông Trump là một ý tưởng "liều lĩnh".
Ông Trump từng tuyên bố nếu đắc cử sẽ đàm phán lại các hiệp định thương mại song phương và xé nát Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang chờ phê chuẩn. Nhà tài phiệt New York cũng chỉ trích cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chồng bà Hillary Clinton, vì ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và chuyển việc làm từ Mỹ tới Mexico, quốc gia có nhân công lao động rẻ, vào những năm 1990.
Bình luận của ông Trump kết hợp với những tiếng nói chống tự do thương mại từ đối thủ cùng đảng là thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đã buộc bà Clinton phải thay đổi quan điểm. Bà đã từ bỏ lập trường ủng hộ TPP, hiệp định mà bà từng ca ngợi là "tiêu chuẩn vàng" cho giao dịch thương mại khi còn giữ cương vị ngoại trưởng Mỹ.
Ông Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống do bà Clinton đề cử, đến cuối tuần trước vẫn đứng về phía TPP. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm ngay sau khi tham gia chiến dịch của bà Clinton. Kaine nói rằng ông không thể ủng hộ hiệp định với hình thức như hiện tại.
Trong khi đó, cựu cố vấn kinh tế đảng Cộng hòa Douglas Holtz-Eakin cho rằng viễn cảnh Mỹ rời WTO sẽ "không xảy ra".
Theo ông, chiến lược giảm thuế doanh nghiệp Mỹ xuống còn 15% từ mức 35% như hiện nay mà ông Trump theo đuổi sẽ ngăn các công ty di chuyển ra nước ngoài.
"Đây là một kế hoạch không rõ ràng nhưng đáng chú ý", ông Holtz-Eakin nhận định.
Xem thêm: Donald Trump khởi động cuộc chiến bất ngờ với đảng Cộng hòa
Vũ Hoàng