Trong bản thông điệp Liên bang hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ G. Bush tuyên bố: "Chừng nào mà vùng Trung Đông vẫn còn là nơi cư trú của bạo ngược, của nỗi thất vọng và căm giận, thì nó sẽ còn tiếp tục sản sinh ra những phần tử và những phong trào đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ và bạn bè của chúng ta. Vì vậy, Hoa Kỳ đang theo đuổi một chiến lược đột phá về tự do trong khu vực Trung Đông rộng lớn hơn". Tuy không trực tiếp nhắc đến khái niệm "Đại Trung Đông" (Great Middle East), nhưng bản thông điệp này thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu phương Tây đối với kế hoạch của Mỹ đối với một khu vực rộng lớn trải dài từ Marốc đến tận Afghanistan.
Trên thực tế khái niệm "Đại Trung Đông" đã được hình thành từ khoảng 20 năm cuối thế kỷ trước thông qua việc Mỹ tăng cường sự hiện diện và tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô và sau này là Nga tại các khu vực Bắc Phi, vùng Sừng Châu Phi, Tiểu Á, Trung Á và Caucasus.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông bắt đầu được thiết lập một cách rõ rệt nhất sau Hiệp định hoà bình giữa Israel và Ai Cập tại trại David (1979). Với vai trò trung gian đàm phán, Mỹ đã từng bước đưa Ai Cập vào vùng ảnh hưởng chiến lược và ngay sau đó, tháng 10 năm 1979, Mỹ thành lập Lực lượng liên quân triển khai nhanh (Rapid Deployment Joint Task Force) tại khu vực. Có thể nói việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan cũng là một nhân tố thúc đẩy Mỹ hình thành một chiến lược thống nhất cho khu vực rộng lớn này. Năm 1983, Mỹ thành lập USCENTCOM (US Central Command) thống nhất điều hành chiến lược an ninh cho khu vực bao gồm các nước nằm xung quanh Vịnh Ba Tư, bán đảo Ảrập, Pakistan, Afghanistan, Ai Cập, Jordani, Soudan, Ethiopia, Djibouti, Somalia và Kenya. Năm 1999, địa bàn điều hành của CENTCOM được ở rộng tới các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, nơi mà ảnh hưởng của Nga đang ngày càng suy yếu. Một địa bàn chiến lược rộng lớn nằm dưới sự điều hành quân sự thống nhất được thiết lập. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khái niệm Đại Trung Đông vẫn chưa được sử dụng hoặc ít ra là bên ngoài lĩnh vực quân sự thuần tuý.
Cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq mới đây đã buộc các nhà chiến lược Mỹ phải xác định một cách rõ ràng hơn một chiến lược thống nhất cho khu vực rộng lớn từ Rabat đến tận Kabul. Khái niệm Đại Trung Đông được xác định trong tổng thể chuyển đổi chiến lược toàn cầu mới của Mỹ từ mở rộng dân chủ tự do (enlargment) sang định hình thế giới (shaping the world) nhằm duy trì vị trí bá quyền của Mỹ trong trật tự thế giới toàn cầu hoá. Các biện pháp của chiến lược mới này bao gồm chính sách phổ biến đại trà các cơ cấu và chuẩn mực toàn cầu hoá (quản lý tốt - good governance, minh bạch, tự do hoá thương mại, quyền can thiệp…), dân chủ và nhân quyền theo giá trị Mỹ, chiến tranh phòng ngừa với đòn đánh phủ đầu, đe dọa chiến tranh hoặc biểu dương lực lượng dựa trên ưu thế tuyệt đối về công nghệ quân sự và thông tin hoá.
Về mặt địa lý, khái niệm "Đại Trung Đông từ Maroc đến Afghanistan" gần như không có sự thay đổi so với thẩm quyền địa lý của CENTCOM từ trước đó. Điểm khác biệt là khái niệm này được định nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hoá, tức xoá nhoà đi ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia. "Đại Trung Đông" được đặt trong những thay đổi của lý thuyết địa chính trị mới. Ở cấp độ này, "Đại Trung Đông" không còn là một tập hợp các quốc gia có chủ quyền nằm trên một vùng địa lý nhất định mà là một không gian hợp nhất cho các chiến lược kinh tế, chính trị và an ninh. Điểm chung dễ nhận thấy ở khu vực rộng lớn và không đồng nhất này là tính không ổn định của các chính thể, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đối nghịch với các giá trị Mỹ và phương Tây, khủng bố và cuối cùng là các nguồn năng lượng có trữ lượng khai thác lớn nhất thế giới.
Về nội dung, sáng kiến của Mỹ về Đại Trung Đông bao gồm ba trụ cột: phát triển, dân chủ hoá và an ninh.
Trong bản thông cáo gồm 10 trang gửi các nhóm làm việc (sherpas) chuẩn bị cho hội nghị G8 vào tháng 6 tới, chính quyền Mỹ chính thức đề nghị các bên tham gia chuẩn bị làm việc trên hai lĩnh vực kinh tế và chính trị của sáng kiến Đại Trung Đông. Theo bản thông cáo bị tiết lộ trên nhật báo Al-Hayat, sáng kiến này nhằm đáp lại những thiếu hụt như đã được chỉ ra trong các báo cáo năm 2002, 2003 của LHQ về tình hình phát triển tại các nước Ảrập liên quan đến "tự do, tri thức và giải phóng phụ nữ". Chính những thiếu hụt này, theo như bản thông cáo, là nguyên nhân của sự "gia tăng của chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, tội phạm quốc tế và di dân bất hợp pháp". Bản thông cáo cũng cho rằng những diễn biến mới đây như việc "giải phóng Afghanistan và Iraq" hay các đòi hỏi "dân chủ" trong khu vực là những "cơ hội lịch sử" mà các nước G8 cần phải nắm bắt.
Trên lĩnh vực phát triển, sáng kiến Đại Trung Đông có mục tiêu "xây dựng một xã hội tri thức" với các nhiệm vụ cụ thể như giảm tỷ lệ mù chữ từ nay đến năm 2010 xuống một nửa, đào tạo khoảng 100.000 giáo chức từ nay đến 2008. Những biện pháp cụ thể liên quan đến tài trợ thiết bị giáo dục như sách giáo khoa, hệ thống máy tính kết nối Internet cũng được đề cập. Về phát triển kinh tế, chiến lược "Đại Trung Đông" nhấn mạnh đến việc "giải phóng tiềm năng của khu vực kinh tế tư" thông qua các biện pháp "tài chính nhỏ". Một ngân quỹ 500 triệu đôla Mỹ sẽ được dự trù trong khoảng thời gian 5 năm nhằm tài trợ các dự án nhỏ phục vụ khoảng 1,2 triệu dân trong đó có khoảng 750.000 phụ nữ. Một ngân hàng phát triển "Đại Trung Đông" cho phép quy tụ những khoản tài trợ của các nước G8 mà Mỹ dự tính sẽ huy động cũng được nhắc đến trong sáng kiến này.
Về tiến trình dân chủ hoá, kế hoạch của người Mỹ đề ra chiến lược thúc đẩy và khuyến khích các lực lượng dân chủ ở trong khu vực thông qua việc trợ về giúp kỹ thuật cho các cuộc bầu cử tự do. Khi được hỏi về khả năng Mỹ tài trợ trực tiếp cho các lực lượng đối lập tại từng nước trong khu vực, một cố vấn chính trị của Sứ quán Mỹ tại Paris đã từ chối trả lời và nhấn mạnh rằng kế hoạch Đại Trung Đông sẽ có những phương án tài trợ trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhằm hình thành và phát triển một xã hội dân sự trong lòng các xã hội chịu ảnh hưởng sâu rộng của chủ nghĩa Hồi giáo.
Về mặt an ninh, bằng sáng kiến "Đại Trung Đông", chính quyền Bush hướng mọi cố gắng vào "cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố". Cho dù đây không phải là mục tiêu duy nhất nhưng lại là lần đầu tiên giới bảo thủ nắm quyền ở Washington công khai gắn vấn đề chống khủng bố với các khía cạnh có liên quan như chính trị và phát triển, lập trường mà các nước châu Âu cũng như các nước trong khu vực từ lâu đã cố gắng bảo vệ. Theo bà Nicole Gnesotto, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Liên hiệp châu Âu, chiến lược an ninh và chính trị này là những bước phát triển có nhiều điểm tương đồng với các học thuyết trước đó của giới học giả thân cận Washington như thuyết "xung đột văn minh" của Huntington và thuyết "đô-mi-nô dân chủ" được các chiến lược gia của cuộc chiến tranh Iraq tán tụng cách đây hơn một năm.
Vũ Hồng Hà