Sau nhiều lần cảnh báo rằng "nước Mỹ đang bị Trung Quốc xâu xé tệ hại" về thương mại và "họ đang chơi chúng ta như kéo đàn" trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên, tỷ phú Donald Trump đã nâng mức độ công kích Trung Quốc lên một bậc vào tuần trước, khi tuyên bố nước này "đang cưỡng bức Mỹ" bằng những bất công trong thương mại, theo Politico.
Tuyên bố của Trump về "trò trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới" này là một trong 4 chủ đề được bàn tán xôn xao nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trong tuần qua, thế nhưng phản ứng của báo giới và cộng đồng mạng nước này với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa lại tỏ ra hòa nhã một cách đáng ngạc nhiên.
Phần lớn những bình luận trên Weibo đều có những biểu tượng mặt cười hoặc những câu bông đùa. Global Times, tờ báo nổi tiếng với tư tưởng cứng rắn của Trung Quốc, thậm chí còn cho rằng quan hệ thương mại Trung – Mỹ trong thực tế đang có lợi cho nước Mỹ, đồng thời khẳng định rằng tuyên bố của Trump chỉ là một chiêu trò để thu hút cử tri chứ không hề có ác ý nhắm tới Trung Quốc.
Trang web Interface do nhà nước Trung Quốc quản lý còn đăng một bài viết ca ngợi rằng phát ngôn "cưỡng bức" này sẽ giúp Trump trở thành tổng thống Mỹ. "Tổng thống Mỹ tốt hơn hết là nên quan tâm đến các thương vụ hơn là quyết liệt truyền bá các giá trị dân chủ Mỹ ra nước ngoài hay tăng cường các quan hệ liên minh ở châu Á", bài viết nhấn mạnh.
Theo bình luận viên Aaron Mak của Politico, những người thường xuyên theo dõi các bài phát biểu của Trump hẳn sẽ tưởng tượng ra rằng Trung Quốc đang lo sợ với những phát ngôn mạnh miệng của ông. Trong lịch sử nước Mỹ, hiếm có ứng cử viên tổng thống nào lại không ngớt lời công kích một đối tác hòa bình đến như vậy.
Trump đã không tiếc lời cáo buộc Trung Quốc "làm giá" đồng tiền và ăn cắp việc làm của người Mỹ, đồng thời cam kết sẽ áp đặt mức thuế tới 45% đối với các mặt hàng Trung Quốc nhằm ngăn chặn nguồn hàng giá rẻ từ quốc gia đông dân nhất thế giới này tràn vào Mỹ. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump cũng nói về Trung Quốc hơn bất cứ chủ đề đối ngoại ưa thích nào khác của ông như Mexico hay Nhà nước Hồi giáo (IS).
Những lời công kích nặng nề đó đã khiến các chuyên gia kinh tế, nhà ngoại giao và những người ủng hộ tự do thương mại thấy bất an. Thế nhưng có một nhóm người lại tỏ ra lạc quan một cách đáng ngạc nhiên, thậm chí là phát cuồng, với ông Trump và những tuyên bố này, đó chính là người Trung Quốc, Mak nhận định.
Gió đảo chiều
Dù chính phủ Trung Quốc từ chối bình luận về các phát ngôn của Trump, một cuộc khảo sát được các tờ báo chính thống và mạng xã hội Trung Quốc thực hiện cho thấy ngày càng nhiều người dân nước này tin rằng việc tỷ phú Trump trở thành tổng thống Mỹ sẽ mang lại nhiều lợi lộc cho Trung Quốc hơn là đối thủ Hillary Clinton.
Nhiều người công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với khả năng kinh doanh, thương hiệu khổng lồ và cả tính cách "thẳng như ruột ngựa" của ông Trump. Những người khác thì cho rằng chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của tỷ phú sẽ giúp Trung Quốc có vị thế cửa trên trong quan hệ hai nước, tạo thêm không gian để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.
Mới chỉ cách đây một năm, người dân Trung Quốc có cái nhìn hoàn toàn khác về Trump. Khi Trump mới tuyên bố ra tranh cử, các tờ báo Trung Quốc đã gọi ông này là "gã hề". Thế nhưng khi tỷ phú liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ và đưa ra các chính sách đối ngoại của mình, ông đã được truyền thông Trung Quốc đón nhận tích cực hơn.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, sự ủng hộ giành cho ông Trump cũng tăng chóng mặt. Người dùng mạng Weibo thậm chí còn lập hẳn những nhóm lớn như "Câu lạc bộ những người cuồng Trump" hay "Donald Trump Vĩ nhân". Cuộc khảo sát do Global Times thực hiện cuối tháng ba cho thấy 54% độc giả ủng hộ Trump làm tổng thống, cao hơn hẳn tỷ lệ 40% của người Mỹ hiện nay.
"Trump là người rất, rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng Trung Quốc", Kecheng Fang, chuyên gia nghiên cứu về truyền thông Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, cho biết.
Phần lớn sự ngưỡng mộ mà người dân Trung Quốc dành cho Trump đều xuất phát từ khả năng kinh doanh của ông, bởi "người Trung Quốc ngày nay luôn ám ảnh với các doanh nhân thành công", Xincheng Shen, phóng viên kỳ cựu của tờ The Paper, cho hay. Hơn một thập kỷ qua, cái tên Trump đã len lỏi vào thị trường Trung Quốc, với những dự án khách sạn hạng sang ở Mỹ và Đông Nam Á chuyên dành cho du khách Trung Quốc, bên cạnh những dự án đang ấp ủ ở Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải.
Trump cũng từng khoe về những thương vụ thành công với người Trung Quốc. "Tôi làm ăn rất tốt với họ. Tôi bán cho họ các căn hộ. Tôi có ngân hàng lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, lớn nhất cho đến nay. Họ là người thuê chủ yếu trong tòa chung cư của tôi ở Manhattan", ông nói tuần trước.
Chương trình truyền hình thực tế The Apprentice của Trump cũng thu hút đông đảo khán giả Trung Quốc, trong khi tài khoản Weibo của Ivanka Trump, ái nữ của nhà tài phiệt, có tận 15.000 người hâm mộ. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí còn lấy tỷ phú làm nguồn cảm hứng đặt tên cho công ty, chẳng hạn như xí nghiệp sản xuất bệ xí hạng sang Trump Thâm Quyến hay công ty tư vấn bất động sản Trump ở Hà Nam và nhà sản xuất máy lọc không khí Trump Electronics ở An Huy.
Ngư ông đắc lợi
Rất nhiều người Trung Quốc tin rằng tài kinh doanh của ông Trump sẽ biến thành chủ nghĩa thực dụng chính trị trong các lĩnh vực an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, giúp Trung Quốc hưởng lợi rất lớn.
Trump đã nhiều lần chất vấn về cái lợi của việc duy trì lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á, cho rằng chúng ngốn quá nhiều tiền của Mỹ và tạo điều kiện cho các đồng minh như Nhật Bản lợi dụng sự ủng hộ của Mỹ vào các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. "Nếu chúng ta bị tấn công, họ không phải đến bảo vệ chúng ta. Nhưng nếu họ bị tấn công, chúng ta lại phải gồng mình bảo vệ họ. Đó là một vấn đề thực sự", Trump nói với tờ NYTimes hồi cuối tháng ba.
Báo chí Trung Quốc đặc biệt hào hứng với tuyên bố này của ông Trump, bởi từ lâu Trung Quốc luôn coi sự hiện diện của các căn cứ quân sự, tàu chiến Mỹ trong khu vực là "cái gai trong mắt". Bài xã luận đăng trên Global Times một ngày sau tuyên bố của ông Trump nhận định: "Từ đó có thể dự đoán rằng nếu Trump trở thành tổng thống, ông ta sẽ chọn hợp tác với Trung Quốc, và Nhật Bản sẽ không còn được hưởng lợi".
Theo bình luận viên Mak, nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ có thêm không gian để vùng vẫy. Bài viết hồi tháng trước đăng trên People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chính sách phớt lờ các đồng minh châu Á của ông Trump sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành thế lực quân sự thống trị ở Thái Bình Dương.
Theo ông Shen, dưới con mắt của một doanh nhân, ông Trump nhiều khả năng sẽ rút khỏi châu Á không nhiều tiềm năng về dầu mỏ để tập trung vào Trung Đông. "Có vẻ như ông Trump chỉ muốn dùng sức mạnh quân sự vào việc gì đó mỗi khi có lợi ích về kinh doanh", Shen nhận định.
Các nhà quan sát Trung Quốc cũng tin rằng những tuyên bố "trừng phạt Trung Quốc về thương mại" mà ông Trump đưa ra chỉ đơn thuần là một chiêu trò để thu hút cử tri, và nếu trúng cử, ông sẽ có những chính sách hài hòa hơn. Việc ông kiên quyết phản đối hiệp định thương mại TPP cũng khiến nhiều tờ báo Trung Quốc tin rằng tỷ phú này sẽ cởi mở trong quan hệ thương mại với Trung Quốc hơn những gì ông nói.
Một lý do nữa khiến người Trung Quốc phát cuồng với Trump là nỗi lo ngại về các chính sách của bà Hillary Clinton. Chiến lược "xoay trục châu Á" do bà khởi xướng khi còn là ngoại trưởng Mỹ từ lâu đã khiến Trung Quốc bất an, coi đây như một nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Chiến lược của bà Clinton "tạo nên sự bất mãn trong cộng đồng mạng Trung Quốc", giáo sư Wu Xinbo tai Đại học Fudan ở Thượng Hải, nói. Trong khi đó, "tính cách bộc trực và thẳng thắn của Trump giúp ông có thêm nhiều sự ủng hộ", chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, cũng không phải là không có những người Trung Quốc phản đối các quan điểm của Trump. Trong một bài phỏng vấn mới đây trên WSJ, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei đã gọi Trump là "loại người phi lý". Global Times cũng bình luận rằng tuyên bố của tỷ phú về việc cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản vũ trang hạt nhân là "liều lĩnh".
Thế nhưng, những lời nói chống lại Trump lại thường đi liền với các luận điệu chống Mỹ. Nhiều nhà báo Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy của Trump là minh chứng cho những "sai sót trầm kha" trong hệ thống chính trị Mỹ. "Sự vươn lên của Trump và Bernie Sanders cho thấy rõ rằng người Mỹ đã mất niềm tin vào hệ thống chính trị của mình", một phóng viên Trung Quốc viết.
Tất cả những điều đó chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. "Sức mạnh quốc gia chúng ta đang lớn dần, còn của Mỹ đang suy thoái. Khi nước Mỹ vào tay Trump, thất bại của họ sẽ là thắng lợi của Trung Quốc", một bài báo gần đây trên Global Times nhấn mạnh.
Xem thêm: Người Trung Quốc thấp thỏm với sự trỗi dậy của Donald Trump
Trí Dũng