Sau khi Nga mở chiến dịch không kích nhắm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nơi Mỹ cũng triển khai chiến dịch oanh kích từ trước đó một năm, các chuyên gia phân tích tại viện Chatham House, một tổ chức tư vấn độc lập về quan hệ quốc tế có trụ sở ở Anh, cho rằng hai cường quốc đang bước vào giai đoạn ganh đua địa chính trị đầy quyết liệt.
Ưu tiên của Nga
Kể từ sau Thế chiến II, đây là lần đầu tiên nước Nga hiện đại có hành động can thiệp quân sự ở xa lãnh thổ. Hồng quân Liên Xô từng tham chiến ở Afghanistan vào thập niên 1980, nhưng nước này có chung đường biên giới với Liên bang Xô Viết vào thời kỳ đó. Vào thập niên 1960, Liên Xô có cử các cố vấn quân sự tới Ai Cập, nhưng họ không tham chiến.
Theo chuyên gia James Nixey, phụ trách chương trình Nga và lục địa Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mục đích của Nga cho những động thái trên có thể nhằm đạt được sự công nhận, tôn trọng và ảnh hưởng. Điều đó có thể thấy trong những diễn biến gần đây ở Crimea hay tại miền đông Ukraine.
Trong cuộc xung đột ở Syria, ông Nixey cho rằng ý định cụ thể của Nga là đưa đất nước tới niềm "vinh quang", được làm mũi giáo tiên phong trong một liên minh quốc tế chống phiến quân IS; hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi cuộc chiến ở miền đông Ukraine; ngăn chặn sự thành lập của một chính phủ thân phương Tây ở Damascus và giữ vững mối quan hệ bảo trợ-đồng minh với Syria; và cuối cùng là nhận thức rằng Nga phải "làm gì đó" nhằm ngăn chặn làn sóng phiến quân Hồi giáo lan nhanh. Nhưng trên tất cả là quan niệm về mối đe dọa cũng như vị thế lấn lướt của phương Tây.
Mục tiêu của Mỹ
Trong khi đó, các chuyên gia của tổ chức tư vấn độc lập này đánh giá mối quan tâm lớn nhất của Mỹ và phương Tây ở Syria cũng là an ninh và chính bản thân họ.
Trên mảnh đất Syria, mối quan tâm này đồng nghĩa với việc đặt ưu tiên tiêu diệt phiến quân IS và các nhóm khủng bố khác có những hành động chống lại phương Tây. Khi IS và các tổ chức khủng bố trỗi dậy, lò lửa Syria thu hút hàng chục ngàn công dân châu Âu, Mỹ tới tham chiến và trở thành mối đe dọa khi trở về nước. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ đang diễn ra ở châu Âu.
Mục tiêu khác của Mỹ ở Syria, theo bà Xenia Wicket thuộc Học viện Queen Elizabeth II, là xây dựng một quốc gia mà họ coi là "dân chủ" về dài hạn. Điều này đồng nghĩa với việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, một đồng minh của Nga ở Syria, xây dựng một chính phủ đa thành phần hơn với sự tham gia của cả các phe phái đối lập do Mỹ hậu thuẫn.
Bà Wicket cho rằng Mỹ và các nước phương Tây có quan tâm đến tính mạng của người dân Syria nhưng mối quan tâm này không thấm vào đâu khi đặt cạnh những lợi ích ích kỷ, hay ít nhất là các toan tính chính trị trong nước của họ.
Giải pháp
Ưu tiên của Nga - Mỹ tại Syria nói riêng và ở khu vực Trung Đông nói chung là khác nhau, khiến tình hình Syria khó có thể cải thiện được trong tương lai gần, theo các chuyên gia trên.
Các bên có thể đạt được một giải pháp cùng có lợi cho cuộc khủng hoảng này nếu đạt được mục tiêu chính là mang lại hòa bình cho Syria bằng cách tạo ra một chính phủ liên minh mới, có sự tham gia của cả đại diện chính quyền Assad lẫn phe nổi dậy. Muốn vậy, Mỹ và Nga cần phải làm việc cùng với nhau để đưa ông Assad và phe nổi dậy cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Đây là thời điểm thuận lợi để Nga gây sức ép buộc ông Assad phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria, trước khi những biến cố xảy ra có thể khiến Nga lún sâu hơn vào cuộc xung đột.
Nếu Nga và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên minh mới ở Syria, nó sẽ như một đòn mạnh giáng vào phiến quân IS đang suy yếu, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố quốc tế và giảm bớt dòng người tị nạn. Với việc Nga đóng vai trò trung tâm trong quá trình này, Moscow sẽ đạt được mục đích của mình là chiếm thế thượng phong trước Mỹ trong vấn đề Syria, để được người dân trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Phương án này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên có thể đạt được mục đích của mình.
Hiện cả Nga và Mỹ đều chưa lựa chọn đi theo con đường này, và vẫn đang theo đuổi những mục đích riêng trong cuộc ganh đua địa chính trị ở Syria. "Chúng tôi không có ý định hợp tác trong một chiến lược, mà như chúng tôi đã giải thích trước đây, là một sai lầm, sai lầm nghiêm trọng của phía Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố trước báo chí ngày 7/10.
Trí Dũng