Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế, nguyên tổng thư ký kiêm phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung chia sẻ với VnExpress về cuộc tọa đàm hôm 1/6 trên đài truyền hình Phượng Hoàng với các chuyên gia đến từ Đài Loan và Trung Quốc Đại lục.
Ông Phan cho biết đài Phượng Hoàng phỏng vấn ông với tư cách là chuyên gia Việt Nam nhận định về các tác động sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama. Chương trình được chủ trì bởi MC nổi tiếng Trung Quốc Hồ Nhất Hổ, khách mời gồm ông Phan, một chuyên gia tới từ Đài Loan và một nữ tiến sĩ kinh tế Đại lục từng học tiếng Việt ở Việt Nam và nhiều cử tọa khác. Chương trình tọa đàm được thực hiện tại trường quay ở Bắc Kinh, riêng với ông Phan được thực hiện qua điện thoại, các khách mời hỏi đáp với nhau, nội dung tọa đàm được phát trực tiếp trên sóng của đài Phượng Hoàng tới hơn 150 nước.
Đây là lần thứ 4 ông Phan trả lời đài Phượng Hoàng và cũng là lần ông cho biết cảm thấy hài lòng nhất vì truyền tải tương đối trọn vẹn thông điệp tới phía Trung Quốc.
"Vài ngày trước tọa đàm, họ gửi câu hỏi để tôi chuẩn bị", ông Phan kể. Trọng tâm trong lần phỏng vấn lần này là quan hệ Việt – Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama và quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam. Ba lần phỏng vấn trước đó, đài Phượng Hoàng thường cắt ngang nhiều câu của ông Phan với lý do "không đủ thời gian". Rút kinh nghiệm, lần này ông Phan đề nghị sẽ trả lời một lượt cả ba câu hỏi do đài Phượng Hoàng đưa ra trước đó.
Mở đầu chương trình, MC Hồ Nhất Hổ nói bằng giọng điệu gay gắt: "Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Việt Nam đã mời Mỹ vào cảng Cam Ranh để kiềm chế Trung Quốc? Hai nước này bắt tay nhau chống lại Trung Quốc?". Đáp lại, ông Phan khẳng định Việt Nam không cho phép nước ngoài hiện diện quân sự trong lãnh thổ của mình hay đồn trú ở quân cảng Cam Ranh. Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thể hiện mối quan hệ Việt – Mỹ đã thực sự bình thường. Việt Nam cũng không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba.
"Tôi nói với họ rằng chính một quốc gia khác, với việc ra sức mở rộng và đặt các vũ khí chiến lược lên các bãi đá ở Biển Đông có lẽ mới là các lực lượng đang tìm cách bao vây Biển Đông. Nói thế họ sẽ tự biết tôi đang nhắc tới nước nào", ông Phan cho biết.
Sau đó chuyên gia Đài Loan lên giọng rằng: "Việt Nam 'thật đáng thương vì chỉ đi nhận vũ khí của người này để đánh người khác'. 50 năm trước đã vậy và bây giờ lại làm vậy. Kết quả là chỉ có Việt Nam bị tổn thương". Trong khi ông Phan chưa kịp đáp lời thì đài Phượng Hoàng chuyển ngay tới các câu hỏi tiếp về quan hệ Việt – Mỹ.
"Đài Phượng Hoàng dường như muốn nghe ngóng tình hình và sắp đặt theo kiểu gây ức chế, chụp mũ", ông Phan nói. Theo tiến sĩ Phan, ông tiếc là chưa thể nói cho chuyên gia Đài Loan, và đông đảo khán giả của đài Phượng Hoàng rằng nền quốc phòng Việt Nam là để tự vệ và việc mua vũ khí là chuyện rất bình thường của các quốc gia.
Nữ tiến sĩ kinh tế đến từ Viện kinh tế quốc tế Trung Quốc thì đặt câu hỏi bằng tiếng Việt và trực tiếp dịch lại cho cử tọa bằng tiếng Trung Quốc, ông Phan "nghĩ sao nếu Việt Nam và Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, không tố cáo lẫn nhau để tránh làm căng thẳng tình hình". Ông Phan đáp điều này là "không được" và khẳng định các đảo là của Việt Nam, nhưng câu này không được bà tiến sĩ dịch.
Nói về ảnh hưởng của đài Phượng Hoàng, ông Phan cho biết đây là một trong những đài có vị thế cao nhất, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Hoa. Một lần ông Phan sang Mỹ, gặp hai người gốc Hoa, họ nói cảm ơn ông Phan đã cung cấp những thông tin về Biển Đông. "Họ bảo tôi rằng người Trung Quốc hành xử hung hăng quá", ông nói.
Tiến sĩ Phan chia sẻ thêm, về mặt chính thức, báo chí Trung Quốc như Tân Hoa Xã (Xinhua), Nhân dân nhật báo (People Daily) đăng lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này ca ngợi việc Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, họ cũng có những bài kích động, hù dọa Việt Nam. Ngay đài Phượng Hoàng cũng đặt câu hỏi "tranh chấp Biển Đông liệu có ảnh hưởng đến Hiệp định Biên giới trên bộ" đã được ký kết giữa hai nước hơn hai chục năm trước đây.
"Cách báo chí Trung Quốc đặt vấn đề như vậy khác nào dọa sẽ gây sức ép kinh tế", ông Phan nhận xét.
Ông Phan cho rằng cách giải quyết tốt nhất, đưa thông tin đến người dân Trung Quốc nhanh nhất là các cuộc đối thoại trực tiếp với chuyên gia Trung Quốc. "Tôi nghĩ chương trình này nên do Bộ Ngoại giao Việt Nam đứng ra tổ chức, được thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung".
Theo ông Phan, một số học giả Trung Quốc cũng nhận ra đường lưỡi bò yêu sách gần như toàn bộ diện tích Biển Đông mà họ tự vẽ ra là vô lý. "Có điều là họ ngầm nhận mà không dám nói", ông cho biết.
Xem thêm: Trung Quốc lên tiếng về việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam
Văn Việt