Việc triển khai tàu khu trục USS Lassen đến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo, là quyết định cực chẳng đã của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi ông mất hết kiên nhẫn với Bắc Kinh, tờ Nikkei Asia Review cho biết. Lập trường không nhượng bộ của ông Tập trong việc theo đuổi các dự án bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông đã khiến thái độ của Tổng thống Obama với Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn.
Bình luận viên Hiroyuki Akita ghi nhận các lãnh đạo thế giới nhìn chung được chia thành hai tuýp. Tuýp thứ nhất là những người tin họ có thể giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, kể cả với kẻ thù. Thứ hai bao gồm những người nghĩ rằng có một số đối thủ mà việc dùng lý lẽ với họ là bất khả thi.
Theo một số quan chức cấp cao Mỹ, Tổng thống Obama là ví dụ điển hình của tuýp lãnh đạo đầu tiên. Ông là người khá dè dặt trong việc triển khai quân sự để giải quyết vấn đề dù có thể bị ép đến tận cùng của sự chịu đựng.
Hy vọng có thể thuyết phục ông Tập đối thoại cởi mở và thành thực, ông Obama hôm 24/9 tổ chức cuộc ăn tối không chính thức tại nhà khách chính phủ Blair ở Washington. Chỉ có duy nhất hai nhà lãnh đạo cùng một nhóm cố vấn thân cận của họ tham dự. Hoạt động cải tạo và bồi đắp đất phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những chủ đề chính mà ông Obama muốn thảo luận.
Giới phân tích nhận định bồi đắp đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp tự thân nó đã là một hành động gây tranh cãi, tuy nhiên Bắc Kinh còn khiến rủi ro gia tăng bằng cách tiến hành xây dựng các cơ sở quân sự trên một số thực thể này.
Trong bữa tối, Tổng thống Obama dành nhiều thời gian đề cập sâu đến vấn đề trên, đồng thời hối thúc ông Tập ngừng xây dựng những cơ sở quân sự. Theo các nguồn tin chính phủ Mỹ, ông chủ Nhà Trắng đã không đạt được mong muốn bởi ông Tập kiên quyết khước từ mọi lời kêu gọi.
Bước ngoặt
Theo Nikkei Asia Review, ngay sau cuộc gặp, ông Obama tức tốc chỉ thị cho một trợ lý thân cận liên lạc với đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, để truyền lệnh lên kế hoạch triển khai chiến hạm đến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Kế hoạch tuần tra của chiến hạm Mỹ nhằm truyền thông điệp đến Bắc Kinh và các nước láng giềng rằng họ không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể này.
Giới quan chức quân sự cấp cao Mỹ lên kế hoạch trên từ hồi tháng 6. Các chỉ huy quân đội muốn hành động ngay lập tức nhưng Tổng thống Obama chưa cho phép. Ông hy vọng cuộc gặp mặt đối mặt với ông Tập sẽ giúp giải quyết vấn đề mà không cần động đến tàu chiến.
Nhưng ông Obama sau đó nhận ra rằng thái độ hòa hoãn không thể thuyết phục Bắc Kinh hợp tác, Edward Luttwak, nhà chiến lược quân sự nổi tiếng của Mỹ, cho hay. Sứ mệnh tuần tra các đảo nhân tạo được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Chính Bắc Kinh đã tự làm khó mình về vấn đề này.
Hệ lụy
Nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á đã thúc giục Mỹ triển khai tàu hải quân đến Biển Đông để tuần tra các đảo nhân tạo. Theo lập trường của họ, sự ổn định của khu vực phụ thuộc vào những động thái phản đối toan tính thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sứ mệnh này cũng đi kèm không ít rủi ro. Nếu lực lượng quân sự Trung Quốc tìm cách chặn chiến hạm Mỹ, xung đột có thể xảy ra dù không bên nào mong muốn.
Song, vẫn còn quá sớm để xác nhận rằng ông Obama đã hoàn toàn từ bỏ mong muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại. Thái độ sẵn sàng thương lượng ngay cả với những đối thủ lâu đời của ông được cho là tác nhân dẫn đến việc ký kết bản thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba. Ông Obama sẽ không vội vã từ bỏ cách tiếp cận được chứng minh là rất có hiệu quả này, cây bút Hiroyuki Akita đánh giá.
Xem thêm: Vì sao Mỹ chọn tuần tra gần đá Vành Khăn và Subi
Hồng Vân