Nước Mỹ và phần còn lại của thế giới đang dần thấu hiểu những tham vọng chính trị của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donal Trump. Ngay cả tờ Huffington Post, từng gọi chiến dịch tranh cử của tỷ phú New York này là "show diễn của gã hề", giờ đây đang công khai cảnh báo về xu hướng chính trị đáng lo ngại "có thể trở thành thứ gì đó kinh khủng và đầy đe dọa".
Các chính phủ và người dân ở khắp châu Á đang chứng kiến sự trỗi dậy đáng ngạc nhiên của ông Trump với một thái độ đầy lo lắng, bởi ông có những phát ngôn về chính sách đối ngoại với những lời lẽ cay nghiệt và xúc phạm. Dưới đây là cái nhìn của Richard Javad Heydarian, giáo sư chính trị Đại học La Salle, Philippines và là tác giả một cuốn sách về Mỹ - Trung Quốc và cuộc chiến ở tây Thái bình dương:
Ông trùm bất động sản Mỹ đã giành chiến thắng liên tiếp từ bang này đến bang khác trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua giành vị trí ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Đảng Cộng hòa cũng đang trong trạng thái hoảng loạn, khi ngày càng nhiều ứng viên ôn hòa, chẳng hạn như Marco Rubio - người chịu thất bại thảm hại trong các cuộc bầu cử sơ bộ ngày Siêu Thứ ba - đang có nguy cơ lớn bị loại khỏi cuộc đua, thậm chí còn bị thua ngay tại bang quê nhà Florida.
Chỉ có ứng viên Ted Cruz, thượng nghị sĩ đến từ bang Texas, nổi lên là đối thủ xứng tầm với tỷ phú Trump. Tuy nhiên, ông này thậm chí còn vấp phải sự chỉ trích nặng nề của những người trong đảng Cộng hòa bởi tư tưởng ngoan cố và không có tinh thần đoàn kết trong đảng.
Dù khả năng trở thành tổng thống Mỹ của Trump không cao, những phát ngôn gây sốc của ông về nhiều vấn đề nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ, đặc biệt là ở châu Á.
Ông Trump, với đường lối chính trị mà ông theo đuổi, mới là mối đe dọa lớn nhất với sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, hơn cả sự trỗi dậy của Trung Quốc, Heydarian nhận định.
Các nhà khoa học chính trị hàng đầu nhận thấy sự nổi lên của Trump là một điềm báo cho một vấn đề lớn hơn: hội chứng bài ngoại đang gia tăng và kích động xu hướng độc đoán trong các thành phần cử tri nhất định.
Là một doanh nhân sắc sảo, ông Trump đã khai thác các vấn đề dư luận quan tâm để thu hút sự ủng hộ ngày càng lớn của cử tri, một trong số đó là nỗi giận dữ của dân chúng về vấn đề thất nghiệp và lo sợ công việc của người dân Mỹ sẽ bị "người khác cướp mất", dù đó là người Mexico nhập cư hay những người gốc Á đặt chân đến nước Mỹ.
Một tay Trump đã biến khái niệm "sự đàng hoàng trong chính trị" thành một cuộc chiến ý thức hệ khi biến những điều bình thường thành một đức tin mù quáng. Ngay sau các vụ tấn công ở San Bernardino, tỷ phú New York đã kêu gọi một lệnh cấm hoàn toàn, dù tạm thời, những người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Trump đã cố gắng biện minh đó là một biện pháp phòng ngừa hợp lý, nhưng lại hoàn toàn phớt lờ hàm ý của đề xuất đáng lo ngại này rằng tất cả người Hồi giáo đều là "mối đe dọa tiềm tàng" với người Mỹ.
Các tuyên bố của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng giận dữ ở nhiều nước châu Á, nơi phần lớn dân số theo đạo Hồi. Thứ trưởng nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamad cho rằng "phát ngôn của ông Trump phản ánh tư duy của nhiều người Mỹ và điều này thật đáng lo ngại". Ở Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, nghị sĩ nổi tiếng Setya Novanto đã bị cáo buộc vi phạm đạo đức khi ông tới tham dự một sự kiện vận động tranh của Trump ở New York.
Theo các nhà quan sát, vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế. Sự hấp dẫn của các giá trị, sự trường tồn của thể chế và sự cộng hưởng của văn hóa Mỹ kết hợp với nhau khiến "sức mạnh Mỹ tăng lên theo cấp số nhân", giúp Mỹ nghiêng về thuyết phục thay vì ép buộc trong xử lý các vấn đề quốc tế, nhà khoa học chính trị Mỹ Joseph Nye nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Trump và "thương hiệu" chính trị của ông lại trở thành sự chế nhạo các giá trị trên của nước Mỹ. Trùm bất động sản này cũng được mô tả là một người rất quan tâm đến phục hưng chủ nghĩa trọng thương của Mỹ hồi thế kỷ 19. Ông phản đối thương mại tự do, chỉ trích các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản "chỉ thích làm theo ý mình", đề xuất Hàn Quốc gánh thêm chi phí cho quân đội Mỹ ở nước này, và thậm chí còn ngầm ca ngợi hoạt động "xây đảo chóng vánh" phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo học giả Thomas Wright của Viện Brookings, Donald Trump có ý định đảo lộn trật tự tự do quốc tế bằng cách ủng hộ "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và mọi quốc gia đi theo mô hình chủ nghĩa trọng thương". Về điều này, thế giới quan của Trump đi chệch hướng hoàn toàn khỏi sự đồng thuận lưỡng đảng vốn chi phối chính sách đối ngoại Mỹ kể từ khi kết thúc thế chiến II.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà phê bình bảo thủ hàng đầu như Max Boot đã công khai tuyên bố rằng họ thà bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton hơn là bầu cho ứng viên tiềm năng bên đảng Cộng hòa. "Tôi cho rằng đảng Cộng hòa sẽ rạn nứt nếu ứng viên là một kẻ mị dân phát xít như Donald Trump", ông Boot thẳng thừng tuyên bố. Robert Kagan thậm chí còn mạnh bạo hơn khi mô tả Trump là "quái vật Frankenstein" của đảng Cộng hòa.
Ông Trump là sự kết hợp của nỗi sợ hãi ở trong nước với chủ nghĩa tự cô lập vô trách nhiệm ở nước ngoài. Điều này còn góp phần làm phức tạp hóa nỗ lực xoay trục sang châu Á được chính quyền Obama phát động nhưng chưa thực sự làm được nhiều, khiến nhiều người hoài nghi về năng lực duy trì trật tự ổn định cũng như kiềm chế hành vi của Trung Quốc ở châu Á, giới phân tích nhận định.
Dù có trở thành tổng thống hay không, ông Trump cũng đã góp phần hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế. Và một nhiệm kỳ tổng thống của Trump rõ ràng sẽ là một thảm họa, thậm chí có thể khiến một số đối tác của Mỹ trong khu vực âm thầm ngả sang Trung Quốc, ông Heydarian nhấn mạnh.
Duy Sơn