Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử đã cam kết tăng cường hợp tác với Moscow. Tuy nhiên, những luận điểm hùng biện khi tranh cử không phải lúc nào cũng được các tổng thống thực thi sau khi nhậm chức, đặc biệt liên quan tới các vấn đề bị chi phối và ảnh hưởng bởi di sản chính sách vốn tồn tài hàng thập kỷ qua, theo Stratfor.
Bình luận viên Eugene Chausovsky nhận định rằng một trong những mục tiêu địa chính trị lớn nhất của Mỹ là ngăn chặn sự trỗi dậy của các quyền lực có khả năng thách thức vị trí siêu cường của nước này.
Lịch sử thống trị của Nga trong khu vực Á - Âu, sự xuất hiện của Liên Xô như một siêu cường sau Thế chiến 2 kéo theo sự cạnh tranh kinh tế, chính trị và quân sự với Mỹ từ lâu đã làm cho Nga trở thành một đối trọng tự nhiên của Mỹ.
Để kiềm chế và đối phó với Liên Xô, ngay từ cuối những năm 1940 Mỹ đã phát triển một "học thuyết ngăn chặn" và duy trì nó cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Nhưng ngay cả sau thời điểm trên, Mỹ vẫn chưa ngừng việc sử dụng chiến lược này với nước Nga mới. Mặc dù không có vị thế như trước, Nga vẫn nắm giữ nguồn nhân lực, kinh tế và quân sự đáng kể có thể thách thức vị thế của Mỹ, ít nhất là ở Đông Âu.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự hồi sinh của Nga, Mỹ ủng hộ việc mở rộng NATO và Liên minh châu Âu tới các nước thuộc khối Đông Âu cũ trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Khi nhậm chức vào năm 2009, cựu tổng thống Barack Obama phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để đối phó với một nước Nga đang lớn mạnh. Một trong những nền tảng chính sách đối ngoại của Mỹ lúc này là giảm quy mô can thiệp quân sự tại Iraq và Afghanistan để tập trung nguồn lực vào các khu vực khác của thế giới, bao gồm cả lục địa Á - Âu. Mỹ đưa ra một chính sách "cài đặt lại" quan hệ với Nga với hy vọng cải thiện quan hệ song phương sau Chiến tranh Nga-Gruzia.
Lúc đầu các mối quan hệ đã đi theo chiều hướng tốt, nhưng đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, chiến lược "cài đặt lại" đã thất bại. Nga đã không chỉ thách thức vị thế của Phương Tây tại Âu Á mà còn có hệ lụy tới các khu vực khác, như cuộc chiến Syria.
Tháng 2/2014, phong trào Madain, biểu tình phản đối chính phủ của tổng thống Poroshenko ở Ukraine rẽ bước ngoặt mới, đánh dấu sự "hồi sinh" của chiến lược ngăn chặn của Mỹ khi chính quyền Washington nhận ra rằng Moscow hiện đang rất mạnh và buộc phải bị kiềm chế mở rộng ảnh hưởng.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này đồng thời đẩy mạnh việc triển khai quân tới các nước đồng minh NATO ở Đông Âu, hậu thuẫn về chính trị và an ninh cho Ukraine, cạnh tranh với Nga ở Syria.
Theo Chausovsky, khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng, mối quan hệ của Washington với Moscow có thể thay đổi. Trong chiến dịch tranh cử, Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Nga trong cuộc xung đột Syria, chỉ trích các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Nhưng lời nói của ông Trump không phải là định hướng duy nhất định hình chính sách đối ngoại của Mỹ tại Á - Âu trong những năm tới. Còn có các thành phần của nội các, đặc biệt là các vị trí mà liên quan đến chính sách đối ngoại.
Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng được chỉ định của Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tán thành cách các biện pháp mạnh tay hơn với Nga.
Các tuyên bố trên có thể không nhất thiết phản ánh định hướng chính sách của chính quyền mới, nhưng cho thấy ông Trump có thể phải đối mặt với sự phản kháng khi hòa giải với Nga.
Các nhà phân tích cho rằng các yếu tố về di sản và địa chính trị sẽ đóng vai trò lớn trong việc hoạch định chiến lược đối ngoại của chính quyền mới của Mỹ. Bất kể ai trên cương vị tổng thống, chính sách ngăn chặn bá quyền khu vực sẽ tiếp tục là một trụ cột của chính sách đối ngoại của Washington.
Bởi, trên thực tế, đã có những dấu hiệu Nga đang hồi sinh mạnh mẽ, tăng cường thách thức các lợi ích của Mỹ tại Á - Âu, Trung Đông và các nơi khác.
"Quan hệ giữa Washington và Moscow chắc chắn sẽ phát triển dưới thời ông Trump. Sẽ có những thay đổi chiến thuật trong quan hệ Nga-Mỹ nhưng chính sách ngăn chặn của Washington với Nga không vì thế mất đi", Chausovsky nhận định.
Nguyễn Hoàng