Theo The Diplomat, ông Tập rõ ràng là khách mời danh dự nổi bật trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng 9/5 vừa qua, khi ngồi ngay bên cạnh Putin trong cuộc duyệt binh, còn Tổng thống Kazakhstan, Nursultan Nazarbaev, người đóng vai trò then chốt trong việc thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu ngồi cách tổng thống Nga một người.
Trước đó, để tạo đà cho chuyến thăm, ông Tập đã cử Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng Trung Quốc Lật Chiến Thư, người thường được coi là một trong những phụ tá thân cận nhất của ông, đến gặp Putin hồi tháng ba. Cuộc gặp gỡ Putin với tư cách phái viên cấp cao của ông Lật được cho là dấu hiệu thể hiện việc ông Tập coi trọng chuyến thăm Moscow.
Theo Duowei News, Tâp Cận Bình không phải nguyên thủ đầu tiên của Trung Quốc tham dự duyệt binh tại Moscow. Năm 1957, Mao Trạch Đông đã dự duyệt binh kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng 10. Năm 2005, Hồ Cẩm Đào cũng từng tham gia lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, tuy nhiên đây là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc được sắp xếp chỗ ngồi bên cạnh tổng thống Nga.
Quân đội Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên được Nga mời duyệt binh cùng. Trong khi đội danh dự của 9 nước khác gồm Ấn Độ, Mông Cổ, Turkmenistan, Kazakhstan, Armenia, Serbia, Kyrgyzstan, Belarus, Azerbaijan, chỉ gồm 70 người, đội diễu hành của Trung Quốc có 112 người.
Để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh hôm 9/5, đội danh dự của quân đội Trung Quốc tuần trước đã hát ca khúc "Kachiusa" khi diễu hành qua đường phố ở nước nhà, trong bộ đồng phục màu xanh ô liu mới được thiết kế cho dịp này. Đây là lần thứ 5 đội danh dự của PLA duyệt binh ở nước ngoài, nhưng là lần đầu tiên được dẫn đầu bởi lãnh đạo cao nhất. Ông Tập cũng là Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của PLA.
Theo tác giả lấy bút danh The Saker tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa, sự hiện diện của ông Tập bên cạnh Putin trong lễ kỷ niệm, và cuộc tập trận song phương ở Địa Trung Hải sẽ diễn ra sau đó nhằm gửi một thông điệp trực tiếp và mạnh mẽ đến thế giới rằng, trong cuộc đối đầu giữa các ông lớn, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh của mình để hỗ trợ Nga.
"Việc này gửi một thông điệp rằng Trung Quốc đang đứng bên Nga trong thời điểm đầy thách thức, hỗ trợ Nga khi bị các lãnh đạo phương Tây cô lập", Tian Chunsheng, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu phát triển Nga của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự.
Tian cho rằng, với với việc nhấn mạnh Nga và Trung Quốc đều từng là chiến trường cuộc đại chiến 70 năm trước, "Nga đang nói với thế giới rằng nếu nước này có thể vượt qua những trận đấu ác liệt trong Thế chiến II, thì Moscow cũng sẽ không bị đe dọa bởi lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây".
Xinhua tuần trước dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Nhiều thập niên trước, Trung Quốc và Nga đã chia sẻ niềm vui và nỗi đau, thiết lập một tình bạn trong thời chiến không thể phá vỡ với máu những người lính đã đổ xuống". Tuy nhiên, thực chất, mối quan hệ giữa hai nước trong 7 thập kỷ từ sau Thế chiến II không phải lúc nào cũng êm ấm. Tranh chấp về địa lý và ý thức hệ đã gây ra sự chia rẽ Trung-Xô năm 1960. Đến những năm 1980, quan hệ Trung-Nga mới bắt đầu tan băng, hai nước năm 2001 củng cố quan hệ thông qua bước ngoặt "thỏa thuận hữu nghị".
Theo NY Times, kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt vì khủng hoảng Ukraine, các chính trị gia và truyền hình nhà nước Nga đã quảng bá hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia có thể cung cấp cho Moscow nguồn đầu tư và thị trường lớn, đồng thời thấu hiểu giá trị Nga và công nhận lợi ích trong khu vực của nước này. Truyền thông Nga muốn thể hiện đây là những điều làm Trung Quốc khác với các nước phương Tây.
"Ông Tập quan trọng đối với Putin, cho hình ảnh của nước Nga", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định.
Sự xuất hiện chung ở Moscow là thời điểm tốt cho cả hai bên, Li Xin, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Nga và Trung Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nói. "Nga cần đối tác nhiều hơn trong giai đoạn bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và Trung Quốc chắc chắn là một trong những bên lý tưởng", ông Li nói.
"Việc Mỹ 'tái cân bằng' trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sử dụng Nhật Bản và các vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, cũng khiến Bắc Kinh và Moscow tăng cường mối quan hệ", Li nhận xét.
Trở ngại trong quan hệ
Trước thềm lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Bắc Kinh và Moscow đã đạt được một số thỏa thuận lớn. Trung Quốc hứa sẽ đầu tư vài tỷ USD cho tuyến đường sắt nối Moscow và Kazan. Hai nước cũng ký một hợp đồng trị giá khoảng 3 tỷ USD về việc thành lập công ty liên doanh Trung - Nga, sẽ mua máy bay chở khách và cho thuê ở châu Á, cùng các thỏa thuận khác về nông nghiệp và tín dụng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn nghi ngờ về triển vọng quan hệ Nga - Trung. Shi cho rằng quan hệ hai nước chỉ là "quan hệ đối tác chiến lược" chứ không thể lên đến mức đồng minh.
Theo cây bút Jane Perlez của NY Times, Trung Á vốn được coi là "sân sau" của Nga nhưng Trung Quốc đang nâng cao ảnh hưởng trong những năm gần đây với hứa hẹn về vành đai kinh tế Con đường tơ lụa. Ngay trước thềm lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Nga và Trung Quốc đã đàm phán để tránh một cuộc "đụng độ", tranh giành lợi ích giữa Con đường tơ lụa của Trung Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu của Nga. Tuy nhiên, rõ ràng Trung Quốc đã phần nào lấn lướt Nga khi cam kết đầu tư xây dựng đường giao thông, đường ống và đường sắt ở Trung Á, những hạng mục lớn tốn kém mà Nga không đủ khả năng cấp vốn trong thời kỳ khó khăn kinh tế hiện tại. Ngay trên đường đến Moscow, ông Tập đã có chuyến thăm Kazakhstan, đồng minh quan trọng tại Trung Á của Nga.
Cách đây một năm, hai nước đã ký kết thỏa thuận năng lượng 400 tỷ USD tại Thượng Hải và một thỏa thuận có giá trị nhỏ hơn vài tháng sau đó, dự kiến sẽ đưa khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Edward C. Chow, chuyên gia cao cấp về năng lượng và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng những thỏa thuận này chưa có tiến triển thực tế. Trong lần gặp mới đây nhất, hai nước vẫn chưa thể thống nhất về giá của đường dẫn khí đốt mới từ Siberia đến Trung Quốc.
"Trung Quốc vẫn chưa xúc tiến các khoản cho vay và thanh toán khí đốt", ông nói. "Đàm phán về việc Bắc Kinh mua cổ phần trong các mỏ dầu và khí đốt của Nga vẫn chưa đi đến đâu".
"Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau nhưng việc này khó có thể dài hạn", Bilahari Kausikan, cựu thư ký thường trực tại Bộ Ngoại giao Singapore nói. "Cứ theo quỹ đạo hiện giờ thì Nga sẽ trở thành đối tác lép vế với Trung Quốc. Nga sẽ chịu được việc này sao? Tôi không cho là thế".
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, những trở ngại này vẫn không thể ngăn cản việc ông Putin và ông Tập tái khẳng định các thỏa thuận và đưa ra những "thông báo lớn mới". "Đó là điều các lãnh đạo thường làm khi gặp nhau", ông Chow nói.
Phương Vũ