Theo Fox News, một số nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đều không gây hại cho mọi người xung quanh. Những nhân tố khác, ví dụ: cảm giác bị cô lập, sự tức giận, tình trạng lạm dụng rượu bia, chất kích thích, mới là những tác nhân chủ yếu dẫn đến việc một cá nhân nào đó thực hiện các hành vi không thể tưởng tượng được như điều khiển máy bay gây tai nạn, giáo sư tâm thần học pháp y Seena Fazel tại Đại học Oxford, Anh, nhận xét.
Một cuộc thăm dò do ông Fazel thực hiện trên 47.000 người ở Thụy Điển cho thấy người mắc hội chứng trầm cảm có nguy cơ thực hiện những hành vi bạo lực cao gấp ba lần người bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm thật sự phạm tội bạo lực rất thấp, chỉ khoảng 3,7% đối với nam và 0,5% đối với nữ, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Psychiatry.
"Khi một người đàn ông trẻ tuổi cảm thấy giận dữ, bất mãn và bị xã hội xa lánh, thì đó không phải là biểu hiện của chứng rối loạn tâm lý", ông Fazel nói khi được hỏi liệu các bất ổn về tâm thần có phải là nguyên nhân chính khiến cơ phó Lubitz gây ra thảm họa.
Giáo sư Paul Summergrad, chủ tịch Hiệp hội Tâm thần Mỹ kiêm chủ tịch khoa tâm thần học tại Đại học Y khoa Tufts, cũng cho hay 7% người Mỹ mắc hội chứng trầm cảm nhưng phần lớn trong số này "không tự tử hay đe dọa đến tính mạng của người khác". Ông thêm rằng không quy trình kiểm tra hay đánh giá tâm lý nào có thể phát hiện những người có ý đồ.
Đến nay, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về tình trạng bệnh cũng như động cơ của Lubitz. Các công tố viên cho biết anh này được chuẩn đoán mắc bệnh về tâm thần và từng tiết lộ với một nhà tâm lý về ý định tự tử trước khi nộp đơn thi bằng lái máy bay. Nhưng những điều tra chính thức cũng như đánh giá chi tiết vẫn chưa được công bố. Dù cảnh sát tìm thấy thuốc trị trầm cảm tại căn hộ của Lubitz ở Dusseldorf, Đức, nhưng loại thuốc này có thể được kê cho rất nhiều loại bệnh khác nhau, không chỉ riêng chứng trầm cảm.
"Để biết trước được việc ai đó muốn tự tử là điều cực kỳ khó khăn", David Clark, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y Wisconsin, bình luận. "Có những bệnh nhân luôn cảm thấy không an toàn và họ rất dứt khoát không chỉ trong ý định tự sát mà còn về động lực dẫn tới hành vi. Những người này thường giữ kín mọi suy nghĩ của mình với bác sĩ và gia đình".
Sự kỳ thị gia tăng
Theo New York Times, sau những gì xảy ra với chuyến bay 9525, các hãng hàng không, chuyên gia y tế và nhà điều hành bay buộc phải có những động thái rõ ràng để làm giảm thái độ kỳ thị đối với những người mắc bệnh tâm lý, khuyến khích các phi công trung thực hơn khi khai báo những vấn đề của mình, đồng thời thiết lập các quy chế nghiêm ngặt nhằm tuyển chọn những phi công đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Hồi tháng 12/2012, Adam Lanza, 20 tuổi, một học sinh giỏi nhưng bị rối loạn nhân cách và mắc chứng tự kỷ dạng nhẹ, bắn chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em, ở trường tiểu học Sandy Hook thuộc khu vực Newtown, quận Fairfield, tiểu bang Connecticut, Mỹ, sau đó tự sát. Trước khi vụ nổ súng xảy ra, y bắn chết mẹ mình, một tình nguyện viên của trường. Đây là vụ nổ súng tại trường học nghiêm trọng thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ.
Vụ thảm sát hướng sự chú ý của công chúng vào trách nhiệm của những nhà trị liệu tâm lý. Nhiều bang của Mỹ sau đó thay đổi luật, mở rộng những trường hợp cho phép các bác sĩ báo cáo về khả năng bạo lực tiềm tàng của bệnh nhân tới cơ quan chức năng mà không phải lo sợ về những hệ quả pháp lý.
Nhưng quy định này gây ra không ít tranh cãi. Chuyên gia cho rằng việc liên hệ các hành vi bạo lực với chứng rối loạn tâm thần sẽ mang đến tác động tiêu cực, khiến người mắc bệnh cố gắng che giấu tình trạng của mình cũng như không tới các cơ sở y tế để điều trị.
"Những chính sách kiểu như vậy sẽ chỉ làm gia tăng lo lắng, nghi kỵ, khiến nhiều người có suy nghĩ 'mình phải giấu kín các triệu chứng bằng mọi giá'. Điều này không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào", ông Ron Honberg, giám đốc phụ trách chính sách và pháp lý tại Liên minh Quốc gia Trợ giúp Người mắc bệnh tâm lý Mỹ, nhận định.
Việc thừa nhận mình đang mang một hội chứng về tâm lý nào đó được cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với bất kỳ ai, đặc biệt là trong ngành hàng không khi các phi công luôn được yêu cầu phải có sức khỏe tốt và thần kinh ổn định. "Sự kỳ thị là rất lớn", ông William Hurt Sledge, giáo sư tâm thần học tại Đại học Yale, chuyên gia tư vấn cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), nhận xét. "Tất nhiên, vì thế mà không ai muốn bệnh tình của mình bị phát hiện hay thừa nhận có bệnh", ông nói thêm.
Việc các phi công quá lo sợ về hệ quả có thể xảy đến khi công khai tình trạng bệnh là một trong những nguyên nhân khiến FAA năm 2010 nới lỏng chính sách, cho phép phi công sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm nhất định và vẫn được phép bay trong trường hợp bệnh nhẹ. Trước khi áp dụng những điều chỉnh này, nhiều phi công phải tìm đến các bác sĩ tư để nhận thuốc trầm cảm nhưng giấu những thông tin này với hãng hàng không và nhà điều hành bay.
Theo một thăm dò của chính phủ, cứ 10 người Mỹ thì có một người sử dụng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, rất ít phi công đang dùng thuốc với chỉ dẫn từ cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc, các phi công phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt gồm những đợt đánh giá thường xuyên và trị liệu liên tục.
"Những thông tin ít ỏi (về cơ phó Lubitz) được đưa ra đến thời điểm hiện tại khiến nhiều người phải tự vỗ trán mà than rằng 'có ai đó phải biết điều này chứ'", bác sĩ Clark nói. "Nhưng tất cả những gì chúng ta nắm trong tay chưa thể tạo nên bức tranh hoàn chỉnh tái hiện toàn bộ vụ việc", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (theo NYTimes/ Fox News)