Học giả người Mỹ, Robert Haddick là một nhà quan sát Trung Quốc. Dưới đây là bài viết của ông trên tạp chí National Interest. Ông cho rằng chỉ cần đầu tư nguồn lực và thời gian tương đối nhỏ, nước Mỹ có thể hỗ trợ các đối tác tăng năng lực hàng hải nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Từ năm 2008, các nước ở phía đông và phía nam Trung Quốc quan sát thấy sự hiện diện ngày một gia tăng của lực lượng thực thi hàng hải, bảo vệ bờ biển và tàu hải quân Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp. Các quan chức Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên biển, dẫn đến gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã tiến hành một loạt cải tạo bãi đá ở Trường Sa, bất chấp phản đối của Việt Nam và Phillipines, cũng như đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, xâm phạm bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hay lượn lờ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây căng thẳng với Nhật Bản.
Chiến lược được cho là "cắt lát salami" này của Trung Quốc gồm những động thái nhỏ, chưa đủ khơi mào chiến tranh, nhưng theo thời gian, chúng sẽ góp phần đáng kể vào chiến lược bành trướng - trở thành thách thức đáng lo ngại cho các nước láng giềng.
Những nước này thiếu năng lực đối phó với sự hiện diện ngày một gia tăng của Trung Quốc. Nếu không lên tiếng phản đối, sự hiện diện này sẽ trở thành một chuỗi "sự kiện trên đất liền", củng cố yêu sách hàng hải vô lý của Trung Quốc.
Các nước ở biển Hoa Đông và Biển Đông có thể thực hiện các hành động thiết thực chống lại chiến lược "cắt lát salami" này bằng việc tập trung vào xây dựng năng lực hàng hải, đặc biệt là hợp tác phi quân sự, tăng cường phối hợp đa phương, tận dụng tối đa nguồn lực còn hạn chế để nâng cao sức mạnh chính trị, pháp lý và đạo đức chống lại các hành động vô lý của Trung Quốc.
Mỹ sẽ đóng vai trò hỗ trợ chính giúp các sáng kiến tại khu vực này thành công, và được kỳ vọng là "chất keo" cần thiết về mặt ngoại giao và lãnh đạo để đảm bảo hiệu quả hợp tác.
Dưới đây là sáu cách mà các nước trong khu vực, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ, có thể làm để chống lại chiến lược "cắt lát salami" của Trung Quốc.
Mở rộng sự hiện diện của các "tàu cá phi Trung Quốc" tại biển Đông và biển Hoa Đông
Chính phủ các nước cần ra chính sách khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động đánh cá dân sự, coi đây là một ưu tiên an ninh quốc gia. Mục đích của việc này là tạo thế cân bằng lực lượng với tàu cá dân sự Trung Quốc tại những vùng biển này, tránh việc nhân nhượng quyền đánh bắt với Trung Quốc. Mở rộng hoạt động đánh bắt cá cũng là một cách mở rộng hiện diện của lực lượng thực thi và bảo vệ biển (lực lượng "tàu vỏ trắng").
Các quốc gia (kể cả Trung Quốc) nên hợp tác đảm bảo trữ lượng cá khu vực không được khai thác quá mức. Quan trọng nhất, là các nước láng giềng của Trung Quốc cần phối hợp hành động để đối phó với sự hiện diện của tàu Trung Quốc. Những nước như Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia có thể sẽ nhìn ra lợi ích chiến lược và hỗ trợ tài chính cho sáng kiến này.
Chính sách và ngân sách nhà nước phải hỗ trợ việc thi hành luật hàng hải, tăng cường sự hiện diện và năng lực của lực lượng bảo vệ biển.
Các nước láng giềng của Trung Quốc có thể cải thiện năng lực nhiều hơn và nhanh hơn bằng cách tăng ngân sách cho lực lượng "tàu vỏ trắng", so với việc phân bổ ngân sách cho tàu chiến hải quân.
Trong trung hạn, sức mạnh hải quân của Trung Quốc sẽ tăng nhanh hơn các nước láng giềng. Các nước này chắc chắn không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc phát triển các "tàu vỏ xám" của hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, cạnh tranh về tàu dân sự, "tàu vỏ trắng" có thể sẽ thuận lợi hơn. Cộng đồng quốc tế nhiều khả năng sẽ đồng cảm hơn với các sự cố hàng hải liên quan đến tàu cá, tàu thực thi pháp luật và cảnh sát biển. Vì vậy, đầu tư vào cải thiện năng lực "tàu vỏ trắng" nên được ưu tiên, bởi chúng là phương tiện giúp các nước cạnh tranh với Trung Quốc thuận lợi hơn.
Các dịch vụ hàng hải của Mỹ (quân sự và dân sự), cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực nên tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi cán bộ và các hoạt động đào tạo đa phương.
Trao đổi kiến thức địa phương, kinh nghiệm hoạt động, phương án hành động tối ưu và chuyên môn kỹ thuật có chi phí tương đối thấp, giúp tăng cường năng lực hàng hải, mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Các quốc gia trong mạng lưới đối tác này nên mở rộng thường xuyên các chương trình trao đổi cán bộ, họp mặt nhân viên, hoạt động huấn luyện, để đạt lợi ích thực sự từ việc chia sẻ thông tin.
Mỹ cùng các đồng minh và đối tác nên thiết lập một hệ thống chính thức chia sẻ tin tức tình báo hàng hải cơ bản thời gian thực.
Điều này cho phép các nước đối tác trong mạng lưới thiết lập một "bức tranh hàng hải chung", tạo điều kiện phản ứng đa phương trước bất kỳ sự cố nào, và cho phép phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong quá trình phản ứng.
Nhân viên ở các cơ quan hàng hải đầu não và quan chức tình báo của các nước trong mạng lưới cần gặp gỡ để thiết lập hệ thống đó, ra quy trình đào tạo và cách thức duy trì nó.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các nước khác trong mạng lưới hàng hải khu vực phải chuẩn bị nhân sự và cách thức để đối phó với khủng hoảng đa phương.
Việc này nhằm chuẩn bị cho các thành viên mạng lưới đối phó với các sự cố và khủng hoảng hàng hải. Chuẩn bị trước phương án đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng, cho dù về thiên tai hay chính trị, sẽ giúp việc quản lý được trơn tru và hiệu quả hơn. Điều này cũng giúp ngăn chặn các đối thủ lợi dụng các cuộc khủng hoảng làm đòn bẩy.
Mời các nước trong khu vực có chung mối quan tâm tham gia vào các sáng kiến trên.
Mở rộng danh sách các nước tham gia chính là mở rộng nguồn lực, kiến thức, làm gia tăng tính hợp pháp về pháp lý cũng như đạo đức của nỗ lực bảo vệ cộng đồng hàng hải và quyền chủ quyền biển.
Áp dụng những biện pháp trên để xây dựng năng lực hàng hải đòi hỏi cam kết tài chính, nhân lực và sự quan tâm của chính phủ. Tập trung vào phát triển lực lượng "tàu vỏ trắng" cần được ưu tiên, là cách rẻ nhất và nhanh nhất để xây dựng năng lực và sự hiện diện của các nước láng giềng với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Hồng Hạnh