Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đảng Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông đang tiến hành một cuộc thanh trừng lớn trong lực lượng vũ trang sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.
Ông Erdogan đã gọi cuộc đảo chính bất thành này là một "món quà của Thượng đế" để tiến hành thanh lọc quân đội. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo điều này sẽ gây khó khăn cho Ankara trong việc sử dụng quân đội như một công cụ chính sách và chiến lược quốc gia trong hoàn cảnh khó khăn.
Tổ chức phân tích tình báo phi chính phủ Stratfor nhận xét rằng cuộc thanh trừng sẽ làm xói mòn đáng kể năng lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Việc bắt giữ và bỏ tù hàng chục tướng lĩnh, hàng trăm sĩ quan chỉ huy cũng như các trợ lý hậu cần sẽ khiến hàng ngũ rối loạn, công tác điều hành đơn vị quân đội bị tê liệt. Tình cảnh đó cũng khiến các binh lính giảm sút nhuệ khí và suy yếu tính gắn kết trong chiến đấu.
Trong số những người đảo chính có các nhóm từ ba đơn vị trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gồm quân đoàn 1, 2 và 3, và còn mở rộng đến một số đơn vị không quân. Trong số khoảng 6.000 sĩ quan, binh sĩ bị bắt có các chỉ huy đương nhiệm cấp cao như tư lệnh quân đoàn 2 Adem Huduti và tư lệnh quân đoàn 3 Erdal Ozturk, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik, Bekir Ercan Van, và cố vấn quân sự cấp cao cho tổng thống Ali Yazici.
Với chiến dịch bắt bớ quy mô lớn như vậy, các chương trình huấn luyện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ bị xáo trộn vì các bài tập thường xuyên sẽ bị hoãn hoặc hủy bỏ.
Chiến dịch thanh trừng quân đội cũng sẽ gieo rắc sự ngờ vực, hoài nghi trong lực lượng vũ trang, khiến các binh sĩ mất đi tính gắn kết, yếu tố quyết định cho thắng lợi trên chiến trường.
Việc lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn khi chính phủ cải cách hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân đội. Chính phủ có thể cố gắng cải thiện một số vấn đề bằng cách khôi phục chức vụ cho những sĩ quan trước đây bị lật đổ bởi những người theo phong trào Gulen (phong trào do giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ khởi xướng, ông này bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc xúi giục cuộc đảo chính), nhưng điều này sẽ không xảy ra nhanh chóng.
Thời điểm xấu
Stratfor đánh giá cuộc thanh trừng đến vào thời điểm không thể xấu hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, khi quân đội nước này đang tập trung chiến đấu với Đảng Công nhân người Kurk (PKK) đòi ly khai, trong khi cũng phải đề phòng những diễn biến từ Iraq và Syria.
Việc quân đội bị suy yếu do hậu quả của cuộc đảo chính thất bại sẽ khiến Ankara có ít công cụ hơn để xử lý những thách thức đến từ cả trong và ngoài nước như vậy.
Ở trong nước, các chiến dịch quân sự chống lại PKK nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn, dù ít khả năng phải dừng lại hoàn toàn. Ở nước ngoài, phương án sử dụng lực lượng quân sự can thiệp vào Syria giờ đây đã trở nên quá mạo hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thực hiện được các cuộc xâm nhập lực lượng quy mô lớn vào lãnh thổ Iraq để củng cố ảnh hưởng như trước đây.
Những rối loạn trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ làm phức tạp nỗ lực khu vực của các cường quốc khác. Chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) của Mỹ chủ yếu dựa vào căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Washington cũng dựa vào Ankara để cắt đứt các tuyến đường hậu cần cho các nhóm cực đoan. Khi Ankara bị phân tâm, việc hỗ trợ cho các phiến quân ôn hòa tại Syria cũng có thể bị suy yếu. Đối với Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd (YPG) tại Syria, đấu đá nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp cho họ có cơ hội mở rộng hiện diện và kết nối với các vùng do người Kurd kiểm soát.
Về lý thuyết, quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất trong khu vực. Nhưng nhuệ khí thấp và bất đồng chính kiến thường hé lộ các rạn nứt trong sức mạnh của họ. Những điểm yếu thường được che đậy bởi quân số lớn và trang thiết bị hiện đại, chỉ trở nên rõ ràng sau cuộc đảo chính. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giờ sẽ cần tập trung vào các vấn đề nội bộ để đối phó với những tác động của cuộc đảo chính.
Stratfor cho rằng sẽ mất vài năm để lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi, nhưng họ không có nhiều thời gian như vậy. Tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trầm trọng, và Thổ Nhĩ Kỳ rất cần phải đóng góp để kiềm chế tình trạng hỗn loạn trong khi xây dựng vị thế riêng của mình.
Xem thêm: Cuộc đột kích bắt hụt tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ của phe đảo chính
Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra thế nào
Phương Vũ