Tướng thủy quân lục chiến James Mattis, người có biệt danh "thầy tu chiến binh" vì chưa từng kết hôn và không có con cái, được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn vào ghế bộ trưởng quốc phòng. Tuy nhiên để có thể trở thành ông chủ Lầu Năm Góc, viên tướng này sẽ phải được thượng viện phê chuẩn đặc biệt để giúp ông vượt qua rào cản pháp lý từ một đạo luật được đưa ra gần 70 năm trước.
Đạo luật nói trên được đưa ra vào năm 1947, khi Quốc hội Mỹ yêu cầu các sĩ quan quân đội phải giải ngũ ít nhất 10 năm mới có thể được chọn vào vị trí bộ trưởng quốc phòng. Quy định này được rút ngắn còn 7 năm vào năm 2008.
Chiểu theo luật đó, ông Mattis sẽ không đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm người đứng đầu Lầu Năm Góc, bởi viên tướng 66 tuổi này vừa mới nghỉ hưu vào năm 2013, sau khi đảm nhận vị trí chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, theo AP.
Việc dân sự kiểm soát quân sự đã ăn sâu vào lịch sử nước Mỹ và được nêu rõ ở hiến pháp nước này, trong đó quy định rằng tổng thống là "tổng tư lệnh" các lực lượng vũ trang. Quốc hội có thẩm quyền tuyên bố chiến tranh, tuy nhiên, những xung đột tại Iraq, Afghanistan, Libya và Syria cho thấy quân đội Mỹ có thể tham gia chiến đấu mà không cần tuyên bố chiến tranh chính thức.
Luật này là sản phẩm của thời kỳ hậu Thế chiến II, theo Douglas T. Stuart, giáo sư nghiên cứu khoa học chính trị và quốc tế tại Đại học Dickinso, Mỹ.
"Trận Trân Châu Cảng cho thấy quân đội cần phải luôn sẵn sàng chiến đấu, ngay cả trong thời bình", ông nói. Sự xuất hiện của Chiến tranh Lạnh đồng nghĩa với việc Mỹ cần phải có một cơ cấu quân đội thống nhất để chiến đấu chống lại đối phương nếu bị tấn công, theo Stuart.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo thời hậu chiến cũng nhận thức được nguy cơ khi hệ thống bị quân sự hóa. "Mỹ muốn tránh những gì đã xảy ra ở Đức và Nhật Bản, nơi quân đội thống trị nền dân chủ", ông nói. Đồng thời, họ muốn tránh việc quân đội tham gia vào các cuộc chiến liên tục hay thậm chí vô nghĩa.
Quan điểm đó đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm các tướng lĩnh đang tại ngũ hoặc vừa rời khỏi quân ngũ nắm giữ vị trí bộ trưởng quốc phòng, nhằm đảm bảo sự kiểm soát của yếu tố dân sự đối với quá trình ra quyết định của quân đội.
Kể từ khi đạo luật này được thông qua, mới chỉ có một ngoại lệ duy nhất khi chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ được trao cho một tướng lĩnh. Đó là trường hợp tướng 5 sao George C. Marshall được Tổng thống Harry Truman chọn làm bộ trưởng quốc phòng năm 1950. Ông Marshall khi đó vẫn trong quân ngũ và đến năm 1959 mới giải ngũ. Quốc hội Mỹ đã thực hiện quy trình phê chuẩn đặc biệt để cho phép ông Marshall lãnh đạo Lầu Năm Góc với sự ngầm định rằng đây là ngoại lệ duy nhất.
Các lãnh đạo quân sự Mỹ hiện vẫn nghiêm túc giữ tính trung lập chính trị. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầy biến động vừa qua, cả Bộ trưởng Quốc Ash Carter và tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đều đứng ngoài vấn đề chính trị.
Họ làm vậy có thể do lo ngại rằng ứng viên mà họ chỉ trích có thể trở thành tổng tư lệnh và họ phải tuân theo mệnh lệnh của người đó. Các lãnh đạo quân đội phải duy trì được sự tín nhiệm từ công chúng và các nhà lập pháp của lưỡng đảng để có thể cung cấp lời khuyên tốt nhất, mà không khiến đặt ra câu hỏi về động cơ chính trị.
Loren DeJonge Schulman, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, cho rằng bất cứ ngoại lệ nào cũng cần được cân nhắc cẩn thận.
"Tạo ra các ngoại lệ có thể khiến mọi người đặt câu hỏi trong tương lai rằng liệu một nhà lãnh đạo quân sự có đưa ra lời khuyên có lợi cho một đảng hoặc một chính quyền để thăng tiến hay không", bà nói.
Xem thêm: Ưu ái tướng về hưu, Trump gây lo ngại về nội các quân sự hóa
Tướng 'thầy tu chiến binh' - ông chủ tiềm năng của Lầu Năm Góc
Phương Vũ